Cuộc thi đã đi đến vòng cuối, dần hé lộ gương mặt xuất sắc sau gần 3 tháng tranh tài. Tại vòng chung kết (hôm 28/4), các đội thi đã có buổi thuyết trình về dự án, sản phẩm trước Hội đồng giám khảo. Trong số 29 đội lọt vào vòng chung kết, nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ GenZ thể hiện tình yêu đối với nghiên cứu khoa học, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo phục vụ cho cuộc sống.
Tác giả Phạm Thành Chung (17 tuổi), Ninh Bình, mang đến cuộc thi với các sản phẩm vật dụng đa dạng được đan từ sả và khoai nước. Thành Chung cho biết, các sản phẩm tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, giá thành rẻ, được thực hiện đan thủ công thân thiện với môi trường, nhằm thay thế các dạng vật liệu nhựa. Lá sả phơi khô có mùi thơm, giòn và cứng, đan kết hợp với cói, mây tạo thành các vật dụng có giá trị sử dụng cao như: khay, hộp, khung đèn, lót cốc, lót nồi, búi rửa bát, miếng lót cốc, chén, bát, nồi... Cuống khoai phơi khô nhẹ, mềm cũng được dùng để đan thành khay, hộp đựng.
Chung cho biết, sản phẩm có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, có thể phơi khô để tránh nấm mốc. Hiện sản phẩm được gia đình Chung sản xuất tại nhà.
Một đội thi khác là nhóm của Lê Quang Dương (17 tuổi) với ý tưởng xây dựng bản đồ tai biến kép trượt lở đất, lũ quét tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Xuất phát từ thực tiễn trượt lở đất và lũ quét diễn ra hàng năm với tần suất lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, nhóm đưa ra ý tưởng xây dựng các bản đồ cảnh báo về hiện trạng này.
Nhóm sử dụng bằng phần mềm Gis tính toán dữ liệu để tạo nên các bản đồ, đồng thời sử dụng tọa độ các vị trí xảy ra trượt lở đất tại Quảng Nam, tham khảo từ nguồn Viện Địa Chất, Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam. Nhóm đồng thời xây dựng bản đồ dự báo trượt lở, phân vùng nguy cơ trượt lở-lũ quét và xây dựng bản đồ tai biến kép.
Kết quả của nhóm thi chưa đưa ra được độ chính xác của bản đồ phân vùng, nhưng thành viên Hội đồng giám khảo đánh giá cao tinh thần của đội thi khi ở bậc phổ thông, các em tiếp cận bản đồ Gis khá sớm, mong muốn ứng dụng kiến thức phục vụ tại địa phương.
Một sản phẩm khác đến từ nhóm học sinh tại THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - hệ thống rửa tay thông minh trong trường học. Nhóm phát triển sản phẩm với mong muốn hình thành thói quen rửa tay thường xuyên nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm các dịch bệnh qua đường hô hấp, tiêu hóa, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Hệ thống máy rửa tay thông minh với 3 buồng (sát khuẩn khô, rửa tay bằng nước sinh hoạt, rửa tay bằng xà phòng). "Tính năng ưu việt của hệ thống là tích hợp xử lý nước thải bằng dịch chiết lá bàng và tái sử dụng cho việc tưới cây bằng hệ thống tưới tự động qua bộ phận cảm biến độ ẩm", đại diện nhóm cho biết.
Nguyên liệu chế tạo sản phẩm bao gồm board mạch arduino UNO, module cảm biến siêu âm, máy bơm 12V, module cảm biến đo nhiệt độ, module cảm biến đo nồng độ pH, tấm nhựa formex để dựng khung của hệ thống, máy hàn điện, máy cắt, ống nước... Sau khi thử nghiệm với lá bàng tươi và khô, nhóm nhận thấy nước thải được trung hòa với dịch chiết từ lá bàng giúp cho nồng độ pH trong nước thải về trạng thái trung tính sẽ phù hợp với cây trồng (đảm bảo an toàn cho cây, đất trồng). Nhóm cho biết thêm, sản phẩm có thể phát triển theo hai hướng, gồm rửa tay thông minh trong nhà trường và dung dịch chiết sử dụng chế tạo thuốc trừ sâu sinh học.
