Tôi bị bệnh dạ dày nên không thức khuya được, đành phải đọc các bài viết về trận UAE - Việt Nam sau khi trận đấu diễn ra. Giới trẻ hiện nay gắn liền với mạng xã hội, tôi cũng không phải ngoại lệ.
Việc đầu tiên sau khi thức dậy là tôi tìm kiếm từ khoá "UAE-Việt Nam" trên Facebook. Kết quả nhiều lắm. Đội tuyển Việt Nam đã đá tốt. Dù thua, chúng ta đã có vé đi tiếp vào vòng loại cuối World Cup 2022, một bước tiến lớn trong sự nghiệp bóng đá của đất nước.
Trong các bài viết về trận UAE - Việt Nam, có rất nhiều bình luận công kích vị trọng tài đã bắt trận bóng. Và càng kinh khủng hơn, trên trang cá nhân của trọng tài (hoặc bất cứ trang nào mang tên trọng tài), chỉ thấy sự chửi bới, miệt thị của một số người Việt. Một số thành phần còn ghép mặt trọng tài vào ảnh thờ. Những lời lẽ mang nặng sự xúc phạm, miệt thị tràn ngập trong phần bình luận.
Liệu những cầu thủ của đội tuyển Việt Nam có được tiếp thêm sức mạnh, ý chí từ những bình luận như vậy không? Không. Liệu chúng ta có thể quay lại thời gian để đá lại làn nữa, chiến thắng UAE với những binh luận như vậy không? Không. Và những lời động viên mà các cầu thủ đội tuyển xứng đáng có được đã đi đâu rồi?
Mỗi lần đến mùa bóng đá, chúng ta lại phải suy nghĩ về thứ gọi là sự văn minh trong giới trẻ Việt Nam hiện nay. Các bình luận chửi bới kia phần lớn đến từ những mầm non của đất nước đang học cấp 2, cấp 3.
Thời đại công nghệ, trẻ em được tiếp xúc với mạng xã hội nhiều, có khi học sinh cấp một cũng đã tham gia vào những cuộc chửi bới trên mạng rồi. Và họ nó gọi đó là yêu nước. Ai không chửi là tự nhục, là không ủng hộ đội tuyển Việt Nam. Ở cái độ tuổi mà cái tôi lấn át đi lý trí, luôn muốn khẳng định bản thân dù chưa có cống hiến gì cho đời, rõ ràng là chúng sẽ chẳng chịu nghe lời khuyên của người khác. Chúng luôn tự cho là chúng đúng, người ta sai.
Nhiều người nói rằng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Tôi nói rằng cái nồi này hơi nhiều sâu. Chỉ số văn minh trên Internet của người Việt vẫn còn rất kém. Hình ảnh người Việt đã, đang bị tổn hại, và sẽ tiếp tục bị nếu chúng ta không bắt các con sâu đó đi.
Việc bắt những con sâu đó là công việc của toàn xã hội. Từ những người cha, người mẹ cho đến ngành giáo dục, cơ quan chức năng. Chúng ta phải khắt khe hơn về vấn đề văn minh trên không gian mạng. Cha mẹ hãy luôn giám sát, kiểm soát cách con cái họ sử dụng mạng xã hội, hướng dẫn, định hướng cho con cái cách sử đụng mạng xã hội đúng cách.
Các trường học phải tổ chức nhiêu hơn nữa các tiết học về văn minh trên mạng xã hội. Không ai yêu nước bằng những câu chửi cả.
Khang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.