"Nếu người Mỹ tiếp tục cho trinh sát cơ không người lái (UAV) xâm phạm không phận Iran, họ sẽ nhận được phản ứng giống như lần trước", Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu hôm 24/7, đề cập tới vụ Tehran bắn rơi UAV trị giá hơn 200 triệu USD của Washington hồi cuối tháng 6.
Tuyên bố này cho thấy căng thẳng Mỹ - Iran vẫn ở mức cao, nguy cơ xung đột quân sự từ những tính toán sai lầm vẫn hiện hữu dù hai bên đều tỏ ý muốn tránh chiến tranh.
Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng chiến lược gây áp lực tối đa, Iran đã đáp trả bằng hành động gây hấn có tính toán một cách thận trọng. Giới chuyên gia đánh giá rủi ro xung đột leo thang đang ở mức cao chưa từng có bởi không chỉ quân đội hai nước có thể châm ngòi chiến tranh. Các đợt tấn công lẻ tẻ của dân quân do Iran hậu thuẫn ở những nước như Iraq cũng có thể khơi mào cuộc chiến quy mô lớn.
"Chúng ta đang đi trên lưỡi dao", Hussein Ibish, học giả thuộc Viện Các quốc gia Arab Vùng Vịnh có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Mỹ đã triển khai một tàu sân bay, một tàu tấn công đổ bộ, nhiều tàu tuần dương và khu trục hạm, cùng biên đội oanh tạc cơ B-52 và tên lửa Patriot đến khu vực để đối phó Iran. Lực lượng này có thể gặp nguy hiểm nếu nổ ra chiến sự, nhưng vẫn còn một nguy cơ tiềm tàng khác.
Washington đang triển khai khoảng 5.200 binh sĩ trên lãnh thổ Iraq để huấn luyện, hỗ trợ quân đội nước này. Họ có thể trở thành mục tiêu của các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn.
"Mọi tính toán sai lầm đều dẫn đến chiến tranh. Nguy cơ này có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trong khu vực", Anthony Cordesman, chuyên gia về Iran thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá.
Cựu đại sứ Mỹ ở Iraq Douglas Siliman cho rằng nước này dễ trở thành địa điểm châm ngòi chiến tranh giữa Washington và Tehran, bởi sự hiện diện của lượng lớn nhân viên ngoại giao và binh sĩ Mỹ ngay gần các đơn vị quân sự thân Iran.
Lực lượng Động viên Chung (PMF) gồm nhiều chiến binh địa phương được Iran trực tiếp cung cấp tài chính và vũ khí nằm trong số những tổ chức có nguy cơ gây ra xung đột quy mô lớn tại Trung Đông. "Điều đáng lo là các nhóm như PMF có thể tự ý tấn công lực lượng Mỹ đồn trú vì lý do riêng, ngay cả khi không có chỉ thị từ Iran", Silliman nêu quan điểm.
Dân quân thân Iran từng nhiều lần nã rocket vào khu vực gần cơ sở ngoại giao Mỹ ở Iraq, buộc Washington đóng cửa các địa điểm này hoặc sơ tán nhân viên ngoại giao.
Joan Polaschik, quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Cận Đông, cuối tuần trước cho biết một số nhóm dân quân thân Tehran đang có âm mưu chống lại lợi ích của Washington và sát hại người Mỹ, cũng như các đối tác trong liên quân và người bản địa.
"Nếu họ gây thương vong cho lực lượng phương Tây, Iran chắc chắn sẽ bị đổ lỗi. Chính quyền Trump từng nhiều lần quy trách nhiệm cho Iran vì đã huấn luyện và trang bị cho các nhóm này, ngay cả khi Tehran không ra lệnh tấn công", Siliman nói.
Ngoài ra, việc lực lượng Mỹ và Iran hoạt động gần nhau cũng có nguy cơ gây leo thang căng thẳng. Iran có thể mở các cuộc tấn công quy mô nhỏ nhằm vào nhà máy dầu của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoặc Arab Saudi, nhắm vào tàu dầu ở vịnh Oman hoặc eo biển Hormuz.
"Trong lịch sử chiến tranh, kiểu đối đầu như vậy thường dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, khơi mào tiến trình leo thăng căng thẳng rất khó hạ nhiệt", Siliman cảnh báo.
Duy Sơn (Theo Business Insider)