Anh Nguyễn Văn Quyết (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên bị ông hàng xóm "soi mói" sinh hoạt rồi nói cạnh khoé, chửi đổng. Khó chịu trước hành vi “ghen ăn tức ở” của người này, anh Quyết nhiều lần góp ý thẳng nhưng không có kết quả. Nhiều người khác cũng chung cảm giác bất an, khó chịu như anh khi bị ông ta "nhòm ngó" nên cùng trình báo sự việc với chính quyền. Tuy nhiên, sau lần bị mời lên phường làm việc, ông hàng xóm càng "nặng lời" hơn.
Như anh Quyết, chị Lan (Thanh Hóa) khi về nhà chồng cũng gặp phải người hàng xóm “Chí Phèo”, ít đêm có giấc ngủ trọn vẹn bởi tiếng ồn phát ra từ căn nhà sát vách này. Vài hôm chị Lan lên tầng 4 phơi quần áo thấy sân thượng toàn vỏ bánh, vỏ hướng dương và túi đựng nước tiểu.
Hỏi chuyện từ mẹ chồng, nàng dâu mới được biết nhà bên cạnh có 3 anh em trai đều không có công việc gì, nghiện ma túy. Các bà vợ không chịu được tính khí của họ đều đã bỏ đi. Có nhà hàng xóm chịu “cực hình” từ gia đình này suốt nhiều năm đã phải chuyển đi nơi khác.
Cũng không thể "bán anh em xa mua láng giềng gần", anh Nhật (Hà Nội) gần đây luôn ức chế khi người hàng xóm mới chuyển đến trong lúc tu sửa nhà đã phá tường rào cũ, xây lấn sang phần đất của anh 10 cm suốt dọc chiều dài. Anh nhiều lần sang nói chuyện ôn hòa nhưng họ nhất định không phá.
Chung nỗi phiền phức với anh Nhật, mảnh đất của gia đình anh Tuấn bỗng nhiên bị hàng xóm quây lại, rồi ngang nhiên xây căn nhà cấp 4 ngay trên đó. Chính quyền vào cuộc, xác định đây là hành vi lấn chiếm trái phép nhưng hàng xóm của anh Tuấn nhất định không chịu dỡ bỏ công trình.
Bế tắc, anh Nhật cũng như anh Tuấn tìm đến luật sư và được khuyên, nếu không thể hòa giải tại chính quyền địa phương thì theo Luật đất đai 2013 các anh có quyền khởi kiện. Khoản 1 điều 12 Luật này quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai.
Áp dụng Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử phạt:
- Từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
- Từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
- Từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở... >>Xem chi tiết
Đối với trường hợp của anh Quyết và chị Lan, luật sư khuyên nếu không thể thay đổi được nhận thức của hàng xóm thì nên nhờ sự can thiệp của pháp luật.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trong trường hợp người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng...>>Xem chi tiết
Ngoài ra, nếu hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của bà hàng xóm gây ra thiệt hại, gia đình có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 604, 605 Bộ luật Dân sự. Không thỏa thuận được về vấn đề bồi thường thiệt hại, gia đình có quyền khởi kiện,...>>Xem chi tiết
Phan Xâm
Xem thêm:
>>Thủ tục kiện hàng xóm trổ cửa sổ sang nhà mình?
>>Người đàn bà 6 năm kiện đòi được đi chung ngõ với hàng xóm