Vợ chồng Hoàng tử Harry ngày 13/1 được Nữ hoàng chấp thuận cho rút khỏi hoàng gia. Harry và Meghan nói rõ họ không muốn cuộc sống mới phụ thuộc vào công quỹ và sẽ tự kiếm tiền. Tại các quốc gia láng giềng của Anh, việc các thành viên hoàng gia làm việc không phải là điều xa lạ.
Hoàng tử Constantijn, em của Vua Hà Lan, và vợ làm việc cho một trung tâm nghiên cứu toàn cầu và làm việc bán thời gian cho Bộ Ngoại giao Hà Lan. Hoàng tử Constantijn hiếm khi tham dự các sự kiện với tư cách thành viên hoàng gia.
Anh của Hoàng tử Constantijn là Hoàng tử Friso làm việc cho một công ty làm giàu uranium sau khi lấy được bằng kỹ sư hàng không. Friso qua đời vào năm 2012 vì một trận lở tuyết trong kỳ nghỉ ở dãy Alps tại Áo.
Các thành viên hoàng gia có việc làm được trả lương ở Hà Lan không nhận được trợ cấp. Vua Hà Lan Willem-Alexander vẫn làm phi công máy bay chở khách cho hãng KLM Royal Dutch Airlines nhưng ông mô tả đây là một sở thích hơn là công việc.
Tại Na Uy, Công chúa Martha Louise, con cả của Vua Harald V từ bỏ địa vị hoàng gia sau khi kết hôn năm 2002, khi bà muốn tập trung vào sự nghiệp riêng. Tuy nhiên, bà đối mặt với cáo buộc lợi dụng tước hiệu cũ để kiếm lợi.
Cùng với bạn trai là pháp sư người Mỹ Durek Verrett, bà năm ngoái tổ chức các hội thảo có tên là "Công chúa và pháp sư". Họ hứa đưa những người tham gia vào một hành trình "tự khám phá trí tuệ để tiết lộ cho bạn về một bản ngã thần thánh".
Sau khi bị chỉ trích, bà xin lỗi và hứa sẽ không dùng tước hiệu hoàng gia trong công việc tương lai. Louise sau đó tạo một tài khoản Instagram mới cho các dự án công việc. "Tôi chỉ đơn giản là Martha Louise. Hãy cùng khám phá cuộc sống và cùng nhau phiêu lưu", bà viết trong bài đăng đầu tiên.
Mặc dù vướng vào tranh cãi và đã từ bỏ địa vị hoàng gia, nhà quan sát James Taylor cho biết bà vẫn tiếp tục xuất hiện cùng gia đình tại một số sự kiện. "Bà ấy bị chỉ trích khá nhiều nhưng bà ấy vẫn gần gũi với gia đình", ông nói.
Christopher O'Neill, chồng của Công chúa Madeleine - con út của Vua Thụy Điển, đã từ chối nhận tước hiệu hoàng gia khi họ kết hôn vào năm 2013, để ông có thể tiếp tục sự nghiệp.
O'Neill, người Mỹ gốc Anh, tiếp tục làm công việc trong ngành tài chính, trong khi vợ ông thực hiện nghĩa vụ hoàng gia và làm việc với các quỹ phi lợi nhuận. Ông xuất hiện bên cạnh thành viên hoàng gia trong những dịp trọng đại.
Chuyên gia về hoàng gia Thụy Điển Roger Lundgren cho biết O'Neill không bị chỉ trích vì không nhận tước hiệu. Ngược lại, nếu O'Neill nhận tước hiệu trong khi tiếp tục làm việc trong ngành tài chính thì "sẽ có rất nhiều vấn đề".
Con của Công chúa Madeleine và O'Neill cũng sẽ tự kiếm tiền, sau khi Vua Thụy Điển năm ngoái loại 5 trong số 7 người cháu (trừ con của Công chúa Victoria, người thừa kế ngai vàng) ra khỏi danh sách được hưởng đặc quyền hoàng gia. Họ không còn phải thực hiện nghĩa vụ hoàng gia nhưng cũng không được hưởng trợ cấp.
Công chúa Tây Ban Nha Cristina là thành viên đầu tiên của hoàng gia nước này có công việc được trả lương. Vua cha trao cho bà tước hiệu Nữ công tước xứ Palma de Mallorca khi bà kết hôn với cựu vận động viên bóng ném Olympic Inaki Urdangarin năm 1997. Bà chuyển đến sống ở Geneva năm 2013.
Tuy nhiên, anh của bà, Vua Felipe VI, đã tước danh hiệu vào năm 2015 khi bà chuẩn bị ra tòa vì cáo buộc lừa đảo, biển thủ liên quan đến chồng mình.
Công chúa Cristina sau này được xác định không liên quan đến bê bối của chồng nhưng Urdangarin bị kết án năm 2017 vì sử dụng quỹ thể thao phi lợi nhuận của Viện Nóos để chiếm dụng hàng triệu EUR, trở thành thành viên đầu tiên của hoàng gia Tây Ban Nha đi tù.
Cristina trong những năm gần đây làm việc cho quỹ từ thiện do ngân hàng La Caixa và Quỹ Aga Khan điều hành. Bà không thực hiện nghĩa vụ hoàng gia và không bao giờ xuất hiện tại các sự kiện với hoàng gia, Lundgren cho biết.
Phương Vũ (Theo BBC)