Trong 50 năm qua, phòng khám đã đón tiếp nhiều bệnh nhân như gia đình của Kelli Rutledge. Là kỹ thuật viên cho một phòng khám nhãn khoa gần đó, bà Rutledge đã tới Autumn Road chữa bệnh suốt hai thập kỷ.
4 bác sĩ và hai y tá tại phòng khám đã nhanh chóng thích nghi khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Họ rút ngắn thời gian mở cửa và chuyển sang khám bệnh trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân lẫn đội ngũ nhân viên.
Khi Kelli, 54 tuổi, và chồng, Travis, 56 tuổi, xuất hiện triệu chứng Covid-19, hai người lái xe tới phòng khám và trao đổi với các y tá qua điện thoại. "Cô ấy ghi lại tất cả các triệu chứng của chúng tôi", bà nhớ lại. Hai người được lấy mẫu xét nghiệm ngay trên xe.
Doanh thu của các phòng khám như Autumn Road đang giảm mạnh. Lượng bệnh nhân tới khám mỗi ngày đã giảm 1/2 so với mức trung bình 120 ca trước đây. Doanh thu phòng khám từ tháng ba đến tháng 4 giảm 150.000 USD, tương đương gần 40%.
"Không đủ để trả tiền điện hay tiền thuê nhà", Tabitha Childers, quản lý phòng khám, nói. Bà vừa phải sa thải 12 nhân viên do tình hình tài chính khó khăn.
Dù không có con số cụ thể, nhiều dấu hiệu cho thấy hàng loạt phòng khám nhỏ ở Mỹ đang chật vật tồn tại giữa đại dịch. Trên cả nước, chỉ 1/2 số bác sĩ chính tại các phòng khám nói họ đủ tiền để tiếp tục mở cửa trong 4 tuần nữa. Không ít người đã phải sa thải hay cho nhân viên nghỉ việc không lương.
"Các bác sĩ sản khoa, nhi khoa và bác sĩ gia đình đang đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng, dẫn tới việc họ buộc lòng phải sa thải một lượng lớn nhân viên hoặc thậm chí đóng cửa", ba hiệp hội đại diện cho 260.000 bác sĩ Mỹ viết trong thư gửi lên Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Dân sinh Alex M. Azar II hồi cuối tháng trước.
Theo một ước tính khác, đến tháng 6, khoảng 60.000 bác sĩ gia đình có thể phải đóng cửa phòng khám của mình vì Covid-19.
Thực tế trên cho thấy người dân Mỹ đang trở nên ít quan tâm hơn tới các vấn đề sức khỏe không quá cấp bách trong bối cảnh nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng vì Covid-19. Người dân có xu hướng hủy mọi cuộc hẹn thăm khám bác sĩ không thực sự cần thiết, khiến chi tiêu cho sức khỏe ở Mỹ đã giảm 18% trong ba tháng đầu năm nay.
Dù quốc hội Mỹ đang gấp rút chuyển hàng chục tỷ USD tiền hỗ trợ cho các bệnh viện chịu tổn thất nặng nề vì dịch bệnh và đã thông qua một đạo luật giúp chuyển nhiều tiền hơn nữa, các phòng khám nhỏ trong những lĩnh vực lợi nhuận thấp như chăm sóc ban đầu hay nhi khoa vẫn phải vật lộn để tồn tại. "Phòng khám của họ chẳng mấy khi đông đúc", tiến sĩ Lisa Bielamowicz, đồng sáng lập công ty tư vấn Gist Healthcare, nói.
Theo Michael Chernew, giáo sư chính sách y tế tại Trường y Harvard, việc giữ cho các phòng khám nhỏ tiếp tục hoạt động là điều vô cùng quan trọng. "Nếu các phòng khám bị đóng cửa, người dân sẽ mất đi một điểm tiếp cận y tế", ông nói.
Chernew là đồng tác giả của một phân tích do Quỹ Thịnh vượng Chung đăng tải, cho thấy các cuộc hẹn thăm khám bác sĩ ở Mỹ đã giảm khoảng 60% từ giữa tháng ba đến giữa tháng 4. Gần 30% số cuộc hẹn được thực hiện trực tuyến, song dù vậy, tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân rất thấp, bác sĩ Ateev Mehrotra, phó giáo sư về chính sách y tế tại Trường Y Harvard, người cũng tham gia cuộc nghiên cứu, cho hay.
