Joan cảm thấy hơi khó chịu sau cuộc kiểm tra và chỗ bị chích hormore ở bụng dưới gây ra đau. Nhưng cô khóc vì thái độ thô lỗ của bác sĩ.
"Khi anh ta đến, tôi hỏi có thể thay bằng bác sĩ nữ không vì lần đầu tiên tôi cũng được nữ khám. Anh ta nổi cơn tam bành", cô kể.
Rồi anh ta tiếp tục mỉa mai cơ thể cô. "Lúc đó tôi khóc. Anh ta bảo không khám cho tôi nữa, đuổi tôi ra ngoài", cô kể. Joan nấn ná việc bước ra khỏi toà nhà và từ bỏ. Nhưng một y tá thuyết phục cô ở lại, khuyên xin lỗi nam bác sĩ để không lãng phí thuốc. Cô đã làm theo lời y tá.
Sinh sản là ngành kinh doanh đang bùng nổ ở Nigeria, nhiều người bán trứng, tinh trùng và làm thụ tinh ống nghiệm. Ngoài các bệnh viện công, có 23 phòng khám tư nhân đăng ký làm các dịch vụ, nhưng trên thực tế có 70 phòng khám sinh sản và vẫn đang tăng. Có một thực tế là có rất ít hoặc không có quy định gì với các cơ sở này.
Joan đã tốt nghiệp đại học, cô kiếm được việc trả lương cao với tư cách giám đốc dự án. Nhưng công việc không khiến cô vui nên đã nghỉ việc sau 5 tháng. Joan nhanh chóng tiêu hết số tiền tiết kiệm và chật vật tìm công việc khác.
Khi phàn nàn với một người bạn là sinh viên y khoa, cô được gợi ý nên đi hiến trứng. Tùy nơi, mỗi lần hiến trứng sẽ được trả từ 195-365 USD. "Nó giống như đôi bên cùng có lợi vì có những phụ nữ khó có con. Tôi có thể giúp và vẫn được trả tiền", cô nói.
Quy trình sàng lọc và các điều kiện hiến trứng khác nhau giữa các phòng khám. Joan được lấy mẫu máu, làm các xét nghiệm về kiểu gene, HIV, viêm gan và họ hỏi nhiều câu hỏi về sức khỏe và tiền sử bệnh. Quá trình từ khi bắt đầu tiêm hormone đến khi lấy trứng mất 13 đến 15 ngày, tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể với các hormone kích thích. Joan phải bắt đầu tiêm thuốc tại nhà - tự tiêm vào vùng bụng dưới ngay dưới rốn của mình mỗi ngày. Sau một tuần, cô quay lại bệnh viện để xem trứng phát triển như thế nào.
"Khi tôi đến phòng khám, họ kiểm tra và nói rằng tôi đã có bảy quả trứng rồi và nếu tôi có thể kiên trì thêm 5-6 ngày nữa, có thể thu được lượng trứng gấp đôi", cô cho hay.
Đó là lúc cô có cuộc gặp gỡ khó chịu với bác sĩ. Mặc dù đã đi được nửa chặng đường, Joan bị những cơn đau đầu do tác dụng phụ của tiêm hormone. Cô muốn từ bỏ, nhưng không thể vì đang cần tiền.
Tỷ lệ thất nghiệp của Nigeria là 33,3 % vào năm 2020, cộng với lạm phát cao ảnh hưởng tiêu cực đến sự biến động kinh tế của nhiều người. Tình trạng này khiến nhiều người trẻ làm những việc họ thường không cân nhắc.
Tiền là lý do chính khiến Esther, một thợ làm bánh 26 tuổi ở Lagos đã 6 lần bán trứng kể từ tháng 2/2020, mặc dù chuyên gia sinh sản khuyến cáo chỉ nên hiến trứng 6 lần trong đời. Nhưng với mức lương tối thiểu ở Nigeria là 73 USD một tháng nên một lần bán trứng rẻ nhất cũng được gần bằng ba tháng lương. Vì thế nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Lần đầu tiên của cô thu được 243 USD thông qua một đại lý. Các lần sau vì đã qua vòng tuyển dụng và sàng lọc, cô bán trực tiếp tại phòng khám tư nhân liên kết với đại lý này, thu được 292 USD/lần. Cô còn kiếm thêm 146 USD cho 3 lần giới thiệu thành công người hiến mới.
