Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. |
Những người di tản hoảng loạn đã chiếm giữ đài kiểm soát không lưu ở sân bay chính của Đà Nẵng. "Chúng tôi luôn phải chạy lòng vòng, bởi vì nếu như cho máy bay đứng yên một chỗ thì ngay lập tức sẽ có khoảng năm nghìn người vây xung quanh trong vòng vài giây", Lannin, người đã lái trực thăng trong những ngày ấy, kể. "Chúng tôi bốc một số người cần được di tản tới một đường băng dùng cho máy bay cánh cố định và sau đó những máy bay C-47 có trách nhiệm đưa số người này đi".
Đã có một nỗ lực nhằm nối lại việc di tản ở sân bay chính của Đà Nẵng. Một chiếc Boeing 727 của World Airway hạ cánh xuống đó đã bị khoảng năm ngàn người Việt Nam bao vây. Việc các nhân viên an ninh Mỹ bắn chỉ thiên không gây được một hiệu quả đáng kể nào và đám đông cuồng loạn tiếp tục giẫm đạp lên đàn bà, trẻ em. Khi những người di tản bắt đầu leo lên bánh máy bay, viên phi công vội vàng khởi động động cơ và cho máy bay cất cánh ngay lập tức.
Khi ấy, những chuyến bay trực thăng của Air America đưa người tới sân bay phụ ở Non Nước được duy trì một cách đều đặn, thường xuyên hơn. Hai chiếc trực thăng của Air America bay tới sân bay chính của Đà Nẵng đón các nhân viên của tòa lãnh sự Mỹ cùng với thân nhân trong gia đình họ đang bị kẹt trong số khoảng mười ngàn người tại đây. Việc xuất hiện hai chiếc trực thăng này tại sân bay chính khiến cho đám đông càng trở nên kích động hơn bởi vì họ dường như hiểu rằng đó là phương tiện duy nhất đưa họ đi.
Hai chiếc trực thăng khác cũng của Air America chuyên chở những nhân viên quân sự Mỹ từ trung tâm Đà Nẵng tới sân bay ở Non Nước trong suốt buổi sáng ngày 28/3. Đến trưa, hai chiếc máy bay này gần hết nhiên liệu và phải bay tới một căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ nằm ở phía nam Đà Nẵng để tiếp liệu. Tại đây, một nhóm cảnh sát quốc gia của chính quyền Nam Việt Nam yêu cầu phi công cho họ lên máy bay di tản. Khi viên phi công từ chối và cất cánh, những cảnh sát này đã nổ súng nhằm vào máy bay. Máy bay trúng bốn phát đạn, còn viên phi công bị thương vào ngực.
Trong khi các trực thăng của Air America tiếp tục chiến dịch chuyển những người di tản từ nơi này đến nơi khác thì một nhóm người Việt Nam thuộc diện "nhạy cảm" đã bị bỏ sót. Đến cuối ngày 28/3, Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng mới phát hiện ra nhóm người này và ngay lập tức ông ta điện yêu cầu một chuyến bay của Air America tới để di tản họ. Nhưng để đảm bảo cho chiếc máy bay C-47 của Air America hạ cánh an toàn, ông Tổng lãnh sự Mỹ đã phải thực hiện một thỏa thuận trao đổi với một số sĩ quan trong quân đội Nam Việt Nam phụ trách đơn vị súng phòng không bảo vệ sân bay: một số sĩ quan và nhân viên quân sự trong đơn vị này sẽ được di tản trên máy bay này để đổi lại việc họ bảo vệ cho sân bay trong khi chiếc máy bay hạ cánh.
93 người, hơn một nửa trong số đó là các sĩ quan quân đội Nam Việt Nam, đã lên chuyến bay cuối cùng của Air America rời khỏi Đà Nẵng. Khi chiếc máy bay cất cánh, hàng trăm lính Nam Việt Nam đã bao vây, bám vào cánh và thùng nhiên liệu của chiếc máy bay. Viên Tổng lãnh sự Mỹ chạy từ bên này sang bên kia, cố gắng sử dụng nắm đấm để gạt những người lính kia xuống. Nhưng rồi chính ông ta bị kéo ngã xuống đất, bị đám đông lính tráng đấm đá, cuối cùng thiệt mạng và bị bỏ lại ở đó.
Sáng hôm sau, 29/3, chuyến bay di tản cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng diễn ra còn kinh hoàng hơn. Ed Daly, người phụ trách hãng World Airway ra lệnh cho 2 chiếc Boeing 727 của ông ta bay vào thành phố. Ông ta đã không kịp xin phép Sài Gòn nhưng vẫn cố gắng thực hiện phi vụ di tản này và tự mình bay trên chiếc máy bay đầu tiên.
Khi chiếc máy bay hạ cánh, nó đã lập tức bị cả một biển người bao quanh và chỉ trong vòng có 10 phút, bên trong máy bay đã lèn chặt tới 270 người. Nếu như Ed Daly hy vọng có thể di tản phụ nữ và trẻ em trong chuyến bay cuối cùng này thì quả thật ông ta đã phải hoàn toàn thất vọng. Ngoại trừ hai phụ nữ và một đứa bé, toàn bộ số người còn lại trên máy bay đều là những binh sĩ thuộc một trong những đơn vị được coi là hung hãn nhất trong quân đội Nam Việt Nam có tên là Hắc Báo. Bọn chúng không ngần ngại sử dụng vũ lực để có thể lên được máy bay và một tên trong bọn này đã đạp vào mặt một bà cụ để lọt vào bên trong.
Khi chiếc máy bay bắt đầu cất cánh, những người lính khác không lên được dạt sang một bên và bắt đầu ném lựu đạn về phía máy bay. Lựu đạn nổ khiến cho cánh gió và bộ hạ cánh máy bay không thể mở ra được hết cỡ. Những người bám dưới hai cánh và bộ hạ cánh sau đấy chỉ còn cách buông tay và chắc chắn thiệt mạng trong khi những người khác bị bánh máy bay nghiền nát. Chỉ có 4 người bám được vào bánh máy bay suốt trên đường bay vào tới Sài Gòn.
Một đội quay phim truyền hình của Anh đã phạm phải sai lầm lớn lúc chiếc máy bay hạ cánh xuống đón những người di tản. Họ ra quá xa máy bay và không thể nào lên lại được khi nó cất cánh. Người quay phim trong đội chỉ kịp ném chiếc máy quay với những cuốn phim anh ta quay được vào bên trong trước khi cánh cửa của máy bay đóng lại. Sau đấy, một chiếc trực thăng khác của Air America hạ cánh xuống được và đưa họ đi. Chiếc Boeing 727 thứ hai khi đó cũng đã ở trên không trung.
(Theo Thanh Niên)