Theo Rebecca Etz, phó giáo sư về y tế gia đình tại Đại học Virginia Commonwealth, gần một nửa phòng khám chăm sóc ban đầu tại Mỹ đã sa thải hoặc cho nhân viên nghỉ việc không lương. Nhiều bác sĩ phòng khám nói họ chưa biết chắc liệu có còn đủ tiền để tiếp tục hoạt động sang tháng sau hay không.
Bác sĩ nhi, những người được trả lương thấp nhất trong các chuyên khoa y tế, chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Giới chức liên bang sử dụng các khoản thanh toán trong chương trình bảo hiểm Medicare của năm ngoái để làm cơ sở xác định nhóm bác sĩ nào sẽ được nhận khoản hỗ trợ 30 tỷ USD ban đầu. Vì hầu hết các bác sĩ nhi không điều trị cho những bệnh nhân Medicare nên họ không được bù đắp thiệt hại khi lượng bệnh nhân giảm do dịch bệnh. Các phụ huynh giờ đây thường hoãn đưa con cái họ tới gặp bác sĩ nếu tình trạng không quá nghiêm trọng và bỏ qua các cuộc kiểm tra định kỳ.
"nCoV có khả năng đẩy các bác sĩ nhi khoa trên cả nước vào cảnh thất nghiệp", bác sĩ nhi Susan Sirota, người đứng đầu một mạng lưới gồm hàng chục phòng khám nhi ở Chicago, nhận định. "Phòng chờ của chúng tôi giờ trông như căn phòng ma không bóng người".
Các bác sĩ nhi đã chi hàng chục nghìn USD đặt hàng vaccine cho các bệnh nhi của mình, nhưng họ giờ đây phải thương thảo với nhà sản xuất để hoãn việc thanh toán. "Chúng tôi không có tiền trả cho họ", bác sĩ nhi Susan Kressly ở Warrington, Pennsylvania, nói.
Mặt khác, dù đã chủ động chuyển sang khám bệnh từ xa nhằm giữ chân bệnh nhân, các bác sĩ phòng khám vẫn gặp rắc rối. Tại Albany, bang Georgia, khi dịch bùng phát, bác sĩ Charles Gebhardt, người từng điều trị cho một số bệnh nhân nhiễm nCoV, nhanh chóng làm gần như mọi thứ tại phòng khám của mình qua mạng.
Nhưng mỗi ca khám bệnh trực tuyến lại có thời gian gấp đôi khám bệnh kiểu truyền thống, Gebhardt cho biết. Trước đây, ông có thể khám cho 25 bệnh nhân mỗi ngày nhưng nay chỉ còn 8. "Chúng tôi sẽ nhanh chóng phá sản với tình trạng như hiện nay", ông nói.
Các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và tiền thanh toán trước từ chương trình Medicare giúp Gebhardt duy trì hoạt động phòng khám thêm vài tháng nữa, tuy nhiên ông nhấn mạnh những phòng khám nhỏ như của ông vẫn cần những cuộc thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân nếu muốn tồn tại.
Medicare sẽ không tiếp tục thanh toán trước cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế và những quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.
Dù Medicare và một số công ty bảo hiểm tư nhân vẫn chi trả cho những cuộc hẹn thăm khám từ xa, bao gồm cả khám qua điện thoại, các bác sĩ cho hay khoản thanh toán này không đủ bù đắp cho doanh thu bị mất từ việc thực hiện các xét nghiệm hay thủ thuật y khoa vốn giúp họ duy trì hoạt động.
"Khám từ xa không phải giải pháp và không thể bù đắp cho tất cả những tổn thất về tài chính", bác sĩ Patrice Harris, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ, bình luận.
Theo Mehrotra, nhà nghiên cứu từ Trường Y Harvard, vấn đề đáng lo hơn nằm ở việc các bác sĩ có thể không cung cấp được dịch vụ cho người cần bởi các phòng khám chủ yếu vẫn phụ thuộc vào bệnh nhân tự tìm đến với họ.
Một số bác sĩ đang bày tỏ lo lắng về việc bệnh nhân không có máy tính hay điện thoại hoặc không thành thạo khi thao tác với các ứng dụng kết nối từ xa. "Không phải gia đình nào cũng có thiết bị công nghệ để kết nối với chúng tôi", bác sĩ nhi Kressly nói và thêm rằng việc chuyển đổi sang khám bệnh từ xa "còn khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn".
Một số bệnh nhân vẫn thích lựa chọn tới phòng khám gặp bác sĩ theo cách truyền thống. Dù ông bà Rutledges đánh giá cao phương pháp khám bệnh từ xa, Kelli cho rằng làm theo cách này, bà sẽ "có ít thời gian nói tới những chuyện khác".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)