Ban đầu Esther hoàn toàn vô tư khi hiến trứng. Thậm chí cô đã cười khi nhân viên nói "không thể quay lại đòi con". Nhưng đến khi kích trứng để chuẩn bị lấy ra, cô đã cảm thấy có những cảm xúc kỳ lạ. Cô cũng rất đau đớn, mỗi ngày phải đến viện một lần tiêm vào đùi, sau ba ngày bụng căng và chán ăn.
Hai tháng sau lần đầu tiên, phòng khám lại gọi cho cô, thậm chí trả cả tiền đi lại. Cô được thanh toán sòng phẳng ngay trong ngày thành công. Nhưng có những tác dụng phụ. "Sau lần hiến thứ hai, tôi phải quay lại điều trị vì bị bụng đau quặn thắt và tôi phải tự trả tiền", cô chia sẻ.
Khi được hỏi liệu cô có lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của mình trong tương lai không, cô nói: "Thủ thuật đôi khi có thể gây đau đớn và tôi thường bị chuột rút dữ dội và ra nhiều vào kỳ kinh tiếp theo. Nhưng tôi có thể chịu được để có tiền".
Sau một phút im lặng, cô tiếp tục "Họ không đề cập đến bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào. Tôi cũng không có kế hoạch sinh con nên mới đi bán trứng".
Các chuyên gia ước tính 1/4 cặp vợ chồng Nigeria cần can thiệp công nghệ hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, luật pháp và chính sách không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp đang phát triển này.
Phát biểu về việc thiếu các điều luật, luật sư Amarachi Nickabugu cho rằng cần có luật để bảo vệ người hiến tặng, người nhận và các trung tâm y tế. Luật cần quy định ai được tham gia vào hình thức này, bởi hiện tại đa phần là phụ nữ trẻ, những sinh viên chưa tốt nghiệp. "Họ bị đẩy đến đường bán trứng trong tình cảnh dễ bị tổn thương, không có quyền lực và không một xu dính túi", vị luật sư lo ngại.
Giải thích về lỗ hổng trong Đạo luật Y tế, Nickabugu nói: "Đạo luật Y tế Quốc gia cấm buôn bán mô người. Tuy nhiên, không rõ ràng cấm hiến tặng trứng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, những người cho trứng đang "tặng" trứng của họ hay "bán"?". Về lý thuyết, các cơ sở y tế có thể nói các khoản thanh toán là bồi dưỡng cho quá trình, chứ không phải thanh toán cho việc bán trứng.
Chị Adefunke, 37 tuổi, đã trải qua hai lần thụ tinh ống nghiệm không thành công bằng cách sử dụng trứng từ những người hiến tặng. Lần đầu cô chi hết 5.300 USD và 6.300 USD cho lần thứ hai. Nhưng cô vẫn đang hy vọng vào một điều kỳ diệu. Cưới nhau 14 năm mà không có con, chồng cô hiện đã lấy vợ hai.
Cô chưa bao giờ tiếp xúc với người hiến trứng nào. Tất cả đều ẩn danh. Đây là điều mà những người cho trứng như Joan cảm thấy an ủi. "Dù có chuyện gì xảy ra, tôi chỉ hy vọng một hoặc hai bà mẹ được thành công bế trên tay đứa con", cô nói.
Joan quay trở lại phòng khám 5 ngày sau cuộc gặp gỡ tồi tệ với bác sĩ và được một người khác khám. Sau khi kiểm tra nhanh, cô được thông báo quay lại vào ngày hôm sau để lấy trứng. Quá trình này không mất nhiều thời gian và đối với Joan, đây không phải là một quá trình đau đớn.
Vài giờ sau khi về nhà, cô nhận được tin nhắn đã có 243 USD vào tài khoản. Số tiền sẽ giúp cô trang trải cuộc sống một thời gian. Joan cũng vui mừng mình đã giúp được một số phụ nữ đang cần, nhưng nói đây không phải điều cô muốn trải qua một lần nữa.
Bảo Nhiên (Theo Aljazeera)