Cổng chính của Trung Nam Hải trên đường Trường An ở Bắc Kinh. Ảnh: Asahi Shimbun |
Đại hội toàn quốc lần thứ 13 diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh mùa thu năm 1987 được dự báo là một sự kiện trọng đại khi đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo trẻ hơn.
Sau một chặng đường dài, Đặng Tiểu Bình thôi giữ chức vụ trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Tuy nhiên, lời phát biểu của Triệu Tử Dương, người được chọn làm tổng bí thư cho thấy một câu chuyện dài khác.
"Không có gì thay thế được sự sáng suốt và kinh nghiệm của đồng chí Đặng Tiểu Bình. Trong các vấn đề quan trọng nhất, chúng ta sẽ tiếp tục trở lại để xin chỉ thị của ông", Triệu Tử Dương nói.
Đề xuất của Triệu về việc tham khảo ý kiến của Đặng Tiểu Bình trước khi quyết định những vấn đề quan trọng được hưởng ứng bằng những tràng pháo tay và ủng hộ nhiệt liệt.
Đó là thời điểm khẳng định vị trí lãnh đạo tối cao của ông Đặng, ngay cả khi ông đã nghỉ hưu và rời khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Do đó, sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao thực ra không triệt để.
Câu nói của ông Triệu không bao giờ được công bố và không xuất hiện trong thông cáo của đại hội đảng. Tuy nhiên, ông Bào Đồng, 80 tuổi, làm trợ lý cho ông Triệu đến năm 1980, xác nhận phát biểu trên.
"Không thể sai được, chính tôi đã ghi lại phát biểu của ông Triệu", ông Bào nói.
Triệu Tử Dương trở thành tổng bí thư phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình, sau khi ông phát biểu câu nói kể trên.
Khoảng 18 tháng sau đó, vào tháng 4/1989, sinh viên và các nhà hoạt động tổ chức biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Ý kiến bắt đầu chia rẽ trong Ủy ban Thường vụ về việc đối phó với họ như thế nào.
Triệu Tử Dương kêu gọi một phản ứng vừa phải và mô tả những đấu tranh của các sinh viên là "lòng yêu nước". Ngược lại, Thủ tướng Lý Bằng chủ trương các biện pháp cứng rắn.
Theo ông Bào, Đặng Tiểu Bình mời các lãnh đạo cấp cao đến nhà ông vào ngày 17/5/1989 và đưa ra quyết định cần phản ứng mạnh mẽ. Việc này khiến Triệu Tử Dương bị hạ bệ. Khi Triệu trở về văn phòng và nhà ở tại Trung Nam Hải, ông nói với trợ lý Bào bằng giọng nói yếu ớt: "Tôi thua".
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua từ sau sự kiện Thiên An Môn và Trung Quốc không còn có nhà lãnh đạo nào đủ lôi cuốn như Đặng Tiểu Bình. Các tài liệu công khai của đảng giải thích rằng hệ thống hiện tại là hệ thống "lãnh đạo tập thể" của các thành viên Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị.
Trong kỳ đại hội năm ngoái, con số Ủy viên thường trực rút từ 9 xuống còn 7 người. Mặc dù quá trình bàn bạc không được công bố, nhưng các nguồn tin thân cận với đảng nói rằng không bao giờ con số được rút xuống thành số chẵn là 8.
Xem thêm: Cuộc họp quyết định số phận Bạc Hy Lai
Kể từ năm 1992, khi ông Giang Trạch Dân trở thành tổng bí thư, nguyên tắc đã ấn định con số Ủy viên Thường trực là số lẻ. Các nguồn tin giải thích rằng như vậy sẽ đảm bảo các quyết định sẽ được thông qua kể cả khi có sự bất đồng ý kiến trong Ủy ban Thường trực.
(Còn nữa)
Vũ Hà (Theo Asahi Shimbun)