Người Việt Nam đi di tản tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Hàng nghìn người thuộc diện “nhạy cảm” đã bị bỏ lại. Quân giải phóng cuối cùng đã chiếm toà sứ quán Mỹ, thu giữ toàn bộ những tài liệu chi tiết về các điệp viên cũng như những người từng cộng tác với Mỹ.
Trong số cuối cùng rời thành phố có những người Mỹ đã tổ chức chiến dịch di tản bằng trực thăng trên các mái nhà. Một trong số đó là Walt Martindale, lúc đó ở trên sân thượng một toà nhà cao tầng gần sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay khi chiếc trực thăng đáp một trong những chuyến cuối cùng trước khi bóng đêm sập xuống, hàng trăm người Việt trong tâm trạng tuyệt vọng đã phá vỡ được cánh cổng và tràn tới lối dẫn vào toà nhà. Hai viên sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà đề nghị sử dụng vũ khí để ngăn đám đông nếu như Martindale đảm bảo sẽ cho họ cùng thoát thân.
Đám đông người Việt đã vây lấy cầu thang trong khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân thượng. “Nhanh lên, nhanh lên”, phi công hét to thúc giục Martindale nhưng anh ta lắc đầu. Anh ta gọi những người lính Nam Việt Nam đang ghìm đám đông ở lại bên ngoài trạm gác để tổ chức đưa người lên máy bay. Cuối cùng, với số người gấp đôi khả năng cho phép, chiếc máy bay đã bay đi mà không có Martindale.
Khi chiếc máy bay đã bay được một quãng thì làn sóng người đánh bật những người lính đang ghìm giữ họ và tràn lên sân thượng. Martindale bị dồn một cách nguy hiểm ra bên rìa sân thượng. Anh ta bị đánh vào đầu nhưng cố gắng đánh trả. Ngay khi trước trời tối, một chiếc trực thăng khác hạ cánh xuống giữa đám đông hỗn loạn. Một người thợ máy sử dụng khẩu M-16 dồn đám người Việt cuồng loạn sang một phía trong khi phi công thúc giục Martindale: “Mau lên, mau lên”. Cả ba rút vào bên trong máy bay và họ cất cánh trong tiếng gào thét tuyệt vọng của đám người cầu xin sự giúp đỡ.
Trước khi bay ra Hạm đội 7 ngoài biển Đông, do lo không có đủ nhiên liệu nên họ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất đang bốc cháy bởi những đợt pháo kích dữ dội để tiếp thêm nhiên liệu. Việc hạ cánh xuống đây còn có một lý do khác nữa: những người quản lý Air America đã lơ đễnh để quên 50.000 USD trong một căn phòng an toàn tại phi trường. Khi chiếc máy bay hạ cánh, không hề có một ai ở gần đó cả và trong khi viên phi công phụ tiếp nhiên liệu cho máy bay, tay thợ cơ khí người Philippines chạy thật nhanh lại phía căn phòng an toàn và cố gắng mở cửa căn phòng này. Một nhóm binh lính Nam Việt Nam bất thần xuất hiện từ phía xa và bắt đầu bắn bừa bãi về phía chiếc máy bay. Chưa kịp lấy được tiền nhưng tình thế buộc tất cả phải leo vội trở lại máy bay, cất cánh và thực hiện chuyến bay cuối cùng trong ngày ra hạm đội 7.
Như vậy là chiến dịch di tản người trên các mái nhà ở khu trung tâm Sài Gòn của Air American chấm dứt lúc 6h30 tối. Các phi công được lệnh bay ra hạm đội 7. Một chiếc trực thăng chở đầy rượu ra tới nơi nhưng viên thuyền trưởng nhìn rồi hét: “vứt, vứt, vứt”. Thế là chiếc máy bay với đầy rượu quý đã bị hất ra bên ngoài mạn tàu xuống nước. Hầu hết các máy bay khác cũng chịu chung số phận. Các phi công treo máy bay sát trên mặt nước rồi nhảy ra bên ngoài, một phương pháp đầy may rủi và liều lĩnh. “Ngay khi các máy bay rơi xuống nước, những cánh quạt của chúng vẫn còn quay tít và nhiều phi công có thể bị cuốn vào đấy”, Bob Murray, một phi công của Air America, nhớ lại. Một phi công Nam Việt Nam khi đó đã treo máy bay trên mặt nước ở độ cao gần 20m rồi nhảy ra ngoài.
Khi đã lên đến những tàu chiến khác nhau của hạm đội 7, các phi công của Air America chợt nhận ra rằng họ bị đối xử một cách tồi tệ. “Chúng tôi bị lính thuỷ đánh bộ trên tàu đối xử một cách thô bạo như thể chúng tôi là những tên tội phạm”, Wayne Lannin nhớ lại. “Có thể họ đã nghe được câu chuyện về những tên lính đánh thuê được trả lương hậu hĩnh để chuyên chở ma tuý. Họ lục soát thân thể chúng tôi kỹ lưỡng, tịch thu vũ khí cá nhân của chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ còn thấy được vũ khí của mình nữa. Một người trong chúng tôi bị mất 500 USD, hộ chiếu của anh ta bị một lính thuỷ đánh bộ lấy mất. Chỉ trong một đêm ở trên tàu của Hạm đội 7, chúng tôi mất nhiều hơn toàn bộ những gì đã mất trong suốt những năm hoạt động ở Việt Nam”.
Đến 8h sáng hôm sau, những người tham gia chiến dịch di tản của Air America đã ngồi trong một căn phòng nóng tới 37 độ C và không có máy điều hoà nhiệt độ. Người của sứ quán Mỹ đã cố can thiệp nhưng các phi công vẫn phải ở đó cho tới 6h chiều. Lính thuỷ đánh bộ gác ngoài cửa và bất cứ ai muốn rời khỏi phòng đều bị ngăn cản thô bạo. “Trong đời tôi chưa bao giờ lại cảm thấy tồi tệ như khi ấy”, Lannin nói. “Nó làm tôi bị tổn thương nặng nề. Tôi không muốn mình rời Việt Nam theo cách này”.
Phương án IV, chiến dịch di tản trong những ngày cuối cùng của Mỹ ở việt Nam, là chiến dịch di tản bằng máy bay lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong 18 giờ cuối cùng, 70 máy bay cùng 865 lính thuỷ đánh bộ đã thực hiện hơn 630 phi vụ, di tản 1.373 người Mỹ, 5.595 người Việt và 85 người có quốc tịch khác nhau. Một cuộc chiến tranh của Mỹ được ghi dấu bằng những vụ thảm sát, ném bom, cướp đi sinh mạng của bao người đã chấm dứt với chiến dịch tháo chạy trên quy mô lớn như thế.
Hết
Phần 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
(Theo Thanh Niên)