Bên ngoài một trung tâm mua sắm ở huyện Toàn Tiêu, tỉnh An Huy, He Yanjing, người mẹ hai con, cho hay nhận được nhiều cuộc gọi từ chính quyền địa phương, khuyến khích cô đẻ con thứ ba nhưng cô từ chối. Theo He, trường mầm non con trai đang học đã giảm một nửa số lớp vì không đủ học sinh.
Feng Chenchen, bạn của He, mẹ của một cô bé ba tuổi, cho biết họ hàng đang gây áp lực để cô sinh thêm con trai.
"Có một con là tôi đã hoàn thành nghĩa vụ", Feng nói. Sinh con thứ hai quá tốn kém. Cô nói với họ hàng "có thể đẻ thêm nếu cho tôi 300.000 tệ" (41.000 USD).
Thanh niên Trung Quốc mệt mỏi vì nền kinh tế tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, đang muốn theo đuổi lối sống khác với thế hệ cha mẹ. Nhiều phụ nữ coi quan điểm phải lấy chồng sinh con là lỗi thời.
Đối với Molly Chen, 28 tuổi, việc chăm sóc người nhà lớn tuổi và công việc thiết kế triển lãm của cô ở Thâm Quyến khiến cô không còn thời gian lấy chồng sinh con. Chen chỉ muốn đọc sách, xem video thú cưng lúc rảnh rỗi.
Chen theo dõi câu chuyện của Su Min, người phụ nữ về hưu đã đi một mình vòng quanh Trung Quốc để giải thoát bản thân khỏi cuộc hôn nhân mệt mỏi. Chen cho hay câu chuyện của Su Min cùng các video mà bà đăng lên mạng khiến cô có ấn tượng sâu sắc rằng nhiều người đàn ông chủ yếu lấy vợ về làm bảo mẫu thực hiện công việc chăm sóc chồng con và bố mẹ già.
Chen phàn nàn rằng cô thậm chí không có thời gian nuôi thú cưng. "Tôi không có thời gian chăm sóc bất kỳ ai khác ngoài cha mẹ và còn phải làm việc", Chen nói.
Năm 2015, thời điểm Bắc Kinh xóa bỏ chính sách một con kéo dài 35 năm, giới chức dự đoán dân số sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, thực tế trái với kỳ vọng. Nhiều khoa hộ sinh mới xây đóng cửa sau vài năm. Doanh số các sản phẩm trẻ em như sữa bột, tã lót, liên tục suy giảm. Các doanh nghiệp sản xuất đồ cho trẻ em nay chuyển hướng sang người cao tuổi.
Các trường mầm non mới xây chật vật để tuyển đủ sĩ số, nhiều trường đã đóng cửa. Năm 2022, số lượng trường mầm non ở Trung Quốc giảm 2%, lần đầu trong 15 năm.
Các nhà nhân khẩu học và nghiên cứu dự đoán số ca sinh ở Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 9 triệu vào năm 2023. Liên Hợp Quốc dự báo năm 2023 Ấn Độ sẽ có 23 triệu ca sinh, còn Mỹ là 3,7 triệu. Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2023.
Chính sách một con đã dẫn tới bức tranh ảm đạm về nhân khẩu học ở Trung Quốc. Thanh niên ít hơn, trong đó phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ ít hơn hàng triệu người mỗi năm. Họ cũng ngại lấy chồng sinh con, khiến tốc độ suy giảm dân số tăng nhanh.
Trung Quốc năm 2022 ghi nhận 6,8 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, ít hơn gần một nửa so với 13 triệu năm 2013. Tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc năm 2022 là 1,09, đang tiến gần về mốc một phụ nữ sinh một con. Năm 2020, con số này là 1,30, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết là 2,1 để duy trì dân số ổn định.
Trung Quốc đang triển khai hàng loạt biện pháp nâng tỷ lệ sinh như tổ chức các sự kiện mai mối và phát động chương trình khuyến khích gia đình quân nhân sinh thêm con.
"Binh sĩ thắng trận. Về việc sinh con thứ hai hoặc thứ ba và thực hiện chính sách quốc gia về sinh đẻ, chúng tôi đang đi đầu", Zeng Jian, bác sĩ sản trong một bệnh viện quân đội ở Thiên Tân, năm 2022 cho biết.
