Nhất Anh Tuân (Hà Nội) đã lái xe dịch vụ gần hai thập kỷ. Trước 2023, anh sử dụng nhiều dòng xe chạy xăng từ các hãng Hyundai, Honda, Toyota. Từ 2023 trở đi, anh chuyển sang xe điện với mẫu VinFast VF 5.
"Xe rất tiết kiệm chi phí vận hành. Đây là lý do chính khiến tôi chuyển sang sử dụng xe điện", Tuân nói.
Khi sử dụng xe xăng, ngoài chi phí nhiên liệu, chủ xe phải thực hiện các mục bảo dưỡng định kỳ, như thay dầu, lọc dầu, các phụ gia, linh kiện hao mòn. Đặc biệt đối với tài xế xe dịch vụ, tần suất bảo dưỡng nhiều hơn xe gia đình bởi quãng đường hàng trăm km mỗi ngày. Trong khi đó với xe điện, khi bảo dưỡng chỉ cần thay thế các bộ phận hao mòn như phanh hoặc lốp. Với Anh Tuân, khi dùng xe xăng, mỗi tháng anh tốn khoảng 10 triệu cho các loại chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng. Nhưng hiện chạy xe điện, con số này chỉ bằng khoảng 30-50%.
Nhu cầu về cắt giảm chi phí khiến những tài xế xe dịch vụ như Tuân có xu hướng chuyển sang xe điện ngày càng nhiều. Vũ Huy Tùng, nhân viên bán hàng tại VinFast Hải Phòng, cho biết lượng khách hàng đến mua xe cho mục đích chạy xe dịch vụ ngày càng tăng, nhất là sau khi hãng công bố chính sách miễn phí sạc một năm. Trước đây, tỷ lệ xe VF 5 ra biển vàng (xe dịch vụ) bằng khoảng 50% biển trắng (xe cá nhân), nhưng hiện tại tỷ lệ này đã ngang bằng, thậm chí biển vàng còn vượt trội.
Đại diện một sàn thương mại điện tử xe cũ lớn bậc nhất Việt Nam cho biết, tỷ lệ xe xăng cỡ B như Accent, Vios bán lướt (đời 2023-2024) tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều khách hàng chuyển sang xe điện. Tốc độ thanh khoản của VF 5 cũng nhanh hơn rất nhiều so với các dòng xe xăng. Anh này cho biết, nếu Accent, i10, Vios, những xe tài xế dịch vụ ưa chuộng, tốc độ thanh khoản là khoảng 10-14 ngày, thì với VF 5 chỉ là 5 ngày. Tốc độ thanh khoản là một chỉ dấu cho thấy nhu cầu về dòng xe nào đó trên thị trường. Tốc độ càng nhanh, xe càng "hot".
Tuy đổi sang xe điện để tiết kiệm chi phí, nhưng các tài xế cũng cho rằng xe điện phù hợp với tài xế hoạt động nội đô, hoặc thỉnh thoảng đi tỉnh, trên đường cao tốc. Ngược lại, với tài xế chạy xuyên tỉnh nhiều, hay hoạt động ở những khu vực ít trạm sạc, cần cân nhắc nếu muốn sử dụng xe điện.
Vũ Trung (Lạng Sơn), cho biết khi có khách muốn đi xa, tài xế phải tính toán các điểm dừng sạc hợp lý để đủ pin, trong khi phải đảm bảo không làm mất thời gian của khách hàng. Đặc thù khách hàng ở tỉnh có thể di chuyển khá xa, nên việc căn ke càng trở nên quan trọng.
Tài xế Tuân kể có lần anh nhận khách từ Hà Nội đi Hải Phòng gấp. Xe chỉ còn 30% pin, nếu để khách chờ họ sẽ chuyển qua tài xế khác, nếu đi một mạch đến nơi sẽ không đủ điện. Kiểm tra nhanh điện thoại, anh quyết định nhận khách. Trong hành trình, anh dừng 15 phút để sạc nhanh ở trạm dịch vụ trên cao tốc.
Việc tính toán thời gian sạc cho hợp lý, và phải dừng nghỉ để sạc là một trong những điểm khiến tài xế Trung Quân (Rạch Giá) không chuyển sang xe điện, mặc dù các đồng nghiệp của anh đã dần chuyển sang loại xe này. Quân cho biết anh thường xuyên nhận khách đi tỉnh xa, và có thể đi bất cứ giờ nào, chính vì thế xe điện không phù hợp với nhu cầu của anh.
"Tôi rất quan tâm về xe điện, nhưng khi nào trạm sạc nhiều hơn, công nghệ sạc nhanh hơn, tôi sẽ cân nhắc chuyển sang", Quân nói.
Các tài xế xe dịch vụ chạy điện cho biết, đổi lại những ưu điểm về chi phí rẻ, người dùng cần giữ "cái đầu lạnh" và có ý thức chung khi sạc ở trạm công cộng. "Nhìn nhau mà sạc" là cách các tài xế vận hành xe điện, thậm chí quy ước ngầm chỉ sạc lên 80% là nhường cho người khác, vì thời gian sạc từ 80% lên 100% lâu hơn nhiều so với sạc từ 10% lên 80%.
Hồ Tân