"Tôi vừa là một giáo viên cũng vừa là một phụ huynh. Tôi từng có một thời học sinh lo toát mồ hôi mỗi khi thầy cô gọi học sinh lên bảng trả bài miệng. Nói như vậy là vì tôi sẽ nhìn câu chuyện ở cả ba vai trò giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Thế nhưng tôi ủng hộ việc kiểm tra miệng. Bạn nào nói kiểm tra miệng chỉ là học thuộc thì bác đó hoặc là chưa biết cách học. Hoặc là chưa hướng dẫn con mình học đúng cách.
Ngay cả khi tôi là học sinh tôi không bao giờ ôm quyển sách đi học thuộc. Tôi đọc và hiểu, tự đặt câu hỏi cho mình và nhờ thầy cô giải thích nếu có chỗ nào không hiểu.
Tập trung học trên lớp là đủ để nhớ bài. Về nhà làm bài tập, soạn bài mới, đọc lại bài trên lớp là xong. Thầy cô cũng không bao giờ yêu cầu chúng tôi đọc thuộc từng câu từng chữ mà quan trọng chúng tôi có hiểu bài không?
Học kỳ nào tôi cũng bị gọi lên trả bài. Có môn học bị gọi lên trả bài ba lần một kỳ nhưng tôi gần như chưa bao giờ bị điểm kém kiểm tra miệng.
Tôi nhớ có một lần lớp tôi có hai bài kiểm tra một tiết môn Sinh Học và Lịch Sử. Sau đó đến tiết Công nghệ cô giáo gọi tôi lên bảng. Tôi lúc đó vì chuẩn bị cho hai môn kia, tôi không thể xem lại được đủ bài cũ môn Công nghệ nên xin cô cho em nợ. Cô đồng ý và tất nhiên tôi phải trả nợ sau đó. Nhưng những ngày tháng đó rèn cho tôi thói quen: 'Học bài nào xào bài đó'.
Lên đại học đâu có thầy cô nào kiểm tra bài cũ nhưng cứ thử vài lần thầy cô hỏi mà bạn không trả lời được xem, xấu hổ lắm. Hơn nữa nhờ thói quen ôn bài mà tôi có khả năng tập trung cao, rèn trí nhớ và có phương pháp học tốt".
Độc giả có nickname Lyn chia sẻ quan điểm ủng hộ kiểm tra bài đầu giờ học sinh dựa trên vai trò từng là học sinh, đang là phụ huynh và giáo viên sau bài viết Nuông chiều vô lối.
Mới đây, trong những cuộc họp triển khai kế hoạch năm học mới, các lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM bỗng yêu cầu giáo viên hạn chế áp dụng kiểm tra miệng. Sở cho rằng, hình thức gọi tên bất chợt vào đầu giờ này khiến học sinh mang tâm lý sợ sệt, nặng nề khi đến lớp.
Tương tự độc giả Lyn, độc giả Phương Mai Đỗ cũng đứng ở cả ba vị trí và nêu cùng quan điểm: "Tôi dạy môn Tiếng Anh, một môn học với đặc trưng không kiểm tra miệng, tôi ủng hộ việc kiểm tra miệng đầu giờ.
Ngoài những lợi ích về kỹ năng, tôi thấy kiểm tra miệng còn rèn luyện cho các em khả năng giao tiếp, bởi các em đã quen với các câu trả lời ngắn, theo hình thức trắc nghiệm.
Đầu năm, tôi phân nhóm thuyết trình cho các em học sinh lớp 10, những nhóm đầu sẽ thuyết trình vào tuần 3 hoặc 4 của tháng 9. Tôi theo sát và hướng dẫn các con, nhưng có một số nhóm, mong muốn quay clip thay vì phải thuyết trình.
Qua đó có thể thấy các con chưa có kỹ năng nói trước đám đông (nhỏ). Công việc sau này rất cần kỹ năng này, cần phải học từ thấp đến cao. Các giáo viên luôn mong muốn sản phẩm đầu ra chính là nguồn nhân lực có chất lượng".
Độc giả có nickname kamaxara đặt vấn đề: "Tôi thấy việc kiểm tra miệng không gây áp lực gì cả, học sinh không ôn bài thì bị điểm kém, sao đổ thừa thầy cô?
Ngày xưa tôi trả bài, dù bị điểm 0 vẫn vui vẻ nhận và thầy cô vẫn tạo điều kiện cho học sinh gỡ điểm. Không thầy cô nào cho điểm 0 mà không tạo điều kiện để học sinh gỡ điểm cả".
Độc giả dsngocluan nói: "Kiểm tra miệng đầu giờ nói riêng và kiểm tra thường xuyên là việc cần thiết, bắt buộc. Kiểm tra phải bất chợt để luôn nhắc nhở việc học của học sinh ở nhà mọi lúc mọi nơi. Kiểm tra có báo trước chỉ tạo sự đối phó, ngoại trừ kiểm tra 1 tiết, cuối kỳ mục đích đánh giá lại quá trình rèn luyện.
Chúng ta cũng nên biết rằng xã hội thay đổi không như những năm cuối thế kỷ trước hoặc đầu thế kỷ này, thực trạng học sinh ít chịu khó, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm (không phải tất cả) không muốn chịu áp lực chỉ theo ý thích cá nhân đòi hỏi, lướt Facebook, xem livestream, Youtube... mọi lúc mọi nơi, lơ là việc học.
Thế mà nhiều phụ huynh "chống lưng" phê phán áp lực việc học, chỉ có cách duy nhất tránh áp lực là chăm chỉ học, chuẩn bị bài thật tốt, đó là mục đích của giáo dục".
Trong khi đó, độc giả hoangvucuong.giadinh cho rằng thay vì can thiệp vào hoạt động chuyên môn của giáo viên trên lớp, ngành giáo dục nên tập trung vào việc hạn chế những hành xử không phù hợp của giáo viên:
"Tôi lại cho rằng chính cách hành xử của nhiều giáo viên mới là vấn đề. Tôi còn nhớ hồi đi học cấp hai không ít lần chứng kiến thầy cô đay nghiến, chì chiết những bạn không thuộc bài, đến độ làm cho các bạn lắp bắp nói không ra tiếng, tay chân run cầm cập, đây chính là cách hành xử tạo ra tâm lý sợ sệt cho học sinh.
Nhưng chính tôi cũng một lần vì lười không học bài mà nhận điểm 0 trả bài miệng, nhưng tôi may mắn chỉ bị cô giáo bộ môn sau đó là cô giáo chủ nhiệm khiển trách và đồng thời động viên tôi trước lớp.
Sau đợt đó tôi chừa không dám chểnh mảng nữa, luôn chuẩn bị bài kỹ, thậm chí còn có tâm lý muốn được gọi tên để gỡ điểm trước thầy cô và bạn bè trong lớp. Đây chính là cách hành xử của giáo viên tạo ra động lực như ý kiến của một số bạn.
Vậy thì, thay vì can thiệp sâu vào hoạt động chuyên môn của giáo viên trên lớp, chẳng hạn như cấm kiểm tra miệng, tôi cho rằng ngành giáo dục nên tập trung vào việc hạn chế những hành xử không phù hợp của giáo viên đối với học sinh".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.