Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Trần Văn Hậu, quê Nam Định, đạt 9 điểm môn Văn và Giáo dục công dân, 8,5 Lịch sử, tổng 26,5 tại tổ hợp C19, chưa gồm điểm ưu tiên. Mức này có thể giúp Hậu đỗ nhiều ngành khoa học xã hội của các đại học top giữa. Chưa kể, em đã trúng tuyển sớm vào hai trường đại học bằng điểm học bạ.
Dù vậy, Hậu bỏ đăng ký xét tuyển đại học, nộp hồ sơ vào nghề Chế tạo thiết bị cơ khí, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, và đã đi học từ ngày 7/8.
"Em muốn rút ngắn thời gian học, thực hành nhiều hơn để vừa ra trường sớm, lại có tay nghề để tìm công việc cho thu nhập tốt", Hậu nói, cho biết anh trai cũng tốt nghiệp cao đẳng, thu nhập khoảng 15 triệu đồng một tháng. Vì vậy, gia đình ủng hộ lựa chọn của em.
Hậu nằm trong số 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay. Con số này chiếm hơn 30% tổng thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia, nhà giáo đề cập, trong đó có việc thí sinh chủ động chọn học nghề.
Phạm Văn Tiến, quê Ninh Bình, cũng vừa nhận thông báo trúng tuyển Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, nghề Lập trình máy tính.
Đạt 25 điểm tổ hợp A01 (Toán 8,2, Vật lý 8,25 và Tiếng Anh 8,6) - mức có thể trúng tuyển hàng chục trường đại học, nhưng Tiến xác định theo cao đẳng từ trước.
"Thời gian học đại học dài gấp đôi, các môn lý thuyết nhiều", Tiến so sánh. Trong khi đó, em muốn có tay nghề, đi làm sớm.
Ông Nguyễn Duy Đô, Hiệu trưởng Cao đẳng Công thương Việt Nam, cho biết số sinh viên nhập học vào trường có điểm xét tuyển đại học cao ngày càng nhiều. Từ 2020 đến nay, mỗi năm trường ông có khoảng 20-40 sinh viên đạt từ 25 điểm trở lên nhập học, một số em 27 và trên 27 điểm. Trong khi trước kia, thí sinh trượt đại học mới vào cao đẳng.
"Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy thí sinh có tìm hiểu kỹ càng và định hướng nghề nghiệp tốt hơn trước rất nhiều", ông Đô nói.
Tương tự, tại Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, mỗi năm có khoảng 140-290 thí sinh trên 20 điểm thi tốt nghiệp THPT nhập học, chiếm 15-30% chỉ tiêu của trường. Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh nhận định những em này thường có định hướng rõ ràng, muốn được trang bị kỹ năng thực hành, làm việc trực tiếp để sớm tham gia thị trường lao động.
Theo ông Đô, hệ cao đẳng có một số ưu điểm so với đại học như học phí phù hợp (khoảng 10 triệu đồng một năm), thời gian học ngắn (2-3 năm) nhưng thực hành nhiều, tối thiểu khoảng 70% chương trình đào tạo.
Còn ông Khánh nhận định học nghề sớm mang đến nhiều cơ hội việc làm khi sinh viên vừa có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm "thực chiến". Việc thường xuyên được cọ xát, thực hành giúp các em xây dựng tác phong, thái độ làm việc chỉn chu. Đây là điều doanh nghiệp nào cũng chú trọng khi đánh giá ứng viên.
Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy số người thất nghiệp có bằng đại học trở lên chiếm 13,4%. Đây là mức "khá cao", theo đánh giá của đơn vị khảo sát. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng chỉ 5,3%.
Về mức lương, cũng theo báo cáo này, lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng có thể kiếm khoảng 7 triệu đồng một tháng, còn đại học trở lên là 9,2 triệu đồng. Khoảng cách thực tế giữa cao đẳng và đại học có thể ít hơn, bởi nhóm có thu nhập trung bình 9,2 triệu đã gồm cả người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
Thực tế, ông Khánh khẳng định thu nhập của những sinh viên tốt nghiệp cao đẳng không thấp hơn bạn bè cùng ngành tốt nghiệp đại học. Tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, nhiều ngành nghề 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, nhận lương 7-15 triệu đồng mỗi tháng.
"Các em học nghề xong thường sẽ làm việc trong doanh nghiệp tư nhân. Thang bậc lương trong môi trường này sẽ tính theo năng lực, nên làm tốt sẽ có thu nhập cao", ông Khánh nói.
TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cũng nhìn nhận việc nhiều thí sinh có lực học tốt chọn theo cao đẳng là tích cực, phù hợp với cơ cấu thị trường lao động Việt Nam.
Theo ông Khuyến, thị trường lao động đang rất cần những lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp tốt. Sinh viên cao đẳng là nhóm phù hợp với nhu cầu này của thị trường, bởi khi học nghề, các em được thực hành nhiều trong khi bậc đại học thường đặt nặng lý thuyết hơn.
Mới nhập học được một tuần nhưng Trần Văn Hậu đã mong đến ngày được xuống khoa cơ khí, trực tiếp trải nghiệm các loại máy móc của trường. Phạm Văn Tiến cũng háo hức chờ đợi các tiết thực hành trong học kỳ đầu tiên.
"Em đặt mục tiêu có thu nhập khởi điểm sau tốt nghiệp khoảng 8 triệu đồng, sau 5 năm tăng lên 25 triệu hoặc hơn", Tiến nói.
Thanh Hằng - Dương Tâm