Hơn một phần ba thời gian ban đầu, tôi làm việc tại BIDV - ngân hàng thương mại nhà nước chuyên cho vay các dự án đầu tư phát triển. Do vậy, tôi biết được hơi thở của cuộc sống thực tại. Hai phần ba quãng đường còn lại là sự đan xen giữa thời gian học tập, nghiên cứu ở Mỹ và giảng dạy, phân tích, tư vấn chính sách tại Việt Nam.
Hơn bảy năm ngồi tại Đại học Harvard và Indiana - hai trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới về các vấn đề phát triển và chính sách công, tôi tập trung vào những vấn đề có tính nền tảng và kinh nghiệm quốc tế. Thời gian ở Đại học Fulbright Việt Nam, tôi tham gia thảo luận những vấn đề có tính định hình đường hướng cho sự phát triển của Việt Nam, và về các địa phương (nhân tố chính của mô hình cải cách từ dưới lên) tư vấn chính sách.
Hành trình chiêm nghiệm và tìm tòi của tôi vì thế được chia thành ba quãng đường gần như bằng nhau. Tôi chọn những nhân tố giúp bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị có thể đưa ra các quyết định tốt cho cái chung và nuôi dưỡng tinh thần dám nghĩ, dám làm (thuật ngữ hàn lâm gọi là thông thái tập thể và tinh thần doanh nhân công cộng) như một trọng tâm nghiên cứu. Tôi đã "mổ xẻ" Việt Nam rất kỹ qua lăng kính này.
Các kết quả nghiên cứu của riêng tôi chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có được sự thông thái và nhạy bén để đưa ra các quyết định quan trọng trong những bối cảnh rất thách thức, nhờ giữ được sự đoàn kết và thống nhất cần thiết trong nội bộ; và có người cầm lái phất cờ đúng lúc. Điều này có thể thấy rất rõ khi ngược dòng lịch sử.
Gần đây nhất là chiến dịch chống tham nhũng, có người gọi là "đốt lò". "Lò" đã được nhóm trong bối cảnh gần như không tưởng và đang khiến những sâu dân mọt nước chùn chân. Những người mong muốn Việt Nam đi đến bến bờ hạnh phúc rất ủng hộ và hồ hởi với kết quả đạt được.
Lùi lại xa hơn, "Đổi Mới" vào năm 1986 là một bước đi ngoạn mục khác. Những thành tựu vượt bậc đã đưa Việt Nam vào nhóm số ít quốc gia có kết quả tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo tốt nhất thế giới trong hơn ba thập niên qua.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có một giai đoạn chúng ta giằng co giữa quan điểm tập trung xây dựng và phát triển miền bắc hay thống nhất đất nước trước. Đây là giai đoạn Đảng có sự thay đổi và xáo trộn nhân sự nhiều nhất. Tuy nhiên, những người có vai trò chủ chốt trước đó như nguyên Tổng bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thuộc những vị trí lãnh đạo cao nhất. Tướng Giáp đã có công rất lớn trong công cuộc thống nhất đất nước. Và ông Trường Chinh vẫn giữ vai trò của một nhà lý luận về mô hình phát triển và chính sách kinh tế để đúng 30 năm sau khi nhận trách nhiệm về sai lầm của cải cách ruộng đất và thôi vị trí Tổng bí thư, ông đã trở lại và phất cờ "Đổi mới".
Trải qua những thăng trầm, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ được sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ, lực lượng không bị ảnh hưởng để có thể tập trung nguồn lực và trí tuệ cần thiết cho những nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược. Đây là những giá trị quý giá.
Cuộc chiến chống tham nhũng trong thời gian qua có thể gói gọn trong hai từ "đúng và trúng". Những kết quả đã đạt được hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho một cuộc chiến trường kỳ "chống để xây và xây để chống" với đích đến cuối cùng là dân giàu nước mạnh. Vì vậy, thách thức lớn nhất là làm sao để chống tham nhũng mà không triệt tiêu tinh thần dám nghĩ, dám làm, tốt cho cái chung của những người dấn thân. Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy rất rõ điều này.
Đại học Stanford, Mỹ được nhắc đến như một hình mẫu về tạo dựng giá trị cho nhân loại. Tuy nhiên, người sáng lập nó là một điển hình của quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm và cấu kết trong giai đoạn tham nhũng tràn lan khắp nước Mỹ hơn 100 năm trước. Qua quá trình "chống để xây và xây để chống" rất dài, nước Mỹ đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng tham nhũng vẫn đang là vấn nạn.
Gần hơn, ta thấy các hình mẫu trong khu vực mà Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Ông Park Chung-hee biết rất rõ sự nguy hại của tham nhũng nên rất quyết liệt với nó. Bản thân ông cũng là một tấm gương về sự liêm chính. Tuy nhiên, ông hiểu rằng để đạt được mục tiêu quốc phú binh cường thì phát triển là then chốt. Do vậy, việc chống tham nhũng vẫn được quan tâm đúng mức để tránh tình trạng chỉ ăn và phá, nhưng trọng tâm là phát triển kinh tế. Ông đã có chính sách để những doanh nghiệp có được nguồn lực từ quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm trước đó đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Đây là di sản lớn nhất của ông Park. Dù vậy, tham nhũng vẫn luôn là một vấn nạn của đất nước hình củ sâm. Cuộc chiến trường kỳ với quá trình hoàn thiện từng bước của pháp luật và thể chế kéo dài hơn nửa thế kỷ qua. Một trong những kết quả của nó thể hiện qua việc bà Park Geun-hye (con gái của ông Park) bị truy tố vì tham nhũng ngay khi đang là tổng thống.
Tham nhũng luôn là vấn nạn và cuộc chiến trường kỳ của các quốc gia. Theo xếp hạng gần nhất, điểm số cảm nhận tham nhũng của nước đứng đầu là Đan Mạch và New Zealand với 87/100 điểm, Mỹ 69, Hàn Quốc 59, Việt Nam 37 (xếp hạng 96/180 nước), và thấp nhất là Somali chỉ với 9 điểm.
Quy luật phát triển của các xã hội và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, điểm chuyển của việc chống tham nhũng và định hình đường hướng phát triển quốc gia sang giai đoạn mới đã đến. Chống tham nhũng là cuộc chiến trường kỳ song song với việc tạo động lực, hình thành khối năng lượng tích cực cho sự phát triển quốc gia vì mục tiêu: dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Việc chống tham nhũng để nhắm tới những đối tượng lạm dụng quyền lực công gây tổn hại đến sự phát triển của quốc gia; khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm có lợi cho cái chung vẫn sẽ được ủng hộ.
Dường như thời khắc quan trọng lại đang đến. Do vậy, sẽ rất có nghĩa nếu sự thông thái và trí tuệ tập thể được hiệu triệu để đưa ra những quyết định cho tương lai đất nước. Người dân đã được chứng kiến chiến dịch "đốt lò" với những kết quả rất tích cực, và đang mong chờ những cải cách cần thiết được phất cờ.
Huỳnh Thế Du