Ngày 6/7, các tờ trình đề nghị tăng vốn và kéo dài thời gian thực hiện các dự án nói trên được UBND TP HCM gửi HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 6, khóa X. Đây là những công trình đã được thông qua chủ trương triển khai giai đoạn 2016-2020 nhưng đến nay chưa hoàn thành do vướng mặt bằng.
Tổng vốn điều chỉnh của 16 dự án tăng 106% so với mức ban đầu được duyệt. Trong đó, công trình có tỷ lệ tăng vốn nhiều nhất là cải tạo kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng, quận 5, từ 188 tỷ lên 779 tỷ đồng. Dự án được đề xuất kéo dài đến năm 2025 thay vì 2019.
Hai công trình khác cũng tăng tổng vốn gấp đôi là đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh (400 tỷ đồng lên gần 800 tỷ đồng) và nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, đoạn từ quận Bình Thạnh đến công viên Văn Hoá (667 tỷ đồng lên 1.640 tỷ đồng).
Các dự án khác cũng được đề xuất tăng vốn gồm: nút giao Mỹ Thủy, giai đoạn 2 (tăng gần 1.624 tỷ đồng), cầu Tăng Long (tăng 237 tỷ đồng), cầu Ông Nhiêu (tăng 338 tỷ đồng) nằm trên địa bàn TP Thủ Đức; cầu Phước Long, nối quận 7 và Nhà Bè (tăng 350 tỷ đồng); cải tạo đường Cộng Hòa (tăng 176 tỷ đồng)...
Cũng tại kỳ họp này, UBND TP HCM kiến nghị HĐND thành phố bổ sung hơn 8.500 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2021, HĐND TP HCM đã giao kế hoạch đầu tư công năm nay cho thành phố là 42.508 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, thành phố mới giải ngân 6.126 tỷ đồng, đạt 19,5%. Nguyên nhân giải ngân thấp do ảnh hưởng Covid-19 và giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hoá tăng. Bên cạnh đó, việc phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư công còn bị động, việc bồi thường chưa đúng tiến độ.
Thu Hằng