Cô trốn khỏi Triều Tiên hơn 10 năm trước. Đây là bí mật mà Kim luôn giữ kín, điều đôi lúc khiến cô cảm thấy xấu hổ khi phải nói ra ở nơi mà người đào tẩu Triều Tiên thường xuyên phải đối mặt với cảnh bị phân biệt đối xử.
Bạn trai Kim, Lee Jeong-sup, ban đầu hỏi đùa rằng liệu cô có phải một gián điệp Triều Tiên không nhưng sau đó trấn an cô rằng không có gì sai khi đến từ Triều Tiên.
Lee cầu hôn Kim hồi tháng ba và đến tháng 6, hai người tổ chức đám cưới ở một khách sạn tại thủ đô Seoul. Gia đình Kim, vẫn ở Triều Tiên, chắc chắn là không thể tham dự.
"Ở Hàn Quốc, chồng tôi là mọi thứ của tôi. Tôi không còn ai khác thân thích cả. Anh ấy bảo tôi rằng anh sẽ không chỉ giữ vai trò một người chồng mà còn sẽ cố gắng đối xử với tôi như cha mẹ. Bây giờ, tôi cảm thấy an tâm hơn nhiều", Kim chia sẻ.
Những câu chuyện tình yêu như vậy đang ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc.
Hơn 70% trong 33.000 người Triều Tiên bỏ trốn sang Hàn Quốc là phụ nữ. Dù không có con số thống kê chính thức về số phụ nữ đào tẩu Triều Tiên kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, một cuộc điều tra do chính phủ Hàn Quốc thực hiện trên 3.000 người Triều Tiên đang sống tại nước này cho thấy 43% số phụ nữ đã kết hôn và đang chung số với chồng người Hàn Quốc, tăng từ 19% năm 2011.
Đến từ một đất nước còn thiếu thốn, lạc hậu, phụ nữ Triều Tiên thường gặp nhiều khó khăn khi thích nghi với cuộc sống năng động, thay đổi mỗi ngày tại Hàn Quốc. Họ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, thành kiến và bị cô lập.
Một số người nói họ muốn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc vì nghĩ rằng sẽ được chồng giúp định hướng cuộc sống mới.
"Tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mình đang giúp tôi hòa nhập với xã hội này sâu sắc hơn mà không cần phải quá vất vả", Hwang Yoo-jung, 37 tuổi, nói về cuộc hôn nhân giữa cô với một người đàn ông Hàn Quốc.
Số lượng các công ty mai mối chuyên kết đôi phụ nữ Triều Tiên với đàn ông Hàn Quốc ngày càng bùng nổ, với khoảng 20 đến 30 công ty đang hoạt động, so với chỉ hai hồi giữa những năm 2000.
"Tôi có cảm giác như mình đạt được thành tựu lớn khi kết đôi thành công cho họ bởi tôi cũng một mình đến đây và thấu hiểu nỗi khổ của những người tị nạn khác", Kim Hae-rin, chủ một văn phòng mai mối ở Seoul, chia sẻ. "Tôi thấy như mình đang tạo ra những cuộc đoàn tụ liên Triều".
Rất nhiều phụ nữ trốn chạy khỏi Triều Tiên tìm đến các công ty mai mối, thường cũng do những người đào tẩu điều hành, để kiếm chồng Hàn Quốc. Không có dịch vụ nào như vậy dành cho những nam giới đào tẩu. Họ thường có xu hướng kết hôn với những phụ nữ Triều Tiên khác hoặc sống một mình.
Kim Seo-yun cũng điều hành một công ty như vậy, mang tên Unikorea, dù cô gặp chồng mình, Lee Jeong-sup, tại một bữa tối do bạn cô sắp xếp.
"Khi nói chuyện với cô ấy, tôi cảm thấy mình có thể phát triển một mối quan hệ đặc biệt", Lee, 32 tuổi, hiện làm việc cho một công ty thực phẩm, nói. "Việc cô ấy đến từ Triều Tiên không quan trọng. Tôi bảo với cô ấy rằng tôi không có bất kỳ vấn đề gì, miễn là cô ấy chưa kết hôn trước đây, không có đứa con bí mật nào và không có tiền án".
Tuy nhiên, giữa họ vẫn tồn tại những khó khăn, khác biệt nhất định về văn hóa và phong cách sống.
Lee cho hay anh thường phải hạn chế sử dụng những từ mượn tiếng Anh thông dụng tại Hàn Quốc mỗi lần nói chuyện với vợ. Trong khi đó, Kim lại khiến Lee khó chịu khi sử dụng tiếng lóng Triều Tiên mà anh không thể thiểu hết.
Hwang Yoo-jung cho biết cô thấy "rất rất hạnh phúc" khi chồng cô, Seo Min-seok, 39, tuổi, đưa cô tới một buổi tụ tập bạn bè của anh, nơi cô phải trả lời không ít câu hỏi liên quan đến Triều Tiên. Trái lại, Seo rất ít khi hỏi Hwang về những năm tháng cô ở Triều Tiên.
Những ông chồng thỉnh thoảng trêu chọc vợ mình bằng những câu chuyện lấy chủ đề Triều Tiên.
So Yu Jin kể người chồng Hàn Quốc của cô thường bảo cô "giống hệt Kim Jong-un", lãnh đạo Triều Tiên, khi cô đưa ra những quyết định liên quan đến gia đình mà không hỏi ý kiến anh.
So vẫn thích đi chơi với bạn bè đến từ Triều Tiên, những người mà theo cô là thường thẳng thắn về cảm xúc của mình hơn là người Hàn Quốc.
Nhưng không phải cặp vợ chồng Hàn Quốc - Triều Tiên nào cũng vượt qua được khó khăn.
Ahn Kyung-su, chuyên gia đến từ một viện tư nhân chuyên nghiên cứu các vấn đề sức khỏe ở Triều Tiên, cho biết một số phụ nữ trốn khỏi Triều Tiên từng chia sẻ với ông rằng những người chồng Hàn Quốc của họ thường coi thường và có hành vi lạm dụng họ.
Với nhiều người khác, việc phải xa gia đình ở Triều Tiên khiến họ không khỏi cảm thấy xót xa.
Kim Seo-yun cho hay cô rất nhớ bố mẹ cùng em gái ở Triều Tiên và hy vọng một ngày nào đó có thể đoàn tụ với họ. Mẹ cô thỉnh thoảng gọi cho cô bằng chiếc điện thoại di động Trung Quốc mượn của một kẻ chuyên đưa người đào tẩu.
Lần mẹ cô gọi hồi tháng ba, Kim đã khoe với mẹ rằng mình sắp làm đám cưới với "một anh chàng cao to" quan tâm tới cô rất nhiều.
Hồi tháng 6, mẹ Kim gọi cho Lee và hai người nói chuyện khoảng một phút. Lee không hiểu rõ từng lời mẹ vợ tương lai nói vì giọng Triều Tiên khá nặng của bà. Sau khi nghe lại ghi âm, Kim nói với Lee rằng mẹ bảo anh hãy chăm sóc cô.
"Giờ đây, chồng tôi rất yêu thương tôi. Mẹ chồng đối xử với tôi rất tốt, cả em chồng cũng vậy. Giống như tôi có những chỗ dựa thật sự vững chắc. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc", Kim chia sẻ.
Vũ Hoàng (Theo AP)