Khi rời khỏi hang Tham Luang vào tối 10/7, thợ lặn cứu hộ người Singapore Douglas Yeo được mời một chai bia lạnh. Tuy nhiên, thứ mà thợ lặn 50 tuổi này cần nhất sau 12 tiếng ngâm mình trong làn nước đục ngầu, lạnh cóng là oxy.
"Không có màn ăn mừng hoành tráng nào. Một số thợ lặn rất vui, nhưng chúng tôi không chắc về tình trạng của các cậu bé. Tôi cảm thấy thật tuyệt khi được cởi mặt nạ và hít thở không khí trong lành", Yeo chia sẻ trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNA hôm qua.
Ông là một trong hàng nghìn thợ lặn, chuyên gia cứu nạn, tình nguyện viên khắp thế giới tập trung tại huyện Mae Sai, tỉnh Chiang Rai để hỗ trợ chiến dịch giải cứu 12 thiếu niên và huấn luyện viên đội Lợn Hoang ra khỏi hang Tham Luang, nơi họ mắc kẹt suốt hơn hai tuần.
Yeo được giao nhiệm vụ hỗ trợ trong ngày thứ ba của chiến dịch nhằm giải cứu 4 thiếu niên cuối cùng và huấn luyện viên 25 tuổi. Ông tình nguyện tham gia đội cứu hộ sau khi đọc tin tức về tình huống nguy hiểm mà đội Lợn Hoang gặp phải.
"Tôi đã trình bày vấn đề với vợ và mẹ tôi. Họ chúc tôi may mắn", Yeo cho biết. Ông tới miền bắc Thái Lan vào tối 9/7, sau khi liên lạc với một quan chức trong chiến dịch.
Yeo cho rằng điều khó khăn nhất trong chiến dịch giải cứu là cần phải kiên nhẫn. Ông và các cộng sự, hầu hết là đặc nhiệm SEAL hải quân Thái Lan, phải chờ đợi suốt 9 giờ trong điều kiện lạnh và ẩm ướt trước khi bắt tay vào nhiệm vụ hộ tống các cậu bé ra ngoài. Trong lúc chờ, Yeo có thể nghe thấy tiếng thì thầm cầu nguyện của mọi người.
"Tôi nghe thấy những bài hát và lời cầu nguyện từ các tôn giáo khác nhau, nhưng chúng tôi đều có chung mong muốn chiến dịch thành công", Yeo cho biết.
"Chúng tôi phải hành động cẩn thận và tỉ mỉ, từng bước một chuyển các cậu bé từ khoang ngầm này sang khoang ngầm khác để tránh thương vong. Chúng tôi phải lặn qua vùng nước lạnh như băng và đục đến mức không nhìn thấy gì, đồng thời phải cảm nhận phương hướng bằng cách di chuyển dọc theo dây cứu hộ để ra ngoài", Yeo kể về quá trình giải cứu.
Dù đã có 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lặn cứu hộ, Yeo cho rằng hành trang của mình không giúp ông sẵn sàng cho những thách thức về kỹ thuật trong chiến dịch. "Do không có các máy móc hỗ trợ, chúng tôi phải giải cứu với những thiết bị có sẵn", ông giải thích.
Yeo cho biết "tài sản" lớn nhất có được sau chiến dịch này chính là tình bạn với các thợ lặn cũng như các tình nguyện viên khắp thế giới. "Tôi không có anh em ruột, nhưng giờ đây tôi có rất nhiều huynh đệ từ Thái Lan, Argentina và Anh. Mọi người cũng nhận tôi là anh em của họ. Tinh thần thật tuyệt vời", ông cho biết.
Yeo sẽ cùng những người "anh em" mới đến tỉnh Roi Et để viếng thợ lặn Saman Kunan, cựu đặc nhiệm SEAL tử nạn trong quá trình giải cứu đội Lợn Hoang. "Hôm nay chúng tôi sẽ bay đến đó. Tôi chia buồn với gia đình anh ấy, đồng thời muốn thể hiện lòng tiếc thương", Yeo hôm qua cho biết.
Ông sẽ tới đám tang cùng Joe, người bạn thân trong chiến dịch cứu hộ, đồng thời là nguồn cảm hứng cũng như người hướng dẫn tuyệt vời trong suốt quá trình hoạt động.
"Joe đã chăm sóc tôi. Chúng tôi chuẩn bị thức ăn cho nhau và phối hợp hoạt động. Nhiệm vụ đã hoàn thành. Giờ chúng tôi là anh em suốt đời", Yeo nói.
Thợ lặn chật vật luồn lách trong hang nơi đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt
Ánh Ngọc