"Kinh doanh hàng ăn mà giao phó hoàn toàn cho nhân viên thuê ngoài sớm muộn gì cũng sập. Không bàn đến vấn đề chi phí, chỉ riêng độ tận tâm, vệ sinh đáng lẽ phải làm 10 họ chỉ làm 2-3 thì cũng khiến quán mất khách rồi.
Bán hàng ăn mà chủ không giữ công thức riêng, nhân viên nào cũng nêm nếm được thì chất lượng không ổn định và hương vị cũng không có gì đặc sắc.
Chủ phải kỹ tính. Nếu muốn ủy thác cho nhân viên thì khâu tuyển chọn, đào tạo, xây dựng quy trình làm việc và giám sát phải chặt chẽ. Cái này đòi hỏi kỹ năng quản lý, bao quát công việc của chủ phải ở tầm nhất định chứ qua loa là hỏng.
Bán hàng ăn vất vả, kiếm tiền tốt nhưng cũng cần nhiều kỹ năng, kiến thức thì mới duy trì được lâu dài. Nấu cho gia đình rất ngon chưa chắc kinh doanh đã thành công.
Chưa nói đến những thứ thuộc về kinh doanh như mặt bằng, nhân sự, luồng tiền, xây dựng thương hiệu, nhận diện hình ảnh... chỉ riêng phần nấu nướng thì một bếp lớn quy mô vài trăm suất ăn nó cũng rất khác. Phải tính toán được việc nhập, bảo quản nguyên liệu, bố trí bếp vệ sinh không lây nhiễm khuẩn.
Số lượng nhân viên và cách bố trí công việc cũng rất quan trọng. Nếu chủ giao cho nhân viên vừa tiếp xúc thực phẩm vừa dọn dẹp rác, bếp, khu vệ sinh thì rủi ro nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, ngộ độc là rất nhãn tiền.
Muốn tiết kiệm, bắt nhân viên làm tất cả việc, nhìn cái cảnh nhân viên tay nhặt giấy ăn bẩn, vỏ chanh quất dưới đất bỏ vào sọt, tay cầm giẻ lau bàn xong ra bốc đá, bốc bún, bưng bê đồ ăn cho khách là khách khỏi ăn.
Thấy chủ quán đứng bán kiêm thu ngân, tay đụng vào hàng ngàn tờ tiền rồi sờ vào thực phẩm, khách cũng rất khiếp".
Độc giả nickname Poppy bình luận như trên, chỉ ra những rủi ro tồn tại khi kinh doanh quán ăn, nếu như chủ giao hết việc cho nhân viên. Bình luận này được viết sau bài viết Quán hủ tíu sập tiệm dù thu 150 triệu một tháng.
*Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, vận hành quán ăn, quán cà phê của bạn tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp