Căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật đất đai năm 2013, lấn, chiếm, hủy hoại đất đai là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Bạn cần phân biệt rõ hành vi lấn đất và chiếm đất.
Tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đã giải thích rõ: Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
vậy, hành vi của nhà hàng xóm xây lấn sang đất nhà bạn, làm dịch chuyển phần ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất của họ là hành vi lấn đất bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử phạt như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này” .
Như vậy, hành vi lấn đất của nhà hàng xóm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; đồng thời buộc trả lại đất đã lấn.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ – CP quy định về thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính thì: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm.
Như vậy, bạn không có quyền tự ý dỡ bỏ công trình xây dựng trái pháp luật của gia đình hàng xóm. Nếu hết thời hạn được ghi trong biên bản yêu cầu dỡ bỏ công trình lấn chiếm của UBND phường mà gia đình hàng xóm không thực hiện dỡ bỏ thì bạn có quyền làm đơn tố cáo hành vi lấn chiếm đất đai nộp lên UBND cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết.
Nếu xét thấy gia đình kia có hành vi lấn chiếm đất đai, Chủ tịch UBND huyện sẽ ra quyết định xử lý hành chính và buộc dỡ bỏ, trả lại đất đã lấn theo quy định của pháp luật. Sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định yêu cầu dỡ bỏ công trình xây dựng, lấn chiếm đất đai mà gia đình hàng xóm của bạn vẫn không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện cưỡng chế dỡ bỏ công trình xây dựng, lấn chiếm đất trái phép theo quy định của pháp luật.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội