Sân bay Geneva, Thụy Sĩ Đây là sân bay của Thụy Sĩ, nhưng rìa đường băng lại nằm trên đất Pháp. Nguyên nhân là vào những năm 1950, nhà chức trách Thụy Sĩ muốn mở rộng đường băng. Lựa chọn khả thi duy nhất là mượn thêm đất "hàng xóm". Vấn đề được giải quyết bằng một hiệp ước quốc tế, người Thụy Sĩ có thể mở rộng đường băng. Đổi lại, người Pháp được phép sử dụng một phần của sân bay. Theo đó, sân bay có "khu vực Pháp" với 4 cổng lên máy bay. Hải quan Pháp cũng hoạt động ở ga cuối. Sân bay có một làn đường dành riêng cho du khách đến Pháp, cho phép họ lên các chuyến bay đến Paris và một vài điểm khác tại sân bay này mà không cần phải thông qua hải quan Thụy Sĩ. Ảnh: Geosite Sân bay quốc tế Euroairport basel-mulhouse-freiburg, Pháp Đây là sân bay quốc tế nằm ở vùng Alsace của Pháp, gần biên giới Đức và Thụy Sĩ. Đúng như tên gọi của nó, sân bay này phục vụ du khách đến ba thành phố nằm ở 3 đất nước khác nhau là Basel (Thụy Sĩ), Mulhouse (Pháp) và Freiburg (Đức). Dù sân bay nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Pháp, Thụy Sĩ vẫn được hưởng một số quyền lợi nhờ hiệp ước song phương đặc biệt. Do đó, Euroairport, về nhiều mặt và mục đích, trở thành sân bay của Thụy Sĩ cũng như của Pháp. Từ những năm 1980, Đức cũng ký kết với Pháp để đặt đại diện của mình tại đây. Do đó, hiện nay, sân bay này có chức năng phục vụ cả 3 quốc gia. Ảnh: Airlines Airports Sân bay quốc tế Tijuana, Mexico Từ tháng 12/2015, nhà ga xuyên biên giới Mỹ-Mexico Cross Border Xpress đã kết nối quận Otay Mesa của San Diego, California với sân bay quốc tế Tijuana thông qua một cầu vượt dành cho người đi bộ (màu tím trong hình) từ trên cao. Cross Border Xpress giúp khách du lịch có thể làm thủ tục cho các chuyến bay của họ trên đất Mỹ, sau đó đi bộ qua biên giới và lên máy bay đặt trên đất Mexico. Giá vé một chiều để đi qua cầu này từ 16 USD, vé khứ hồi là 30 USD. Trước đại dịch, có gần 3 triệu vé được bán ra. Ảnh: Zuma Sân bay quốc tế Del Bonita, Mỹ Nhiều sân bay ở Mỹ giáp biên giới Canada cũng "dùng chung" đường băng. Một trong số đó là Del Bonita (hay sân bay quốc tế Whetstone). Sân bay Mỹ này nằm trên biên giữa giới làng Del Bonita, tỉnh Alberta, Canada và Del Bonita, bang Montana. Đường băng duy nhất nằm ngay trên đường biên giới. Điều đó có nghĩa là khi máy bay hạ cánh, nó có thể đậu trên lãnh thổ của hai nước. Sân bay này đều có thể tiếp cận từ hai quốc gia phía trên. Một sân bay tương tự khác là Avey Field, Washington, Mỹ (ảnh), khi đường băng kéo dài sang đất Canada 150 m. Hai trụ sở hải quan Mỹ và Canada đều được đặt ngay gần đường băng. Ảnh: Insider Sân bay quốc tế Peace Garden, Mỹ Được đặt theo tên một công viên gần đó, sân bay quốc tế này được thành lập vào năm 1932 để kỷ niệm tình hữu nghị giữa hai nước Mỹ-Canada. Phần lớn sân bay nằm trên đất của bang North Dakota, Mỹ. Một phần nhỏ kéo dài sang phía biên giới nước láng giềng, giúp máy bay có thể hoạt động, đến và đi từ hai phía. Ảnh: Alamy Sân bay biên giới Piney-Pinecreek, Mỹ Tên sân bay đã nói lên việc nó được sử dụng chung bởi hai thị trấn Pinecreek (bang Minnesota, Mỹ ) và Piney (tỉnh Manitoba, Canada). Ban đầu, sân bay này chỉ nằm gọn trên đất Mỹ. Trong những năm 1970, nhu cầu sử dụng lớn hơn, các nhà chức trách quyết định mở rộng về phía Canada và được chính quyền nước này chấp thuận. Đó là lý do cho sự ra đời của Piney-Pinecreek Border Airport. Anh Minh (Theo CNN)Sân bay có đường băng thường xuyên biến mất