Ngày càng nhiều lựa chọn xe ở các phân khúc và thương hiệu khiến người tiêu dùng hoang mang. Các hãng liên tục bổ sung các dòng xe vào các phân khúc và dải giá tiền khiến việc lựa chọn chiếc xe trở nên khó khăn hơn. Những tân binh với vẻ ngoài hào nhoáng, bên trong tràn ngập tiện nghi nhưng chưa có đủ thời gian thể hiện, xuất hiện bên cạnh những dòng xe thừa thời gian chứng minh sự bền bỉ nhưng dần trở nên lỗi thời. Lý do, người chọn xưa cũ, người chọn cấp tiến là những câu chuyện được nhiều của độc giả gửi về chia sẻ.
"Nhiều người cười thương hại khi tôi mua Fortuner"
Khoảng 200.000 lượt xem, với 267 ý kiến tham gia.
Độc giả DauCham trải lòng về việc lựa chọn Fortuner: 'Lần đầu mua Kia Rondo, bạn bè hỏi sao không mua xe Nhật, khi mua Toyota Fortuner những người này lại hỏi sao không mua xe Hàn. Lần thứ hai mua xe, tôi phân vân Everest và Fortuner, cuối cùng tôi quyết định lấy Fortuner. Tôi lại nghe bài ca cũ của những người trước đây đã từng ý kiến khi tôi mua chiếc Rondo nhìn và cười tôi với vẻ thương hại. Mua chạy dịch vụ hả, sợ mất giá hay gì? Không biết gì mới mua Fortuner, tiền đó mua Everest chứ chẳng ai mua Fortuner... nghe muốn chán".
Một độc giả chia sẻ tâm sự với tác giả: "Nhiều người còn chưa biết chiếc xe máy ra hồn nói chi là bình phẩm xe hơi". Thực tế. tác giả cũng biết rất rõ mình muốn gì "mỗi xe sẽ cho bạn những trải nghiệm khác nhau, phục vụ nhu cầu khác nhau nên đừng nên so sánh". Tuy nhiên, những ý kiến trái chiều cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm trạng của người mua xe.
"Người Việt đang thổi phồng ôtô"
Hơn 200.000 lượt quan tâm với 323 lượt bình luận.
Tác giả Ngọc Trần cho biết khi người tiêu dùng chịu khó tìm hiểu hơn về giá trị thực của một chiếc xe thay vì chỉ nghe những câu nói truyền lại hay màn quảng cáo "vống" lên cả về giá bán, thổi phồng về những tính năng tối thiểu cơ bản thì khi ấy may chăng người tiêu dùng mới ít phải chịu thiệt, bị "hớ" cũng như không xem những chiếc xe bình dân ở các nước là "cao cấp" và "xa xỉ".
Đa số độc giả đều tán đồng quan điểm này, trong đó độc giả Quân Phạm bình luận: "Không ai không thừa nhận xe Nhật tốt, bền bỉ, tiết kiệm nhưng chính vì quá cuồng xe, coi xe như tài sản hồi môn lại cho con cháu nên giá xe mới bị thổi phồng lên như thế. Và thế nên mới chỉ có các hãng xe Nhật mới có chuyện giảm giá đến 100, 200 triệu, thử hỏi lúc chưa giảm giá thì 100,200 triệu đó là gì, có phải là cái giá trị ảo bắt buộc khi ta sở hữu một chiếc xe Nhật".
Không phải là bền bỉ, option mới là tiêu chí chọn xe của một nhóm khách hàng. Tuy nhiên, độc giả Phạm Trí lại cho rằng "Ai cũng thích một chiếc xe nhiều option, nhưng nếu chỉ lấy tiêu chí này ra để đánh giá một chiếc xe là "ngon" hay không thì không công bằng" trong bài viết "Mua ôtô đừng lóa mắt vì option". Bài viết đề cập đến hiện tượng xe Trung Quốc với thiết kế đẹp, đèn đuốc ngập nội thất, option và công nghệ an toàn cũng nhiều miên man thì người Việt lại dấy lên cuộc đấu khẩu về việc tại sao không mua xe giá rẻ nhiều option thay vì mua xe đắt nhưng lại chỉ có ít công nghệ. Rồi người ta so sánh xe Trung Quốc này với xe Nhật, xe Hàn và thậm chí cả xe Đức".
