Trong năm 2024, nhiều chiến lược, nghị định liên quan tới lĩnh vực công nghệ được thông qua hoặc có hiệu lực, hướng mục tiêu đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Được lên kế hoạch từ nhiều năm và bắt đầu có những dự thảo đầu tiên vào năm ngoái, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Chính phủ thông qua ngày 21/9.
Chiến lược đề ra con đường phát triển công nghiệp bán dẫn theo công thức C= SET+1. Trong đó, C là Chip, xoay quanh các trụ cột gồm S (Specialized) - Phát triển chip chuyên dụng, E (Electronics) - Công nghiệp điện tử và T (Talent) - Nhân tài, nhân lực. Yếu tố "+1" thể hiện Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn mới cho ngành bán dẫn toàn cầu.
Từ thu hút đầu tư nước ngoài để tạo vị thế trong chuỗi cung ứng giai đoạn đầu, Việt Nam hướng tới làm chủ công nghệ, hình thành các nhà máy chế tạo chip với mục tiêu doanh thu 100 tỷ USD năm 2050. Trong chiến lược, hàng loạt đề án, nhiệm vụ cũng được đặt ra, như phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, được xây dựng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá có lợi thế địa chính trị và nhân lực, như nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm 70% sản lượng bán dẫn toàn cầu, có trữ lượng đất hiếm 20 triệu tấn, tỷ lệ dân số trẻ. Sau hơn 20 năm âm thầm phát triển, chiến lược ra đời được kỳ vọng trở thành nền móng cho sự phát triển của ngành bán dẫn tại Việt Nam, hướng tới trở thành nước có thể tự chủ trong lĩnh vực này.
Ngày 9/10, Chính phủ phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu Hạ tầng số được định hình rõ ràng, được coi là hạ tầng của nền kinh tế, gồm bốn thành phần chính: Hạ tầng viễn thông và Internet; Hạ tầng dữ liệu; Hạ tầng vật lý - số; Hạ tầng tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ.
Theo đó, đến 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành có kết nối 5G; khai thác hai tuyến cáp quang biển mới. Đến 2030, toàn bộ người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1 Gb/giây trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân, đưa vào hoạt động thêm tối thiểu sáu tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng tối thiểu 350 Tbps.
Ngoài ra, với mỗi thành phần trong hạ tầng số, chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ riêng, như đầu tư tối thiểu hai tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ, thử nghiệm 6G, triển khai trung tâm dữ liệu siêu lớn, phát triển bản sao kỹ thuật số, IoT, hay tiện ích thanh toán số, hóa đơn số.
Hạ tầng số được đánh giá quan trọng như hạ tầng giao thông, năng lượng, giúp Việt Nam ngang tầm với những nước phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. "Hạ tầng số là nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh", chiến lược nêu.
Cùng với AI và IoT, công nghệ chuỗi khối, hay blockchain, là một trong những xu hướng công nghệ chính trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là lĩnh vực người Việt được đánh giá là có năng lực, với nhiều thành tựu được ghi nhận trên thế giới. Sau thời gian phát triển, ngày 22/10, Việt Nam lần đầu đưa ra chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ này.
Đến năm 2025, Việt Nam hình thành hệ sinh thái "Blockchain+", đồng thời xây dựng 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo, lựa chọn một địa bàn thử nghiệm để tiến tới hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối. Trong 5 năm tiếp theo, mục tiêu là xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín, vận hành ba khu thử nghiệm, đồng thời đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng blockchain.
Để làm được những điều trên, Việt Nam sẽ cần xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh ứng dụng và thị trường, nghiên cứu sáng tạo, hợp tác quốc tế.
Chiến lược được đánh giá sẽ giúp Việt Nam tận dụng thế mạnh của công nghệ blockchain để thúc đẩy cơ sở hạ tầng chuỗi khối quốc gia, mở rộng không gian mới cho ngành công nghiệp công nghệ số, đổi mới sáng tạo, triển khai tới toàn bộ người dân.
Luật Dữ liệu
Dữ liệu là thành phần quan trọng trong thời đại số, được ví như tài nguyên mới của mỗi quốc gia. Việt Nam từ lâu đã quan tâm đến dữ liệu, nhưng còn nhiều hạn chế như thiếu nhân lực vận hành, lỗ hổng bảo mật, dữ liệu không chuẩn hóa dẫn tới giảm khả năng khai thác.
Đầu năm nay, Luật Dữ liệu được Bộ Công an đề xuất và hoàn thiện, trước khi được Quốc hội thông qua ngày 2/12.
Luật đưa ra quy định thành lập Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, tích hợp thông tin từ quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; dữ liệu được chia sẻ, đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu khác; dữ liệu được số hóa, cung cấp bởi cá nhân, tổ chức và nguồn khác theo quy định Bên cạnh đó là quy định hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu.
Mô hình này được đánh giá sẽ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, đưa ra chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ việc thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới. Do đó, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ có vai trò là trụ cột dữ liệu, tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc đầu tư hệ thống riêng biệt để lưu trữ thông tin.
Nghị định 147 quản lý Internet
Ngày 9/11, Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành, thay thế cho nghị định 72/2013 và 27/2018 và sẽ có hiệu lực từ 25/12.
Một trong những thay đổi lớn nhất là việc quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới với những dịch vụ có lượng truy cập lớn trên 100.000 người mỗi tháng hoặc có sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Cụ thể, đơn vị cung cấp dịch vụ phải xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại Việt Nam. Trong trường hợp không thể dùng số điện thoại, mạng xã hội phải yêu cầu xác thực bằng số định danh cá nhân. Trong khi nghị định 27/2018 trước đó quy định có thể xác thực bằng địa chỉ email. Với nội dung vi phạm pháp luật, nhà cung cấp dịch vụ phải ngăn chặn, gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.
Nghị định 147 ra đời và nhận được sự đón nhận của người dùng trong nước. Thời gian qua, tin giả, tin xấu độc xuất hiện tràn lan, nhiều thông tin còn tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội. Việc xử lý tin giả, tin sai lệch trên mạng xã hội xuyên biên giới còn nhiều khó khăn. Do đó, việc định danh bằng số điện thoại Việt Nam sẽ góp phần hạn chế tình trạng này.
Trong khi đó, các nhà cung cấp trò chơi điện tử phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng game, không quá 180 phút với tất cả trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp. Đơn vị phát hành cũng phải khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị, với tuần suất 30 phút mỗi lần trong suốt quá trình chơi.
Ngoài ra, Nghị định 147 cũng có quy định các vật phẩm ảo không được quy đổi thành tiền, thẻ trả trước, đồng thời không được mua bán giữa những người chơi với nhau.
Lưu Quý