Hồi tháng 8/2023, cư dân thành phố Tây An cho hay đã nhận được tin nhắn từ chính quyền thành phố trong ngày lễ tình nhân Thất Tịch với nội dung "Chúc bạn có một tình yêu ngọt ngào và kết hôn ở tuổi thích hợp. Hãy truyền thừa dòng máu Trung Hoa".
Tin nhắn gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. "Mẹ chồng còn không giục tôi sinh con thứ hai", một người viết. "Tôi đoán chúng ta sắp trở lại thời kỳ hôn nhân theo sắp đặt", một người khác bình luận.
Chính quyền các địa phương cũng đưa ra nhiều ưu đãi như tặng tiền cho các gia đình sinh con thứ hai hoặc thứ ba. Một huyện ở tỉnh Chiết Giang thưởng 137 USD tiền mặt cho mỗi cặp kết hôn trước 25 tuổi. Năm 2021, thành phố Loan Châu, tỉnh Hà Bắc, yêu cầu người chưa kết hôn đăng ký tham gia sáng kiến hẹn hò do chính quyền tài trợ, sử dụng big data để tìm kiếm người phù hợp trên thành phố.
Sự thay đổi chính sách sinh đẻ khiến phụ nữ chuyển từ việc phải giấu giếm sinh thêm con sang bị thúc giục đẻ thêm. 10 năm trước, Zhang từng phải giấu chính quyền khi sinh con thứ hai. Cô nghỉ việc vì sợ bị gây áp lực phá thai. Sau khi sinh con năm 2014, Zhang ở nhà họ hàng một năm. Khi quay về, giới chức địa phương đã phạt vợ chồng cô 10.000 USD và ép cấy vòng tránh thai, đồng thời yêu cầu cô mỗi ba tháng đi kiểm tra một lần.
Nhiều tháng sau, Bắc Kinh tuyên bố bãi bỏ chính sách một con. Tuy nhiên, suốt một thời gian, chính quyền địa phương vẫn yêu cầu Zhang đi kiểm tra vòng tránh thai. Bây giờ, cô lại nhận được tin nhắn khuyến khích sinh con.
"Tôi ước gì họ đừng làm phiền chúng tôi nữa", cô nói, "hãy để dân thường chúng tôi được yên".
Giới chức Trung Quốc đang siết quản lý giấy phép những phòng khám thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh đẻ. Năm 1991, thời kỳ chính sách một con nghiêm ngặt nhất, Trung Quốc ghi nhận 6 triệu ca thắt ống dẫn trứng và hai triệu ca thắt ống dẫn tinh. Năm 2020, có 190.000 ca thắt ống dẫn trứng và 2.600 ca thắt ống dẫn tinh. Một số người phàn nàn đặt lịch hẹn thắt ống dẫn tinh khó như trúng số.
Số ca phá thai giảm từ 14 triệu năm 1991 xuống dưới 9 triệu năm 2020 và kể từ đó, Trung Quốc ngừng công bố dữ liệu số ca thắt ống dẫn tinh, ống dẫn trứng và phá thai.
Sophy Ouyang, 40 tuổi, xác định không lấy chồng sinh con từ khi học cấp hai. Ouyang học ngành khoa học máy tính, là một trong số ít phụ nữ trong ngành theo đuổi chương trình học nâng cao và làm kỹ sư phần mềm ở Canada.
Ouyang cho hay suốt những năm 20 tuổi, gia đình luôn gây áp lực buộc cô lấy chồng. Mẹ cô thường nói nếu sớm biết Ouyang không muốn sinh con, bà sẽ ngăn cô học cao học. Ouyang cắt đứt liên lạc với gia đình hơn 10 năm trước. Cô chặn cha mẹ, cô dì, chú bác trên các ứng dụng mạng xã hội.
"Nếu tôi buông lỏng thái độ, họ sẽ được thể lấn tới". Ouyang vẫn cảm thấy may mắn vì quyết định không lấy chồng đẻ con, cô cảm thấy "mình đã tránh được đạn bắn trúng người".
Dai kết hôn năm 26 tuổi và cho biết cô phải chịu đựng tính gia trưởng của chồng, nhất là trong thời kỳ đại dịch, khi họ tranh cãi về việc nhà. Cô kiên quyết không sinh con bất chấp áp lực từ gia đình hai bên.
Dai đã nộp đơn ly dị. "Nếu tôi không ly hôn, nhiều khả năng tôi sẽ phải sinh con", Dai nói.
Hồng Hạnh (Theo WSJ, AFP)