Hà Hải Dương, 18 tuổi, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, mới giành học bổng 295.000 USD của Đại học Georgetown (top 23 tại Mỹ, theo US News) trong bốn năm. Ngoài ra, Dương còn được hai đại học California tại Berkeley và Los Angeles, lần lượt đứng thứ 7 và 15 thế giới (theo THE), mời nhập học.
Trong hơn một năm chuẩn bị hồ sơ, Dương đã mắc một số sai lầm. Nếu không nhận ra và sửa chữa, nam sinh có thể không nhận được tấm vé du học Mỹ.
So sánh hồ sơ của mình với người khác
Lúc làm hồ sơ, mình đã ướm mọi tiêu chí, thành tích của bản thân với những người khác một cách rất bừa bãi. Chẳng hạn, mình muốn vào ngành Hóa - Sinh của các trường nhưng lại so sánh bản thân với một bạn trúng tuyển ngành kiến trúc hoặc Khoa học máy tính của trường đó. Nếu thấy thua kém người ta ở một số tiêu chí, giải thường, mình sẽ đứng ngồi không yên và tìm cách để giống họ. Việc này khiến mình mất thời gian, ảnh hưởng tâm lý và kết quả không tốt hơn.
Sự thật là tiêu chí với mỗi ngành, mỗi trường sẽ có sự khác biệt. Một bạn nữ học STEM chắc chắn sẽ có những yêu cầu đầu vào khác với một nam sinh học tự nhiên, khoa học như mình, dù cùng nộp vào Đại học Georgetown hay bất kỳ trường nào đi nữa.
Do đó, nếu muốn học hỏi từ hồ sơ của những bạn đã trúng tuyển, bạn nên tìm những người giống mình, cả về giới tính lẫn định hướng ngành và trường. Lúc ấy, sự so sánh mới phần nào phát huy tác dụng và giúp bạn biết mình nên làm gì để hoàn thiện hồ sơ. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn cũng nên trao đổi với những cựu sinh viên để xem yếu tố nào trường quan tâm trong bộ hồ sơ, từ đó bổ sung hoặc làm nổi bật.
Cố ép, đặt bản thân vào áp lực
Trong quá trình làm hồ sơ, mình luôn tâm niệm "cứ làm hết mình" nhưng không quá ép hay đặt áp lực cho bản thân. Bài học này mình rút ra sau khi đã cố thử thức đêm viết luận và hoàn thành hồ sơ. Với mình, thoải mái thì mới nghĩ và làm việc được, cứ ngủ khi cần, đừng bó buộc hay để người khác tạo áp lực.
Ngoài ra, việc gửi bài luận cho mọi người đọc cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi bắt đầu viết, mình sẽ lắng nghe và tiếp thu càng nhiều càng tốt để điều chỉnh ý tưởng sao cho ưng ý nhất. Tuy nhiên, khi bài luận đã thành hình, mình chỉ chỉnh sửa ngữ pháp là chủ yếu.
Mình nghĩ, mỗi người có ý kiến và quan điểm riêng. Bạn sẽ khó sửa tác phẩm của mình theo góp ý của mọi người. Do đó, nếu đã thực sự tâm đắc với những gì bản thân viết ra, bạn không nên để ý kiến của người khác quá ảnh hưởng và gây áp lực lên mình. Làm sao mà đến cuối hành trình, bạn hài lòng và không hối tiếc điều gì, dù kết quả có ra sao.
Nhất định phải có SAT hay IELTS 8.0 trở lên
Hiển nhiên, những chứng chỉ quốc tế với kết quả cao là điểm cộng cho bộ hồ sơ du học. Tuy nhiên, chúng không phải tất cả. Về SAT, mình thấy rất nhiều học sinh Việt Nam đạt trên 1500 điểm, nhiều bạn suýt soát mức tuyệt đối 1600 nên cũng đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả sau quãng thời gian ôn luyện chăm chỉ. Thế nhưng, điểm số mình đạt được lại không như mong muốn.
Mình đã tham khảo rất nhiều nguồn, từ đọc báo đến hỏi các anh chị đã du học Mỹ và ý kiến nhận về cũng rất trái chiều. Người thì bảo hội đồng tuyển sinh sẽ không đọc hồ sơ nếu SAT không từ 1550 trở lên, nhưng website của các trường vẫn khẳng định hồ sơ giữa ứng viên có và không có SAT được đánh giá công bằng.
Từ năm ngoái, SAT không còn là tiêu chí bắt buộc với hồ sơ du học Mỹ vì Covid-19 đã khiến hàng loạt kỳ thi phải hủy bỏ. Sau rất nhiều ngày cân nhắc, mình đã không nộp SAT vì cho rằng điểm số không phản ánh toàn bộ con người mình, những gì mình có thể làm và cống hiến cho trường. Ngoài ra, việc không đạt điểm cao như kỳ vọng có thể khiến hồ sơ của mình không gây ấn tượng.
Còn với IELTS, mình đạt 7.5 hoàn toàn nhờ tự học và học trên lớp. Mình tự thấy ngữ điệu và giọng nói của bản thân không thực sự tốt và hay như các bạn chuyên Anh. Tuy nhiên, trong suốt thời gian phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh, mình có thể nghe và hiểu gần như toàn bộ nội dung, thầy cô cũng hiểu mình nói gì. Do đó, mình nghĩ tiếng Anh chỉ là công cụ, nếu bạn có thể dùng nó phục vụ cho việc học tập và trải qua vòng phỏng vấn suôn sẻ, điểm 7.5 hay 8.5 sẽ không có cách biệt quá lớn.
Không nộp trường top cao vì nghĩ bản thân không đủ khả năng
Mình gặp khó khăn về tài chính nên đặt mục tiêu phải xin học bổng từ mọi trường. Covid-19 khiến các đại học Mỹ thắt chặt tài chính nên mình hiểu việc giành học bổng rất khó. Do đó, để an toàn, mình tìm đến những trường top 50-70 của nhóm đại học quốc gia và một số trường nhóm khai phóng, những nơi có tỷ lệ chấp nhận tương đối cao. Sau đó, mình đánh liều gửi thêm một số trường top cao khác như Georgetown, California ở Berkeley và Los Angeles... nhưng với tâm thế không kỳ vọng nhiều.
Kết quả, mình trượt và vào danh sách chờ của rất nhiều trường top 50-70. Lúc đó, mình đã rất sốc và nghĩ rằng "đại học top trung bình còn không đỗ, mình làm sao vào được các trường top cao hơn". Nhưng rồi mình lần lượt nhận thư báo trúng tuyển của những đại học khó nhất trong danh sách đã nộp. Lúc đó, mình thầm cảm ơn sự liều lĩnh của bản thân vì nếu không dám nộp hồ sơ, chắc chắn mình sẽ không thể du học Mỹ.
Mình đồng thời nhận ra rằng không phải cứ top thấp trượt thì top cao cũng trượt. Các trường sẽ xét chọn hồ sơ của bạn trên nhiều tiêu chí, trong đó có mục tiêu, lý tưởng cũng như xem bạn có phù hợp với trường hay không. Do đó, nếu thật sự yêu thích một trường nào, kể cả top cao, cũng đừng bỏ lỡ cơ hội nộp hồ sơ.
Thanh Hằng ghi