Quân đội Mỹ đã phải chịu tổn thất tại chiến trường Việt Nam. |
Và thế là họ đã ở đâu đó bên ngoài Đà Nẵng, thành phố đang sụp đổ bởi chính nó. Lính Việt Nam Cộng hoà trở nên cuồng loạn. Họ chạy trên đường phố với súng máy trong tay, giật nữ trang khỏi các thi thể, hãm hiếp phụ nữ.
Tại một khu phố ven biển, quân đội Sài Gòn thiết lập một bến đỗ để những chiếc xà lan có thể cập vào di tản dân chúng. Binh lính Việt Nam Cộng hoà lái những chiếc xe tăng, xe tải hai tấn rưỡi hoặc bất cứ thứ gì họ có, nhào ra những ngọn sóng ngoài biển, cởi bỏ quân phục, vứt lại tất cả mọi vũ khí trang bị của họ trên bờ. Trên bờ biển không có gì khác ngoài những bộ phận rải rác các trang bị vũ khí mà lính Sài Gòn vứt lại. Những người lính này ào ra quây lấy chiếc xà lan và bắn vào những dân thường đang leo lên xà lan. Thậm chí, họ đã cướp hai hay ba chiếc thuyền đánh cá để dùng làm phương tiện chạy trốn.
Lãnh sự quán Mỹ ở Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn một số máy bay để dùng cho tình huống di tản có thể xảy ra, đặc biệt là trong tình trạng nguy ngập và được bảo vệ bởi lính thủy đánh bộ Mỹ. Những người thuộc vào diện "nhạy cảm" phải di tản từ Đà Nẵng có khoảng 50 người làm việc trong Lãnh sự quán Mỹ - một nửa trong số đó là nhân viên CIA - cùng với khoảng một ngàn nhân viên địa phương. Thế nhưng cộng với bạn bè và gia đình của những người này, số người Việt Nam phải di tản khỏi Đà Nẵng lên tới mười ngàn người. Kế hoạch di tản ban đầu đặt ra ở mức độ hạn chế, bằng đường không và đường biển và sẽ kéo dài trong khoảng một tuần hoặc hơn một chút.
Thế nhưng mọi sự không diễn ra như dự kiến. Khi quân giải phóng bắt tấn công Đà Nẵng vào sáng ngày 25/3 thì ngay lập tức, sự căng thẳng và hoảng sợ đã bao trùm trên toàn thành phố. Trong mười ngày trước đó, hơn nửa triệu người di tản đã đổ về Đà Nẵng từ khắp mọi hướng. Kế hoạch di tản ban đầu của CIA nhanh chóng phá sản bởi vì không đủ máy bay. Khi người lãnh đạo CIA tại Đà Nẵng yêu cầu thêm máy bay của Air America để giúp đẩy nhanh tốc độ di tản người Mỹ, anh ta được trả lời một cách đơn giản rằng không có máy bay dự phòng.
Vé máy bay được phân phối cho người Việt Nam để di tản trên các chuyến bay của Air America trong chiến dịch mang mật danh Freedom Train, mặc dù rõ ràng là sẽ không có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Không quân Mỹ cũng đã bác bỏ một yêu cầu cung cấp thêm máy bay trực thăng sử dụng cho chiến dịch di tản có thể xảy ra ở Phnom Penh.
Cầu hàng không bắt đầu vận hành khá trơn tru. Trong ngày đầu tiên, các máy bay C-47 của Air America và Boeing 727 của hãng World Airways cất, hạ cánh đưa người đi mà không gặp phải rắc rối nào cả. Cứ mỗi khi một chiếc máy bay hạ cánh là hàng trăm người Việt Nam, trên người lỉnh kỉnh những tài sản quý nhất mà họ có cùng với trẻ con và cả những con vật yêu quý của họ nữa, lại tràn vào đường băng để tìm cách leo lên phương tiện giúp họ thoát ra khỏi thành phố đang chìm ngập trong sợ hãi.
Những nỗ lực của các phi công Air America cố gắng duy trì chiến dịch di tản trong trật tự đã nhanh chóng bị thất bại. "Tôi đã từng chứng kiến những gì xảy ra ở Pleiku, bởi vậy khi bắt đầu chiến dịch di tản mọi người ra khỏi Đà Nẵng, tôi ra khỏi máy bay, lấy vẻ mặt dữ dằn và buộc mọi người xếp thành một hàng dọc", Art Kenyon kể lại. "Một vài đứa bé chạy ra khỏi hàng và chen lên phía trước khoảng sáu hay bảy người gì đó, tôi túm lấy chúng, đưa chúng về tận cuối hàng và bảo: "Các cậu phải đứng ở đây đợi đến khi nào tôi bảo thì các cậu mới được lên máy bay". Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm và cũng đã kiểm soát được tình hình đôi chút. Thế nhưng chỉ với khoảng một trăm nhân viên, trong khi có tới năm ngàn người xung quanh thì bạn chẳng thể làm gì hơn được".
Mọi người di tản đều hoảng sợ bởi vì họ luôn nghĩ rằng mỗi một chiếc máy bay hạ cánh xuống đều có thể là chiếc cuối cùng. Không có một ai nói với họ rằng nếu như họ để cho những chiếc máy bay đầy người rời khỏi đó càng nhanh thì nó sẽ lại càng quay lại sớm hơn để đón họ. Đám đông những người di tản tuyệt vọng là một mối nguy hiểm thật sự bởi vì trong trạng thái điên cuồng, họ có thể phá tan tành cả những chiếc máy bay.
Việc thực hiện những phi vụ di tản khiến cho nhiều phi công cảm thấy nguy hiểm hơn cả những điệp vụ thực hiện trong vùng chiến sự. Ngay cả những người đã có nhiều năm bay cho Air America cũng phải sốc khi nhìn thấy những cánh tay đầm đìa máu của những người di tản không lên được máy bay đập vào cánh cửa của chiếc máy bay sắp rời đi. Nhiều người nhìn thấy chiếc máy bay sắp sửa cất cánh biết rằng không thể nào trèo qua đầu đám đông để lên được máy bay đã ném những đứa con của họ qua cánh cửa vào trong máy bay.
Còn tiếp
(Theo Thanh Niên)