Biệt động và quân giải phóng trong ngày chiến thắng. |
"Nếu bạn nghe đài của quân đội, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì đang xảy ra ở Việt Nam bởi toàn tin thời tiết, bầu cử và có cả tin một vụ tai nạn ô tô nữa", Art Kenyon kể. "Trong khi ấy, BBC cung cấp cho chúng tôi những tin tức thời sự. Một vài điều khá nghiệt ngã nghe được trên BBC chúng tôi biết là sự thật bởi chính mắt tôi đã từng chứng kiến, còn những điều khác thì chúng tôi cũng nghĩ là chúng chân thực".
Kenyon muốn giữ riêng căn hộ của anh ta trong tòa nhà của Cơ quan viện trợ Mỹ USAID, nhưng rồi đêm 28/4, anh ta đột nhiên đổi ý, mời các phi công khác vào ở chung trong căn hộ 3 buồng ngủ có đầy đủ đồ đạc tiện nghi nhưng hầu như không còn được ngó ngàng gì tới nữa. Họ uống vài ly rượu, nghe chương trình hải ngoại của đài BBC trước khi đi ngủ. "Tôi không thể nhớ chính xác là đã nghe tin gì nhưng chắc chắn đó toàn là những tin tồi tệ", Kenyon nói.
Toàn thành phố bị đánh thức vào lúc 4 giờ sáng hôm sau bởi tiếng gầm rú của hàng loạt tiếng nổ liên tiếp. Wayne Lannin hét lên với người bạn cùng phòng Izzie Freedman: "Izzie, chắc họ sắp tấn công rồi".
"Không, không, đấy chỉ là tiếng sấm thôi", Freedman trả lời vẻ ngái ngủ. Lannin leo lên sân thượng và trông thấy những vụ nổ ở ngoài phi trường. "Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: 'Ôi trời ơi, họ đã đánh trúng các máy bay' và như vậy chúng tôi không thể nào thoát ra khỏi thành phố được nữa", Lannin kể. "Khi ấy, bạn cảm thấy bản thân hụt hẫng và tôi cảm thấy một nỗi khiếp sợ chưa từng thấy. Nếu như có một chiếc trực thăng, bạn luôn có cảm giác là bạn sẽ thoát được ra khỏi đó. Bạn không biết những người khác ra sao nhưng chắc chắn có một cỗ máy sẽ đưa bạn thoát đi. Nếu phá hủy những cỗ máy đó thì tôi hoàn toàn không còn gì để bấu víu vào nữa".
Trong khi đó, Art Kenyon bị đánh thức bởi người bạn cùng phòng đập cửa với tiếng hét: "Lên sân thượng mau lên".
Kenyon lên sân thượng tòa nhà Cơ quan viện trợ Mỹ USAID và nhìn thấy những đám cháy ở ngoài phi trường. "Trông giống như một đường chân trời bằng lửa vậy”, Kenyon nói. "Hỏa tiễn vẫn tiếp tục bắn vào, những tiếng nổ liên miên không dứt và chúng tôi có thể trông thấy phần đuôi một chiếc C-46 của Air America chổng ngược lên trời trong ánh sáng bập bùng của một chiếc C-130 cháy gần đó trên đường băng cũ hướng Bắc-Nam".
"Một chiếc C-119 của không quân Nam Việt Nam trang bị những khẩu súng Gatling đang bay vòng vòng trên khu vực phía bắc của phi trường vãi đạn xuống. Phải tận mắt nhìn thấy cái cảnh tượng ấy trong đêm, bạn mới có thể thấy nó khủng khiếp đến mức nào. Giống như có một cái lưới bằng lửa đang chụp xuống mặt đất, với những đường đạn nối nhau không dứt như cái máy bay đó nối với mặt đất bằng một tấm màn bằng lửa vậy. Tôi đã đứng đó, nhìn thấy chiến tranh diễn ra ngay trước mặt, với một ly bia trong tay. Tôi quay xuống phòng mình để lấy một ly bia khác và khi quay lên thì chiếc C-119 đã bị bắn rơi. Nó đã bị một quả tên lửa đất đối không do Mỹ chế tạo bắn trúng".
Các phi công của Air America tụ tập trên sân thượng, như thể là họ đang tham dự một bữa tiệc cocktail và họ đã cùng nhau chứng kiến cuộc chiến tranh diễn ra trong suốt buổi sáng hôm ấy.
Ai đó bê ra một cái bàn và bắt đầu bày lên đó mấy chai rượu. Những người làm việc cho sứ quán Mỹ hoặc CIA đã có tên trong danh sách sắp sửa ra đi rất vui lòng để lại cho các phi công phải ở lại gia tài rượu của họ. Chẳng mấy chốc, cái bàn dài đã oằn mình dưới sức nặng của hàng đống những chai Courvoisier hay Jack Daniel. Một tiệc rượu Thánh cuối cùng.
"Sau cùng thì mọi việc có vẻ cũng không đến nỗi tồi tệ lắm", Lannin nói. "Tôi đi xuống dưới và cố gắng ngủ nhưng quả thật là khó có thể ngủ được trong tiếng pháo kích như thế".
Hầu hết các phi công quyết định ở lại trên sân thượng. Kenyon có một máy bộ đàm và thường xuyên liên lạc với phi trường. Một nhân viên kiểm soát không lưu mệt mỏi gặp khó khăn trong việc cho các phi đội máy bay cất cánh. Chỉ có hai phi công Air America trực ở sân bay khi cuộc pháo kích bắt đầu và tình hình ở đó cực kỳ hỗn loạn. Thùng nhiên liệu máy bay, bom chưa lắp, các trang thiết bị la liệt ở khắp nơi, trong khi các trực thăng của không quân Nam Việt Nam hỏng hóc đỗ đầy trên đường băng. Một chiếc phản lực F-5 bị để lại trên đường dẫn ngay phía trước một cái cầu thang di động dùng để lên máy bay mà động cơ của nó vẫn còn đang hoạt động. Các phi công bị kẹt lại tại tòa nhà USAID được thông báo rằng cứ ở lại đó chờ cho tới khi có thể tổ chức được các trực thăng tới để bốc họ đi.
Mãi tới 8 giờ rưỡi sáng 29/4, bộ phận thực hiện chiến dịch mới thực hiện việc đưa các phi công ra khỏi sân thượng của tòa nhà. Kế hoạch sử dụng các máy bay của Air America để di tản ban đầu định chia làm hai phần liên tiếp nhau, với việc các xe ô tô sẽ tới những địa điểm ở trong khu trung tâm thành phố đón người đưa tới phi trường. Song do một số lượng lớn các phi công bị kẹt lại ở trụ sở USAID nên khi các ô tô bắt đầu hành trình thì mới có rất ít trực thăng có thể cất cánh được. Hơn nữa, một số thang di động lên xuống máy bay bị hỏa tiễn bắn trúng, và một nhóm lính dù Nam Việt Nam đã cướp 4 chiếc trực thăng khiến cho công việc bị chậm trễ.
(Theo Thanh Niên)