"Lúc 9h30, Reed Chase tới, nói anh ta nghe có tin rằng tướng Giáp đã bị ám sát, và rằng các đơn vị quân đội giải phóng nay đã ở Bắc Việt. Nếu đúng như vậy thì đây là tin tức tốt đẹp nhất vào lúc này", Fred Fine viết trong nhật ký. "Trong thành phố, không ai có thể ngủ yên lành, nếu như quả thật có ai đó có thể ngủ. Tốt nhất là hãy ở phi trường, nhưng lại không kiếm được giường nằm... Tàu có mặt khắp nơi ngoài bờ biển Vũng Tàu. Bốn chiếc lớn cùng với các tàu hộ tống".
"Ngày 24/4: Cứ tưởng quân giải phóng tấn công vào lúc 6 giờ sáng, nhưng điều đó không xảy ra. Lại nghe tin người bị bắn là tướng Trường Chinh (ở đây người viết nhật ký nhầm lẫn về chức vụ) chứ không phải là tướng Giáp", Fred Fine viết. "Người Mỹ bắt đầu vạch các ký hiệu hạ cánh cho máy bay trực thăng tại phi trường. Họ di chuyển rất nhiều công trình xây dựng, ủi đổ nhà, dọn dẹp những khu vực bẩn thỉu, chặt cây cối và các cột điện thoại... Hàng trong PX (cửa hàng của quân đội Mỹ) chỉ bán nửa giá, thậm chí còn rẻ hơn. Không có bia Mỹ để bán, một thảm họa! Cả rượu vang và rượu mạnh cũng vậy".
"Ngày 25/4: Nghe nói nhiều thành phố ở Nam Việt Nam bị ném bom từ mấy hôm rồi. Sáng nay, hàng trăm dân di tản Việt Nam vây quanh cổng chính sân bay. Từ tuần trước, ở đây đã như vậy. Trong suốt 6 ngày qua, trên sóng FM 99,9 Hz của đài Sài Gòn không hề có tin tức nào. Rất dễ bực tức. Vả lại, không biết liệu chúng tôi có thoát khỏi Nam Việt Nam an toàn hay không. Khi bay, chúng tôi luôn bị đe dọa bởi tên lửa phòng không SA-7 "Strella" và có rất nhiều vị trí mới, không được chỉ dẫn mà phi công của Air America phải bay. Đã thấy xuất hiện cả súng 57 mm ở cách sân bay có 8 dặm. Thật tuyệt! Có thể còn có nhiều đơn vị khác hiện ở quanh Sài Gòn. Trong nhiều tuần, hầu hết chúng tôi đã sống du mục với một cái túi xách của hàng không luôn bên mình. Tất cả mọi tài sản đã được gửi đi, vứt đi hoặc trong chiếc va-li ở sân bay. Nghe nói có tàn sát ở Phnom Penh, chặt đầu công khai. Có thêm cái để mà nghĩ".
"27/4: Căng thẳng. Rất nhiều tin đồn. Rằng phi trường Tân Sơn Nhất sẽ bị đóng cửa và chúng tôi không thể bay ra ngoài được. Rằng 200 cảnh sát ở Ban Mê Thuột bị bắn...".
Sau ba năm rưỡi, ba quả rocket đầu tiên đã bắn vào Sài Gòn. Quá nửa đêm, lại thêm bốn quả nữa. Quân giải phóng đã tiến công mạn bắc Sài Gòn, ở khu vực Tân Cảng, ném bom Tân Sơn Nhất và bắt đầu bắn phá các căn cứ không quân, coi đó là dấu hiệu mở đầu cho cuộc tiến công cuối cùng.