Độc giả Đầm Già Xì bình luận "Có tiền nhận xe, không có tiền...nhận xét" nhận được 687 lượt đồng tình. Rõ ràng hơn, độc giả Dũng cho biết: "Chúng ta hình dung chiếc xe như cái nhà, một căn biệt thự xa hoa dát vàng và được trang bị nhiều đồ nội thất đắt tiền, kể cả âm thanh ánh sáng cho ngôi nhà và toàn bộ công năng sử dụng của nó...chắc chắn hơn hẳn một căn nhà ống ba tầng xây thô, gió lùa từ cửa trước ra cửa sau không vướng thứ gì. Vậy hỏi rằng ai thích ở trong căn biệt thự xa hoa đó hay ở căn nhà ống mỗi cái xác không kia. Đành rằng thùng tôn úp bốn bánh vẫn được gọi là ôtô, xe Trung Quốc vẫn được gọi là ôtô, nhưng chất lượng, mẫu mã, giá thành phải đi song hành với nhau. Thùng tôn chỉ có bốn cái loa rè, cục điều hoà và cái vô-lăng để vặn nhưng giá trên "Sao Hoả", xe Đức Âu đắt "xắt ra miếng", xe Hàn đẹp hợp túi tiền, xe Trung Quốc dần sẽ dành cho các thánh cuồng xe Nhật vì đói khát sử dụng chiếc thùng tôn mười mấy năm không có một chút công nghệ nào nên dễ phải lòng xe Teung Quốc".
Quan điểm về chọn xe của người Việt đang thay đổi
Hơn 100 nghìn lượt quan tâm với 251 lượt bình luận.
Tác giả bài viết Nhoc Hamchoi chia sẻ :"Đến nay, ôtô vẫn còn là một tài sản lớn và truyền thống của người Nhật vẫn còn được rất tôn trọng. Ưu điểm lớn nhất của xe Nhật là sự ổn định, tin cậy nhưng giá khá đắt, ít option và đặc biệt là cảm giác lái nói chung tôi thấy bình thường. Trong khi chất lượng xe Hàn ngày càng được khẳng định, với xu thế tăng thu nhập và coi xe ôtô chỉ là một phương tiện đi lại, chắc chắn xe Hàn sẽ có thị phần ngày càng cao tại Việt Nam".
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, độc giả Lê Văn Chương phản bác: "Dù phương tiện đi lại, nhưng đắt sắt ra miếng cũng mua. Xe 2 bánh thì Honda, Yamaha, Suzuki. Mấy anh Halim, Kyko, SYM rẻ nhưng mệt vì trục trặc.
Xe ô tô Hàn khá hơn. Nhưng sau 5 năm là thấy, cao su, môtơ, nhựa rơi gãy từa lưa. Mình vẫn thích chắc như hàng Nhật cho chắc. Tiền ít thì kiếm đồ bền xài. Tiền nhiều thì thích kiểu cách, mẫu mã bắt mắt. Nếu sau này thích đi 5 năm vứt thì tốt nhất mua xe Trung Quốc: rẻ, đẹp, full tất tần tật" - quan điểm này nhận được 427 lượt đồng tình.
Năm 2020 mục diễn đàn xe của VnExpress nhận được 460 bài viết của độc giả gửi đến với hàng trăm bình luận sau một bài viết. Đóng góp của nhiều độc giả giúp bạn đọc có thêm những kinh nghiệm thực tế xung quanh chiếc xe gắn bó mật thiết như "vợ hai" của mình. Nhiều độc giả có hiểu biết sâu rộng làm việc trong lĩnh vực liên quan đến xe đóng góp các bài viết về kỹ thuật, nhóm độc giả là luật sư chia sẻ cách giải quyết cụ thể cho từng tình huống giao thông, nhóm độc giả là tài xế lâu năm chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích khi lái xe trên đường.
Năm nay cũng là năm khó khăn với ngành xe hơi trong nước khi dịch bệnh hoành hành, ảnh hưởng lớn đến việc mua bán xe. Thay vì thông tin mua bán sôi nổi như mọi năm, thời gian dãn cách dài khá nhiều độc giả dành thời gian hoài niệm viết về kỷ niệm những chiếc xe. Trong đó có bài viết khá thú vị của độc giả lâu năm Duy Tuấn "Matiz 'thần thánh' - chiếc xe đầu đời của tôi".
Nguyên Vũ