Những mẫu vật được tàu nghiên cứu thu thập. Video: ABC.
Các nhà khoa học nghiên cứu sinh vật sống dưới biển sâu tìm thấy 5 loài mới từ 42.747 mẫu vật cá và động vật không xương sống thu thập từ độ sâu 4.800 m trong hành trình thám hiểm vực biển phía đông Australia, ABC hôm qua đưa tin.
John Pogonoski, nhà ngư học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO) cho biết đây là một nỗ lực nhằm ghi chép, chụp ảnh và phân tích ADN của những sinh vật sống dưới biển sâu. Ông cũng gọi chuyến thám hiểm nghiên cứu là "khoa học ở biên giới". "Đó là một đột phá mới. Chúng tôi đang xem xét những loài chưa bao giờ được ghi nhận trước đây ở vùng biển Australia", Pogonoski chia sẻ.
Quá trình tìm hiểu đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải thu thập nhiều dữ liệu hữu hình hết mức có thể. 100 loài khác nhau thu thập từ chuyến thám hiểm đang được nghiên cứu tại CSIRO. Trong số 100 loài, 10 loài mới được bắt gặp lần đầu ở Australia. "Hai con lươn basketwork có thể là loài mới. Ngoài ra còn có một con cá eelpout và lươn mở vịt dường như là loài chưa được mô tả", Pogonoski cho biết.
"Vực biển phía đông là môi trường sống là môi trường sống lớn nhất và sâu nhất hành tinh. Chiếm một nửa đại dương thế giới và 1/3 lãnh thổ Australia, đây vẫn là môi trường ít được khám phá nhất trên Trái Đất", tiến sĩ Tim O'Hara, nhà khoa học về động vật biển không xương sống, quản lý cấp cao ở Bảo tàng Victoria, nói.
Chuyến thám hiểu kéo dài một tháng quy tụ nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Victoria. Khởi hành từ Tasmania, tàu thám hiểm kết thúc hành trình sau khi cập cảng ở Brisbane.
Phương Hoa