Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 24 diễn ra ở Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 21 đến 25/11, với chủ đề "Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn". Như các kỳ trước, ban tổ chức chỉ công bố đề cử trong đêm bế mạc. Trong 16 phim dự thi, một số tác phẩm gây chú ý về doanh thu hoặc chất lượng nội dung, nghệ thuật.
Tác phẩm do Nguyễn Quang Dũng chỉ đạo, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi và bản truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Phim đan xen câu chuyện tìm người thân của bé An cùng phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của người Nam bộ.
Hôm 23/10, phim đạt mốc 100 tỷ đồng sau 10 ngày ra mắt, hòa vốn theo ước tính của nhà sản xuất. Dù bị chỉ trích "sai lệch lịch sử", tác phẩm gây ấn tượng với đại cảnh miền Tây sông nước và thông điệp về tình cảm gia đình, tình người. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết gặp nhiều người đồng cảm với tác phẩm. Bên cạnh đó, êkíp chỉnh sửa một số chi tiết vì "không muốn làm hỏng trải nghiệm của khán giả" khi phải nhớ về những lùm xùm của phim.
Kịch bản lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận của tác giả Hồng Thái, thay đổi nhiều tình tiết quan trọng. Tác phẩm gây ấn tượng với phần bối cảnh được dàn dựng kỹ lưỡng, gợi nhắc bối cảnh thế kỷ 19 ở làng quê Bắc bộ. Nhiều phân đoạn đi sâu vào đời sống dân làng thời phong kiến, thể hiện rõ sự dụng công của đạo diễn trong khâu thiết kế mỹ thuật.
Sau gần ba tuần ra rạp, phim đạt 90 tỷ đồng, theo dữ liệu của Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập. Êkíp lên kế hoạch công chiếu trên thị trường quốc tế, mở đầu tại Mỹ, Australia và New Zealand vào đầu tháng 12.
Phim do Trấn Thành đạo diễn, đồng biên kịch và góp mặt với vai phụ. Tiếp tục chọn chủ đề gia đình như Bố già (2021), kịch bản khai thác mối quan hệ giữa mẹ với các con gái, con rể. Tác phẩm vừa gây cười, vừa dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Nhiều trường đoạn được lồng ghép tự nhiên, khơi gợi đồng cảm từ người xem. Theo Box Office Vietnam, tác phẩm đạt hơn 450 tỷ đồng, vượt Bố già thành phim Việt ăn khách nhất phòng vé.
Phim của đạo diễn Trần Trọng Dần xoay quanh nhân vật Lâm (Kiều Minh Tuấn) - một giang hồ quy ẩn, tái xuất khi gia đình gặp biến cố. Phim ghi điểm ở khâu dàn dựng võ thuật, chủ yếu do Kiều Minh Tuấn tự đóng. Ngoài ra, đạo diễn cài cắm nhiều yếu tố văn hóa Việt vào các pha võ thuật bằng khâu trang trí mỹ thuật.
Phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, dựng lên không gian đời thường, bình dân của một xóm nghèo. Câu chuyện được xây dựng theo mô-típ phổ biến của dòng phim gia đình, các nhân vật mở lòng, thay đổi bản thân, vì nhau mà tốt hơn. Điểm nhấn nằm ở diễn xuất của Thái Hòa, khi ghi dấu ấn với người cha nát rượu. Một số khán giả nhận xét cách diễn viên khắc họa bi kịch chân thật, từ đó thấy được câu chuyện đời sống trên màn ảnh rộng.
Phim do Bảo Nhân và Nam Cito đạo diễn, được đánh giá cao nhờ kỹ thuật ghi hình, bối cảnh và phục trang. Tác phẩm có lối kể song tuyến, các cảnh được chuyển tiếp mượt mà. Tạo hình của đôi nhân vật chính đối lập một cách sắc nét - quê mùa, rách rưới trong quá khứ và hào nhoáng thời hiện tại. Thời trang được đạo diễn sử dụng để bộc lộ quyền lực và địa vị của nhân vật.
Phim do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn, đại diện Việt Nam dự sơ tuyển hạng mục Phim nước ngoài hay nhất Oscar 2024. Từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn kể số phận của "những con người đổ nát" (chữ của Nguyễn Ngọc Tư) trong xóm Thơm Rơm - làng chài miền Tây khốn khó.
Đầu tháng 9, phim đoạt giải cao nhất hạng mục phim điện ảnh ở lễ trao giải Cánh Diều, Bùi Thạc Chuyên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc. Trước đó, dự án thắng giải cao nhất - Montgolfière d'or (Golden Balloon) - tại Liên hoan phim Ba châu lục cuối tháng 11/2022 ở Pháp.
Tác phẩm do Hằng Trịnh chỉ đạo, tiếp nối câu chuyện của Mười - hiện tượng phòng vé năm 2007, nhưng có nội dung tách biệt phần cũ. Diễn xuất chắc tay là điểm mạnh của Mười so với một số dự án phim Việt giai đoạn nửa cuối năm 2022. Chi Pu đảm nhận một nhân vật có đời tư phức tạp, ghi điểm khi thể hiện biểu cảm bằng ánh mắt.
Rima Thanh Vy là tên tuổi mới, nhưng được giao nhiều cảnh nặng về tâm lý. Xuyên suốt phim, Thanh Vy bộc bạch được nỗi đau của một người bị mất tất cả sau biến cố liên tiếp, chỉ còn ý chí muốn trả thù.
Phim của Phan Gia Nhật Linh xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tác phẩm tái hiện đa dạng, sống động về không gian, bối cảnh, trải dài từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn. Ngoài ra, gần 40 ca khúc Trịnh tiêu biểu được chọn lọc để gợi lại từng chặng đường của nghệ sĩ. Âm nhạc lúc được vang lên trực tiếp qua tiếng hát diễn viên, khi văng vẳng từ những đĩa than, đài radio.
Quế Chi