"Sang ngày 28/4, phi trường phải chịu sự không kích nặng nề. 18h00: một phi đội gồm 5 chiếc phản lực A-37 (do quân giải phóng chiếm được của quân Việt Nam Cộng hoà) trang bị loại bom MK 81 đã không kích khu vực đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất", báo cáo của cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ DAO sau cuộc tấn công cho biết. "Sáu quả đã rơi trúng khu vực đỗ máy bay của không quân Sài Gòn, phá hủy nhiều chiếc, trong đó có ít nhất 3 chiếc AC-119 và vài chiếc C-41. Hai quả bom khác rơi trúng khu vực nằm giữa Trung tâm Chỉ huy và đài kiểm soát. Không có máy bay nào của không quân Mỹ bị hư hại".
Fred Fine ghi nhận: "Ngày 28/4, 6 giờ 20 phút chiều, lấy xe của Reed Chase. Bỏ cái túi xách hàng không lại phòng ở rồi lái xe tới phi trường. Khi cách cổng phi trường khoảng 100 yards (khoảng 90 mét), tôi nghe thấy 6 tiếng nổ lớn của loại bom 500 pound. Những chiếc A-37 của không quân Việt Nam Cộng hoà trong tay quân giải phóng. Ba người Mỹ trên chiếc xe chạy đằng trước bỗng nhào ra khỏi xe với vẻ hoảng sợ, bò lổm ngổm trên vỉa hè về phía sau đuôi xe của họ".
"Tôi lái xe tới gần và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Họ nói cái gì đó tôi không hiểu được. Tôi hỏi lại và một người trong bọn hét lên: 'Có tiếng súng bộ binh'. Tôi không nghe thấy gì hết. Cả đại úy John Fenburg đi cùng tôi cũng vậy. Những người lính quân cảnh ở Sài Gòn chạy tới và nói bọn tôi nên rời khỏi đấy. Một chỉ dẫn thật thông minh, tôi nói. Tôi lái xe qua thảm cỏ phân cách sang bên đường ngược chiều rồi quay đầu xe về thành phố. Cả hai chúng tôi đều nghi ngờ về chuyện có tiếng súng bộ binh và quân giải phóng đã có mặt tại khu vực này của thành phố. Đến nửa đường về thành phố, xe của tôi sa vào một đám tắc đường. Rất nhiều xe quay đầu 180 độ và phóng ngược ra phi trường. Điều đó cho thấy hoặc là vụ tắc nghẽn giao thông này rất khủng khiếp, hoặc là đã có những hoạt động quân sự trong thành phố".
"Ngay trước khi sa vào đám tắc đường, có thể nghe thấy hàng loạt tiếng nổ và trông thấy những loạt đạn súng phòng không nhằm vào hai chiếc A-37. Những loạt đạn này không trúng mục tiêu. Không muốn rúc vào đám tắc đường lâu hơn hoặc sa vào những cuộc đụng độ, tôi quay đầu xe một lần nữa và trở lại 249, khu nhà của Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID, nơi có khoảng 40 phi công và nhân viên giám sát của Air America. Đó là một tòa nhà 7 tầng nằm cách phi trường khoảng 1 km. Tôi lên sân thượng và có thể quan sát thấy rất nhiều đám cháy cũng như khói đen kịt bốc lên từ phía sân bay".
"Lệnh giới nghiêm lúc 24 giờ đã khiến cho người dồn cục lại ở 259. Quả là sáng suốt khi để cái túi xách hàng không với hộ chiếu, sổ ghi séc, tiền và các vật dụng giá trị khác ở lại 87 Nguyễn Đình Chiểu. Tìm được một chiếc giường để ngủ chung cùng đại úy Fred Stiklel và các phi công lái trực thăng khác. Gặp tướng Dương Trọng Phương. 7 giờ 30 tối. Một vụ nổ khủng khiếp cách khoảng 10-15 dặm về phía đông bắc. Có thể là khu kho Long Bình. Nổ thế mới là nổ chứ! Đơn vị 112 của chúng tôi di chuyển. Đứng trên sân thượng có thể quan sát thấy khá rõ rất nhiều vụ nổ khác trong đêm. Tất cả các phi công của Air America vẫn bị mắc lại tại chỗ. Một số ở ngoài sân bay".
(Theo Thanh Niên)