Một cuộc khảo sát mới của YouGov cho thấy 29% người đã đưa ra quyết tâm tiết kiệm để cải thiện tài chính. Tuy nhiên, sẽ không thực tế khi bạn kỳ vọng đột ngột được tăng lương hoặc tiết kiệm tới 50% thu nhập.
"Nếu làm vậy, bạn đang đặt mình vào thất bại", Liz Hunter, giám đốc của Money Expert nói. "Chìa khóa để đạt được mục tiêu tài chính lớn là thiết lập thói quen".
Dưới đây là 7 thói quen đơn giản bạn có thể áp dụng trong năm mới để đạt được mục tiêu tài chính nhẹ nhàng hơn.
Kiểm tra tài khoản và hóa đơn thường xuyên
Việc kiểm tra tài khoản ngân hàng và hóa đơn thường xuyên giúp bạn biết chính xác dòng tiền vào, ra và những gì có thể chi tiêu.
"Bạn có thể ngăn chặn các vấn đề từ sớm, dù là các khoản chi tiêu không ngờ tới hay chỉ đơn giản đang quá gần với hạn mức thấu chi", Liz nói.
Để việc kiểm tra tài khoản trở thành ưu tiên, chuyên gia tài chính gợi ý mỗi tuần dành một chút thời gian xem xét những gì bạn đã chi tiêu và số tiền còn lại được phép tiêu. Nếu điều này khó thực hiện, Liz gợi ý chọn kiểm tra số dư nhanh mỗi ngày để nắm được tình hình.
"Sử dụng các trang so sánh để xem liệu bạn có thể giảm chi phí hàng tháng hoặc hàng năm cho các dịch vụ truyền hình, mạng, di động, cũng như thanh toán bảo hiểm ôtô, nhà", cô nói.
Theo dõi chi tiêu không thiết yếu
Sau vài tháng đầu năm 2025, Liz nói hãy xem xét sổ chi tiêu, liệt kê tất cả các chi tiêu không thiết yếu và lý do bạn đã tiêu tiền vào đó. Nó có thể hữu ích khi chia những khoản này thành các danh mục, ví dụ, ăn ngoài, quà tặng cho bạn bè/gia đình và mua sắm quần áo.
"Khi có các con số trước mặt, bạn sẽ dễ dàng thấy nơi nào có thể cắt giảm", Liz nói.
Một số ứng dụng ngân hàng cho phép phân loại các khoản chi tiêu và sẽ gửi thông báo bạn đã chi tiêu nhiều hơn hay ít hơn mỗi tháng. Đây có thể là một cách tốt để đơn giản hóa quá trình vốn "hơi nhàm chán" này.
Xem xét các lựa chọn tiết kiệm
Khi bạn xây dựng tiết kiệm, hãy xem xét các lựa chọn khác nhau, chẳng hạn tài khoản tiết kiệm cố định, nơi bạn khóa tiền của mình trong một khoảng thời gian nhất định để đổi lấy lãi suất cao hơn. Bạn cũng có thể mua vàng hay xây các kênh tiết kiệm khác.
Tạo quỹ cho các dịp đặc biệt
Thật khó chịu khi bạn đã cố gắng tiết kiệm nhưng lại phải tiêu hết cho những dịp như sinh nhật, nghỉ mát, Giáng sinh. Liz gợi ý tạo một quỹ tiết kiệm cho các dịp cụ thể mà bạn sẽ cần thêm tiền mỗi năm. Hầu hết các ứng dụng ngân hàng trực tuyến cho phép chúng ta thiết lập quỹ không giới hạn và tự động hóa số tiền đưa vào mỗi tháng. Bạn cũng có thể nuôi lợn tiết kiệm theo ngày hay tuần.
Cố gắng chỉ mua những gì bạn có thể chi trả
Không phải ai cũng có điều kiện thanh toán một lần, nhưng hãy cố gắng tránh việc trả góp hàng tháng. "Nguy cơ của mua hàng trả góp là khuyến khích bạn mua những thứ không thể chi trả và nhiều người không nhận ra nó cũng là một hình thức tín dụng", Liz nói.
Trở thành người mua hàng có ý thức
Để trở thành người tỉnh táo khi mua sắm, đầu tiên tạo danh sách và chỉ thêm những món đồ bạn thực sự cần. Sử dụng danh sách này để kiểm soát những gì bạn tiêu tiền và cân nhắc lại các khoản mua sắm bốc đồng.
Hãy áp dụng quy tắc 48 giờ. Nếu bạn thấy một món đồ thực sự muốn mua nhưng không nhất thiết cần, hãy đợi 48 giờ. Điều này cho bạn đủ thời gian để cân nhắc và nghiên cứu các lựa chọn khác để đảm bảo nó xứng đáng chi tiền.
Nếu bạn có một thứ cụ thể trong đầu, hãy tìm kiếm các giao dịch tốt nhất, so sánh giá trực tuyến và tìm mã giảm giá trước khi mua.
Tránh bị cuốn vào các giảm giá. Bởi nếu món đồ không thực sự cần thiết, không lý nào lại mua chỉ vì được giảm giá.
Đăng ký các chương trình thẻ khách hàng thân thiết
Đúng là có thể có vẻ phiền phức nhưng thẻ khách hàng thân thiết có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền đáng kể.
Bảo Nhiên (Theo Metro)