Những ngày đầu năm, công trình Trường THCS Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, quy mô 36 phòng học đang được thi công những hạng mục đầu tiên, sau hơn 15 năm chậm trễ vì không giải phóng được mặt bằng.
Theo ông Lê Văn Hồng Phương, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, dự án khó khởi công nếu gia đình ông Nguyễn Văn Mân không bàn giao mặt bằng. Bởi hộ này có hơn 5.000 m2 đất, chiếm hơn 1/3 công trình trường học. Trên đất có nhà ở, phòng trọ, xưởng sản xuất.
Ông Chung Hoàng Thái, người đại diện cho gia đình ông Mân làm thủ tục với chính quyền, nói thông tin quy hoạch được công bố năm 2008 khiến nhiều thành viên trong hộ bị sốc, sau đó khiếu nại khắp nơi. "Nhiều năm liền gia đình không đồng ý với giá bồi thường vì cho rằng tiền đền bù nhận không thể mua được mảnh đất tương tự", ông Thái nói.
Mảnh đất của ông Mân có nhiều thế hệ cùng sinh sống nhưng không tách hộ. Trong khi đó, ông cũng đang đứng tên một căn nhà khác ở cùng phường. Theo quy định, người bị giải tỏa trắng sẽ được ưu tiên suất mua nền tái định cư nếu không có căn nhà nào khác. Như vậy, hộ ông Mân không thuộc diện này.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết nếu áp dụng đúng quy định thì "gia đình ông Mân đang bị thiệt". Do đó, sau khi thống nhất được mức bồi thường hơn 18 tỷ đồng, quận đã đề xuất thành phố đặc cách cho gia đình ông Mân được ưu tiên mua một nền tái định cư, diện tích hơn 70 m2.
Theo lãnh đạo quận Bình Tân, không chỉ trường hợp ông Mân, địa bàn có nhiều dự án mà chỉ một hộ đã chiếm từ một nửa đến 70% diện tích. Thái độ của họ sẽ quyết định tiến độ công trình, vốn giải ngân của dự án. Do đó, địa phương đã chủ động đề xuất thành phố hỗ trợ thêm để đạt đồng thuận.
Trước đề xuất của quận, ông Chung Hoàng Thái nói gia đình cảm thấy được chia sẻ bởi nền tái định cư được bán theo giá thấp hơn nhiều so với thị trường. "Chính quyền cầu thị nên cả nhà đồng thuận bàn giao mặt bằng", ông nói.
Mặt bằng chậm được giao là một trong những lý do chính khiến tiến độ giải ngân dự án sử dụng ngân sách ở TP HCM năm 2021 và 2022 chỉ xấp xỉ 70%, không đạt yêu cầu thành phố đề ra. Nhiều dự án chậm trễ kéo dài do thiếu mặt bằng đã bị đội vốn nhiều lần so với trước, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Ngoài chế tài đơn vị giải ngân chậm, không ít lần lãnh đạo TP HCM đề nghị các quận huyện cần có cách làm hay, linh hoạt trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Năm 2023, UBND quận Gò Vấp cũng vận động thành công hàng trăm hộ dân di dời, bàn giao mặt bằng để mở rộng gần 2,5 km đường Dương Quảng Hàm - công trình giao thông trọng điểm ở TP HCM. Dự án có tổng đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng 1.750 tỷ đồng do quận thực hiện.
Anh Nguyễn Đức Trọng, ở phường 6, cho biết gia đình có gần 140 m2 đất mặt tiền đường Dương Quảng Hàm, trong đó hơn 50 m2 đất bị thu hồi để làm dự án nằm ngoài hoặc không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, chính quyền đã xem xét thời gian sử dụng để tính giá hỗ trợ. Cơ quan chức năng tính thêm yếu tố mảnh đất nằm ở ngã ba đường, có hai mặt tiền để tăng mức hỗ trợ.
Phần gác của gia đình anh được quận tính tiền hỗ trợ theo dạng công trình trên đất. Ngoài ra, anh cũng được bù một khoản tiền để thuê thợ tháo dỡ. Tổng số tiền anh nhận hơn 1,5 tỷ đồng. "Nhận thấy chính quyền vận dụng hết quy định để tính có lợi cho mình nên gia đình vui vẻ bàn giao đúng hạn", anh Trọng nói.
Ông Trần Hoàng Phương, Chủ tịch UBND phường 6, địa bàn giải tỏa 163 trường hợp cho dự án đường Dương Quảng Hàm, cho biết chính quyền "tính đất không thiếu một tấc và vận dụng hết các quy định", cố gắng đáp ứng hết các yêu cầu của người dân. Khi các tổ công tác đi vận động, tất cả ý kiến đều được ghi nhận, phân loại thành ba cấp từ dễ đến rất khó để đề xuất quận giải quyết. Người đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm sẽ được thưởng thêm tiền mặt, tuyên dương.
Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp Nguyễn Văn Hùng, nói năm 2023 có 470 hộ trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi các dự án. Do quận không còn quỹ đất nên những hộ bị giải tỏa trắng chỉ được suất mua căn hộ. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình vì gia đình đông con, muốn có đất xây nhà. Quận đã đề xuất và được thành phố bố trí 49 nền đất ở quận 12 để đáp ứng yêu cầu của người dân.
Nhờ cách làm linh hoạt, kiên trì vận động, các hộ đã đồng ý bàn giao mặt bằng, góp phần giúp Gò Vấp và Bình Tân là hai địa phương đứng đầu danh sách giải ngân đầu tư công với tỷ lệ 100%, trong đó Gò Vấp giải ngân hơn 1.600 tỷ đồng và Bình Tân hơn 654 tỷ đồng. Toàn thành phố, tính đến cuối tháng 12/2023 giải ngân hơn 39.100 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 57%, đứng thứ ba cả nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng giải ngân của thành phố năm 2023 có thể đạt tỷ lệ 70,69%.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Kinh tế và Quản lý TP HCM, cho rằng công tác giải phóng mặt bằng luôn là thách thức đối với các dự án đầu tư công. Cách làm linh động, tận dụng hết quy định có lợi cho người dân như ở các địa phương sẽ thúc đẩy phần việc này nhanh hơn, hạn chế kéo dài, đội vốn.
Lấy kinh nghiệm giải phóng Vành đai 3, ông Thắng cho rằng thành phố đã có đột phá là điều chỉnh giá đất sát với thị trường nên người dân đồng thuận di dời. Ngoài ra, công tác điều hành, thực thi từ thành phố đến các cấp, địa phương rất mạnh mẽ nên tốc độ giải phóng mặt bằng rất nhanh. Vì vậy, thành phố cần phát huy cách làm này.
"Trong bối cảnh khó khăn chung, đầu tư công càng phát huy vai trò. Đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế, xây dựng hạ tầng", ông Thắng nói, cho rằng từ sự sôi động của khu vực công, nhà đầu tư sẽ thấy tín hiệu tích cực, quay lại để kích thích thị trường.
Lê Tuyết