Chiến lược hạ tầng số được Chính phủ phê duyệt ngày 9/10 đưa ra hai nhóm mục tiêu cho các giai đoạn lớn gồm đến năm 2025 và 2030, trong đó mỗi nhóm có khoảng 10 mục tiêu.
Một trong số này là "xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G" vào năm 2030. Chiến lược cũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tần số để sớm triển khai 6G và các công nghệ mạng mới.
Giải pháp được đề ra bao gồm nghiên cứu, xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, miễn trừ một số trách nhiệm có điều kiện để thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra, 6G sẽ được phát triển thông qua hệ sinh thái mở, như nền tảng mở, công nghệ mở, mã nguồn mở.
Theo quan điểm phát triển được nêu trong chiến lược, hạ tầng số của Việt Nam gồm bốn thành phần chính gồm Hạ tầng viễn thông và Internet, Hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng vật lý - số, và Hạ tầng tiện ích số và Công nghệ số. Các hạ tầng này "phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn", đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hạ tầng số sẽ được Nhà nước ưu tiên phát triển và bảo vệ như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, và ngang tầm với các nước phát triển, với tầm nhìn sẽ là nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh.
Trước đó, từ đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam là "trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới". Để làm được điều đó, Việt Nam đã khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc. Cục Viễn thông cho biết Ban chỉ đạo 6G cũng được thành lập và Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có ban chỉ đạo này. Khi đó, mục tiêu được đặt ra là tần số 6G có thể được cấp phép vào năm 2028, trước khi tiến tới thương mại hóa.
6G là bước tiến tiếp theo của 5G và ước đạt tốc độ một terabit/giây, tức trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung Netflix ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần. Dự kiến, mạng di động này được thương mại hóa trên thế giới vào năm 2030
Ngoài nội dung về 6G, Chiến lược hạ tầng số vừa được ban hành cũng đề ra các mục tiêu về việc phủ sóng 5G, xây dựng trung tâm dữ liệu, phổ cập thiết bị IoT, chữ ký số, định danh số.
Mục tiêu đến 2025: - Phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình. - 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G. - Đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới. - Hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI Data Center). - Phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE - Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4. - Trung bình mỗi người dân có 01 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things). - Mỗi người dân có 01 định danh số. - Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%. - Phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số (IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, an ninh mạng,...) như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế, xã hội. Mục tiêu đến 2030: - 100% người sử dụng có khả năng truy cập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên. - Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số. - Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G. - Triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 06 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps. - Hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 01 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ. - Triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 01 tuyến cáp quang đất liền quốc tế. - Tổng dung lượng cáp quang biển thiết kế đáp ứng nhu cầu dự phòng tối thiểu 1+2 (dung lượng khả dụng gấp 03 lần dung lượng sử dụng thực tế). - Phát triển các Trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center); Trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Trung tâm dữ liệu biên đáp ứng yêu cầu trong nước và sẵn sàng phát triển các Trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub). - Số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao của thế giới hoặc trung bình mỗi người dân 04 kết nối IoT. - Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%. |
Lưu Quý