Ông John Kerry sẽ phải hài hòa giữa những ưu tiên cá nhân và chính sách ngoại giao mà Tổng thống Barack Obama theo đuổi. Ảnh: AFP |
Năm 2004 khi là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông John Kerry là một người kiên quyết chủ trương kiểm soát vũ khí – một lập trường sau này ông dùng để giúp Tổng thống Obama trong việc phê chuẩn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới với Nga. Tại quốc hội, vị thượng nghị sĩ cao cấp từ bang Massachusetts đã đi đầu trong việc thúc đẩy luật về biến đổi khí hậu, đưa vấn đề thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Mỹ.
Tầm vóc
Chiều ngày 21/12, ông Obama đã chọn ông Kerry làm ngoại trưởng mới sau khi bà Hillary Clinton sẽ nghỉ vào cuối nhiệm kỳ. Nếu được quốc hội phê chuẩn, ông Kerry có thể sẽ dành cho hai ưu tiên đó một vị trí cao trong chương trình hành động về chính sách đối ngoại của ông.
Dù nhiệm vụ của một ngoại trưởng là thực hiện chính sách đối ngoại của tổng thống, những người đứng đầu của ngành đối ngoại Mỹ vẫn tìm ra cách để thúc đẩy những vấn đề mà họ cho là quan trọng. Do đó dự kiến ông Kerry cũng sẽ đặc biệt nhấn mạnh vào các ưu tiên chính sách của ông sau khi trở thành ngoại trưởng thứ hai của Tổng thống Obama.
Hầu hết các quan chức, chuyên gia đối ngoại và bạn bè từng theo dõi ông Kerry hành động nói rằng ông đã thể hiện được những đặc tính ngoại giao, ví dụ như tính kiên nhẫn, kiên trì, khéo léo và tầm vóc cần thiết, để thúc đẩy các ưu tiên quốc tế của tổng thống cũng như đại diện tốt cho nước Mỹ trên thế giới.
Giáo sư Sanford Katz, đại học Boston, từng dạy ông Kerry về luật năm 1976 nói: "Kerry là người nghiêm túc, rất khéo léo và có tầm cỡ để thực sự thúc đẩy thêm các lợi ích của Mỹ".
Uy tín đó sẽ giúp ông Kerry hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn khi tiếp nối các bước đi của Ngoại trưởng Clinton, người đã giành được vị thế giống như một ngôi sao nhạc rock trên khắp thế giới.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã dẫn chứng những đột phá ngoại giao đối với một số vấn đề rắc rối, khó khăn nhất khi ông làm đặc phái viên thầm lặng của Tổng thống Obama đến Afghanistan và Pakistan trong những năm gần đây, như là những minh chứng về hiệu quả tiềm tàng của ông.
Ông Kerry đã vài lần được Obama cử đi xoa dịu mối quan hệ xấu đi với Pakistan, bao gồm việc thương lượng để nước này thả một nhà thầu của CIA đang bị giam giữ trong vụ giết hai người Pakistan và trong những ngày căng thẳng sau cuộc đột kích của biệt kích Mỹ tiêu diệt cựu trùm khủng bố Osama bin Laden.
Hầu như tất cả mọi người ở Washington, kể cả một số thượng nghị sĩ có ảnh hưởng thuộc đảng Cộng hòa, đều cho rằng việc cử ông Kerry làm ngoại trưởng sẽ được thông qua một cách dễ dàng tại Thượng viện.
Thách thức
Tuy nhiên vẫn còn một số câu hỏi đặt ra cho ông Kerry mà một số thượng nghị sĩ có thể sẽ đưa ra trong cuộc điều trần của ông tại thượng viện.
Một vấn đề có thể là việc đối xử có phần kính trọng trước đây của ông đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Kerry đã có nhiều cuộc gặp với người đàn ông quyền lực ở Trung Đông và từ lâu coi ông này là “một nhân vật thiết yếu” ở khu vực. Tháng 3/2011, Kerry nói rằng “theo cách đánh giá của tôi, Syria sẽ thay đổi” và đón nhận “một mối quan hệ hợp pháp với Mỹ”.
Từ đó đến nay Kerry đã chống lại Assad và ngả theo chủ trương áp dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh tiến trình ra đi của Assad, nhưng dự kiến ông vẫn sẽ phải trả lời một số câu hỏi về “cách xử lý” đối với Asad.
Kerry có thể cũng phải trả lời về việc ông nhấn mạnh đến nhu cầu về “một giải pháp chính trị” cho cuộc chiến ở Afghanistan, nhằm đẩy nhanh tiến trình rút quân Mỹ ở đó. Cụ thể, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa lo ngại rằng tổng thống muốn rút quân nhanh hơn khuyến nghị của các tư lệnh trên chiến trường, và họ biết quan điểm của ông Kerry về vấn đề này.
Một vấn đề được cho là không gây khó với ông Kerry là quãng thời gian tham chiến tại Việt Nam và lập trường chống chiến tranh của ông sau khi rời quân ngũ, vì ông đã giải quyết được vấn đề này trong lần chạy đua không thành công để làm ứng cử viên tổng thống vào năm 2004.
Giáo sư Katz thuộc đại học Boston thừa nhận rằng niềm tin lâu nay của Kerry đối với tổng thống Syria có thể quay lại “ám ảnh” ông. Nhưng Katz nói thêm rằng “tài năng xuất chúng của một người thương thuyết” mà Kerry sở hữu sẽ giúp ích cho chính ông và cho nước Mỹ trong các vấn đề như Syria.
Sở trường thương lượng với những đối tượng "rắn mặt" cũng có thể có ích trong việc giải quyết vấn đề Iran và chương trình hạt nhân của nước này. Đây là vấn đề có thể sẽ chi phối ít nhất là một vài tháng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama.
Với những vấn đề như Iran và Syria trong chương trình nghị sự, Ngoại trưởng Kerry có lẽ khó thúc đẩy những ưu tiên cá nhân của mình như vấn đề kiểm soát vũ khí và biến đổi khí hậu. Nhưng bà Clinton đã có thể nêu bật được những ưu tiên, như những vấn đề về phụ nữ và trẻ em gái cũng như vấn đề toàn cầu về bếp nấu ăn kém hiệu quả và đe dọa sức khỏe, trong khi vẫn theo đuổi chương trình chính sách đối ngoại của Obama.
Theo ông Dobbins, Giám đốc Trung tâm chính sách quốc phòng và an ninh quốc tế, cả hai lĩnh vực kiểm soát vũ khí và nóng lên toàn cầu đều chiếm vị trí cao trong danh sách ưu tiên của tổng thống. Điều đó giải thích tại sao Kerry được ông Obama chọn.
"Tổng thống cam kết với một vòng đàm phán mới với người Nga để cắt giảm thêm vũ khí hạt nhân, và hình như ông mong muốn có hành động mạnh mẽ hơn khi xử lý vấn đề biến đổi khí hậu", Dobbins nói. "Vậy thì không có gì làm cho ông Kerry không hòa hợp với (Obama) trong những vấn đề này".
Phạm Ngọc Uyển (theo CSM)