Ban giám khảo đánh giá ý tưởng của nhóm rất đáng khích lệ khi có tinh thần nghiên cứu khoa học ngay trên ghế nhà trường. Tuy nhiên sản phẩm vẫn còn một số hạn chế như không hoạt động nếu mất điện, giá thành sản phẩm cao so với thị trường. "Thay vì sử dụng cảm biến có thể sử dụng cơ khí đơn giản để vẫn rửa được tay khi mất điện và giảm giá thành", thành viên hội đồng gợi ý.
Một sản phẩm khác đến từ nhóm của học sinh Nguyễn Đỗ Quỳnh Nguyên, thiết bị đo và phát hiện sớm chứng vẹo cột sống. Nhóm đã ứng dụng cảm biến Kinect có khả năng nhận diện được khung xương để đo và đưa ra số đo góc của cột sống, từ đó đưa ra kết luận về tình trạng cột sống của người đo. Khi người được đo đứng vào vị trí đã được chỉ định (trong vùng hoạt động của cảm biến), sau 10s cảm biến sẽ bắt đầu lấy số liệu các góc rồi thông qua code đã được lập trình tính toán đưa ra số liệu trên màn hình. Khi bấm vào nút xuất kết quả, thông tin đo được in ra giấy để bảo lưu.
Theo nhóm, kết quả kiểm nghiệm thực tế trên 550 học sinh đã phát hiện 28 bạn có tình trạng vẹo cột sống (phương pháp chụp X-quang sử dụng để tham chiếu xác thực cũng phát hiện ra số này).
Đại diện nhóm cho biết, sử dụng camera quét tia hồng ngoại để đưa ra tính toán khung xương. Lúc này cảm biến Kinect thu thập và đưa ra thông tin về các điểm khung xương với tọa độ không gian 3D, sau đó dựa vào thuật toán được lập trình để tính ra góc trong tọa độ không gian sẽ giúp chẩn đoán người đó có bị vẹo cột sống hay không. Giá thành sản phẩm khoảng 7 triệu đồng và chỉ tốn 10s cho một lần đo và có thể tính được góc lệch cụ thể là bao nhiêu độ, theo nhóm nghiên cứu.
Đánh giá ý tưởng này, đại diện Ban giám khảo cho rằng, X-quang hiện vẫn là phương pháp không thể thay thế, tuy nhiên ý tưởng của nhóm đáng khen ngợi nhờ tinh thần đam mê sáng tạo.
Thành viên Hội đồng gợi ý, có thể sử dụng cảm biến khác thuận lợi hơn, đồng thời cần có bên thứ ba chứng minh sản phẩm phục vụ sức khỏe con người. Việc phát triển sản phẩm với giá thành rẻ là ý tưởng hay, tuy nhiên ban giám khảo cho rằng cần có thêm các tham khảo chuyên môn như phẫu thuật chỉnh hình, hội đồng y đức hoặc trực tiếp từ bên thiết bị y tế, cấp phép và kết nối để có thể triển khai trên diện rộng.
TS Nguyễn Phi Lê, thành viên Hội đồng giám khảo đánh giá cao tinh thần của các đội thi. "Có những học sinh cấp 2, cấp 3 trả lời câu hỏi của ban giám khảo hồn nhiên, tự tin và giàu nhiệt huyết. Tuổi nhỏ nhưng các em đã có ý thức về các vấn đề có tính ảnh hưởng lớn đối với xã hội", TS Lê nói.
Các kết quả cuối cùng của cuộc thi sẽ được công bố và trao giải trong tháng 5, diễn ra cùng Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit 2022). Giải nhất dành cho tác giả, nhóm tác giả có dự án nghiên cứu xuất sắc trị giá 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng giải khuyến khích. Cuộc thi cũng vinh danh ý tưởng xuất sắc, trị giá mỗi giải 10 triệu đồng.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên. Cuộc thi hướng tới các nhà khoa học trẻ, tuổi dưới 40, tìm kiếm và thúc đẩy những ý tưởng sản phẩm có giá trị thiết thực giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Sau hai tháng phát động, cuộc thi đã thu hút được hơn 100 hồ sơ về ý tưởng, sản phẩm, trong đó có 88 hồ sơ hợp lệ, nhận được gần 20.000 lượt bình chọn của độc giả.
Cuộc thi năm nay sẽ trao giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất trị giá 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là một quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Như Quỳnh