Khoảng một tháng sau, thai phụ 29 tuổi bắt đầu nhốt mình trong phòng, không dám bước ra ngoài vì sợ hãi. Số ca nhiễm nCoV tại Ấn Độ sau đó tăng vọt ở tốc độ báo động.
Chồng Eadala vẫn đến cơ quan làm việc nên cô chấp nhận tự cách ly với mọi thành viên gia đình. Thời điểm đó, chính phủ đã khởi động chương trình tiêm vaccine toàn quốc, nhưng giải pháp này nằm ngoài tầm với của Eadala.
Ấn Độ chưa phê chuẩn tiêm vaccine Covid-19 cho phụ nữ mang thai, mới áp dụng với phụ nữ đang nuôi con sơ sinh. Tình trạng hiện nay khiến nhiều thai phụ khắp cả nước lo lắng cho tính mạng của mình và đứa con chưa chào đời.
Eadala quen một thai phụ dương tính với nCoV khi thai đã 9 tháng. Người này chấp nhận sinh mổ, sau đó phải thở máy và may mắn sống sót. "Tôi nhiễm nCoV vào tháng 11 và mức kháng thể khá tốt. Tuy nhiên, bác sĩ bảo tôi cần hết sức cẩn thận. Tôi khá hoảng loạn", cô nói.
Đã có nhiều câu chuyện tương tự nhưng có kết cục kém may mắn hơn. Tại Delhi, một người đàn ông 35 tuổi rơi vào cảnh "gà trống nuôi con" vì vợ ông qua đời vì nhiễm nCoV chỉ hai tuần sau khi sinh con.
Mạng xã hội Ấn Độ những tuần qua cũng dậy sóng với đoạn video trăn trối của một nữ bác sĩ nhiễm Covid-19 khi đang mang thai 7 tháng. Một ngày trước khi cô ghi lại lời nhắn nhủ đừng xem thường nCoV, thai nhi đã chết lưu trong bụng mẹ.
Một số nghiên cứu cho thấy thai phụ nhiễm nCoV có nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ không mang thai. Đây làm nhóm chịu rủi ro tiến triển bệnh nghiêm trọng hơn, cần dùng giường hồi sức tích cực, can thiệp ECMO, dễ sinh non hoặc gặp biến chứng trong giai đoạn mang thai khi mắc Covid-19.
Ấn Độ vẫn chưa thống kê chính thức số thai phụ qua đời vì Covid-19. Giới quan sát lo ngại con số thực tế có thể lên đến hàng trăm người, đặc biệt là ở những vùng nông thôn thiếu cơ sở vật chất và quản lý y tế lỏng lẻo.
"Vaccine thường mất khoảng 10 năm kiểm nghiệm mới đủ đảm bảo an toàn cho phụ nữ mang thai. Chính phủ không dám mạo hiểm. Trong khi họ chưa đưa ra quyết định, hàng triệu thai phụ đang chịu rủi ro cao. Chúng tôi hy vọng chính phủ sớm có phản hồi tích cực", bác sĩ Meenakshi Ahuja tại Bệnh viện Forrtis La Femme của Delhi chia sẻ.
Hiệp hội chuyên gia phụ sản Ấn Độ cũng đề nghị chính phủ cho phép thai phụ tham vấn ý kiến bác sĩ và tự quyết định tiêm vaccine Covid-19 hay không.
Ahuja lưu ý hệ miễn dịch của phụ nữ thường suy yếu trong giai đoạn mang thai. Phụ nữ chịu rủi ro đặc biệt cao trong tuần thai từ 28 đến 40, khi phổi chịu nhiều áp lực hơn thông thường. "Phương án giải quyết đầu tiên là chấp nhận sinh non. Đây là một trong những lý do số ca tử vong thai nhi đang tăng", bà nói.
Quá trình "vượt cạn" cũng có thể đe dọa tính mạng thai phụ. Theo bác sĩ Ruma Satwik của Bệnh viện Sir Ganga Ram, tư thế sinh thông thường buộc người phụ nữ phải nằm ngửa, tạo áp lực lên phổi khi sinh và giảm lượng oxy trong cơ thể.
"Chúng tôi không phát hiện bất kỳ thai phụ tử vong nào trong làn sóng dịch thứ nhất hồi năm ngoái, nhưng tình hình lần này tồi tệ hơn rất nhiều", bà chia sẻ.
Những nước cho thai phụ tiêm vaccine Covid-19 như Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đang sử dụng vaccine Pfizer và Moderna, vốn đã được công nhận an toàn qua các nghiên cứu. Hai loại vaccine đang được Ấn Độ sử dụng là Covishield và Covaxin vẫn chưa qua thử nghiệm ở phụ nữ mang thai.
Trong khi đó, Brazil tháng qua đã tạm ngưng tiêm Covishield cho thai phụ sau một trường hợp tử vong. Một số nước cũng ra quyết định tương tự vì biến chứng đông máu hiếm gặp.
Bác sĩ Ahuja lưu ý phụ nữ mang thai cũng có rủi ro gặp biến chứng đông máu cao hơn bình thường. Trong giai đoạn chưa có dữ liệu hay nghiên cứu rõ ràng về tác động vaccine Covid-19 lên thai phụ, Satwik cũng chưa dám chỉ định cho bệnh nhân tiêm ngừa.
Dư luận Ấn Độ đang chỉ trích chính phủ thiếu phương án chăm sóc đặc biệt cho thai phụ, trong lúc họ chưa thể được bảo vệ bằng vaccine. Chỉ một vài bệnh viện ở các thành phố lớn nhận điều trị thai phụ dương tính nCoV.
Cơ quan y tế Ấn Độ không nhanh chóng đưa phụ nữ mang thai vào nhóm ưu tiên rủi ro cao từ đầu. Một số thai phụ có điều kiện tài chính đã phải tìm đường sang Mỹ hoặc châu Âu để tiêm vaccine, thay vì phấp phỏng chờ đợi ở quê nhà.
Trung Nhân (Theo BBC)