Thứ ba, 26/11/2024
Thứ ba, 17/1/2023, 14:09 (GMT+7)

Những thảm họa hàng không chết chóc nhất lịch sử

Phi cơ va chạm trên đường băng, lỗi liên lạc hay lỗi kỹ thuật là nguyên nhân gây ra những thảm họa hàng không khiến nhiều người thiệt mạng nhất lịch sử.

Vụ hai máy bay chở khách Boeing 747 va chạm ở Tenerife, Tây Ban Nha ngày 27/3/1977 là tai nạn hàng không chết chóc nhất lịch sử.

Do lỗi liên lạc, chuyến bay KLM 4805 di chuyển trên đường băng để chuẩn bị cất cánh đã đâm vào Pan Am 1736, phi cơ vẫn ở trên đường băng. Sương mù dày đặc đã hạn chế tầm nhìn của phi công. 583 người thiệt mạng trên hai máy bay. 61 người sống sót ngồi ở khu vực phía trước của máy bay Pan Am 1736.

Chiếc Boeing 747 của Japan Airlines đang thực hiện chuyến bay 123 thì gặp sự cố ngày 12/8/1985 tại Nhật Bản. Lỗi cơ khí ở vách ngăn áp suất phía sau máy bay khiến đuôi máy bay rời ra, phi cơ đâm vào núi Takamagahara. Tai nạn khiến 520 người chết, là thảm họa hàng không liên quan đến một máy bay chết chóc nhất lịch sử. 4 người sống sót trong sự việc.

Vụ va chạm trên không ở làng Charkhi Dadri, Ấn Độ, xảy ra ngày 12/11/1996 giữa máy bay Boeing 747 của hãng Saudi Arabian Airlines và Ilyushin Il-76 của hãng Kazakhstan Airlines.

Nguyên nhân được xác định là phi công Kazakhstan Airlines không duy trì độ cao chính xác do vấn đề khi liên lạc với kiểm soát viên không lưu. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 349 người trên hai máy bay tử vong. Sự việc nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cải tiến hệ thống liên lạc và tránh va chạm.

Chiếc McDonnell Douglas DC-10 thực hiện chuyến bay 981 của hãng hàng không Turkish Airlines lao thẳng xuống đất ngày 3/3/1974 ở Pháp do lỗi thiết kế cửa khoang đựng hàng hóa, khiến cửa bị bung trong chuyến bay. Tai nạn khiến toàn bộ 346 người thiệt mạng.

Thủy thủ Ireland dỡ mảnh vỡ Air India 182 tại căn cứ hải quân ở Cork, ngoài khơi Ireland, ngày 29/6/1985.

Ngày 23/6/1985, máy bay Air India mang số hiệu 182 đang trong hành trình bay từ Montreal, Canada tới London, Anh thì bị một quả bom phá hủy ở độ cao 9.400 m, rơi xuống Đại Tây Dương, khiến toàn bộ 329 người thiệt mạng.

Vụ đánh bom do nhóm người Sikh ở Canada thực hiện nhằm trả đũa chiến dịch Blue Star của chính phủ Ấn Độ, chiến dịch quân sự nhằm xua đuổi người Sikh khỏi Đền Vàng ở Amritsar, Punjab.

Mặc dù một số người đã bị bắt và xét xử vì vụ đánh bom, người duy nhất bị kết án là Inderjit Singh Reyat, mang quốc tịch kép Anh - Canada. Anh ta nhận tội ngộ sát vào năm 2003 và bị phạt tù 15 năm vì đã chế tạo quả bom.

Máy bay Saudi Arabian số hiệu 163 đang trên đường từ Jeddah tới Riyadh ngày 19/8/1980 thì bốc cháy ngay khi cất cánh, toàn bộ 301 người trên máy bay tử vong. Nguyên nhân vụ cháy do trục trặc hệ thống điều hòa không khí. Thảm họa này dẫn tới những thay đổi lớn về quy định an toàn với máy bay.

Chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines chở khách từ Amsterdam tới Kuala Lumpur bị bắn rơi ngày 17/7/2014 khi bay qua miền đông Ukraine. Tất cả 298 người trên máy bay tử nạn, phần lớn là công dân Hà Lan, ngoài ra còn có Malaysia, Australia, Indonesia, Anh, Đức, Bỉ, Philippines và Canada.

Cuộc điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu kết luận máy bay trúng tên lửa Buk do Nga sản xuất, phóng từ lãnh thổ do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát. Sự việc đẩy cuộc chiến ở Donbass leo thang, dẫn tới căng thẳng giữa Nga và những nước có công dân thiệt mạng.

Nga phủ nhận mọi liên quan hoặc trách nhiệm đối với vụ MH17 bị bắn rơi.

Hàng nghìn người Iran giơ bức vẽ mô tả vụ tàu chiến Mỹ tấn công chuyến bay 655 của Iran Air trong cuộc biểu tình phản đối Mỹ tại Tehran ngày 7/7/1988.

Chuyến bay 655 của Iran Air chở khách từ Tehran tới Dubai bị tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn hạ ngày 3/7/1988 trong không phận Iran, vào thời điểm Chiến tranh Iran - Iraq đang diễn ra. Mỹ khi đó là bên hậu thuẫn cho Iraq.

Mỹ giải thích rằng tàu Vincennes nhầm máy bay dân sự Airbus A300 với máy bay chiến đấu F-14 của Iran trong khi Tehran cáo buộc đây là vụ tấn công có chủ ý. Tất cả 290 người trên máy bay thiệt mạng. Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan xin lỗi Iran nhưng Washington khẳng định tàu Vincennes chỉ hành động "để tự vệ".

Iran sau đó kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế. Năm 1996, hai nước đạt thỏa thuận, trong đó Washington bày tỏ "hối tiếc sâu sắc" vì sự cố và đồng ý chi trả 131,8 triệu USD để Tehran rút đơn kiện. 61,8 triệu USD dành để bồi thường cho gia đình 248 hành khách Iran, số còn lại tương đương giá trị một chiếc Airbus A300.

Ảnh: Reuters/AP