Máy bay của Air America chở người di tản khỏi Sài Gòn năm 1975. |
Điều này rõ ràng nằm trong ý định của viên đại sứ Mỹ muốn lấy lòng giới truyền thông và giữ cho họ im lặng về việc ông ta tiếp tục khước từ ra lệnh tiến hành một chiến dịch di tản toàn diện. Trong mấy ngày sau đó, các chuyến bay của Air America đã di tản trót lọt hơn 600 người mà không hề có thông tin nào bị rò rỉ. Giai đoạn đưa những người làm trong ngành truyền thông khỏi Sài Gòn có lẽ là một trong những giai đoạn thành công nhất trong chiến dịch di tản do sứ quán Mỹ thực hiện.
Ngoài ra, cũng có một chuyến bay bí mật khác của Air America bay sang Thái Lan, mang theo gia đình của nhân viên kỹ thuật do CIA đào tạo và làm việc cho Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hoà. 143 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã có mặt trên chuyến bay này. Có vẻ như trong giai đoạn đầu của chiến dịch, những người không thuộc diện "nhạy cảm" ra đi nhiều hơn những người thuộc diện này. Kể từ ngày 20/4, mỗi ngày có từ một đến hai chuyến bay mà hầu hết hành khách đều là bạn bè hoặc người quen của các nhân viên văn phòng tuỳ viên quân sự, những người nôn nóng muốn rời VN. Những chuyến bay đều đặn của Air America được thể hiện trong nhật ký của Fred Fine.
“Ngày 21/4: Hôm nay, Jim Voyles trên một chiếc Volpar bị bắn ở vùng ngoại ô Phan Rang. Phát tín hiệu cấp cứu. Tôi gọi một chiếc trực thăng nhưng rồi anh ta đã hạ cánh được ở Vũng Tàu. Càng tốt, thế là có cơ hội để đi tắm biển! 10h30’ sáng nay, máy bay C-130 và 7 chiếc Joly Green (loại máy bay lớn của không quân Mỹ) chuyển ra đảo Côn Sơn, hướng về phía đông bắc. Có cảm giác thanh thản. Hạm đội 7 đã có mặt trong vùng”.
Đêm 21/4, các máy bay C-46 và C-47 của Air America bắt đầu đưa các nhân viên một đài phát thanh tuyên truyền của CIA ra đảo Phú Quốc. Ngay trong nội bộ CIA, đài phát thanh tuyệt mật này cũng chỉ được gọi với mật danh “Nhà số 7” bởi phòng bá âm của nó đặt tại một ngôi nhà cũ nát ở số 7, Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Máy bay đưa ra đảo cả thảy 144 nhân viên người Việt làm việc cho đài cùng với gia đình họ. Sau 4 ngày, các máy bay của Air America đã chuyên chở được hơn 1.000 người, sau đó họ được đưa tới Guam. Toàn bộ chiến dịch di tản nhân viên này chỉ là một nỗ lực của một sĩ quan CIA, người đã gạt sang một bên tất cả những trở ngại do thói quan liêu gây nên. Có lẽ anh ta làm vậy bởi rất có cảm tình với hai nữ phát thanh viên rất gợi tình của đài này, những người thường xuất hiện trên sóng phát thanh dưới tên gọi “Mẹ Việt Nam”.
“Ngày 23/4: Tình hình vô cùng căng thẳng. Một điều gì đó sắp xảy ra”, Fred Fine viết trong nhật ký. Điều đáng ngạc nhiên là các phi công của Air America vẫn tiếp tục ở lại. Quả thật, nhiều người trong số họ không nghĩ rằng Sài Gòn sẽ nhanh chóng sụp đổ và thậm chí còn cho rằng tình thế có thể biến chuyển ngược lại, thế nhưng, cũng có những người muốn chứng kiến mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, muốn đi đến cùng của các sự kiện.
Toàn bộ các căn cứ của Air America ở Đông Nam Á bao gồm Viên Chăn (Lào), Udorn (Thái Lan), thậm chí cả ở Tachinawa (Nhật) đã đóng cửa. Giờ đây, Sài Gòn đang bị vây kín bởi 12 sư đoàn quân giải phóng và các phi công biết rõ điều đó.
“Điều nặng nề nhất trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn là chúng tôi biết rằng nó đang tan rã”, Wayne Lannin nói. “Bạn muốn rời đi và mặc kệ tất cả những gì đang diễn ra, bạn biết rõ rằng bạn có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Thế nhưng lòng tự ái cá nhân vẫn ngăn cản không cho phép bạn rời khỏi đấy”.
Chỉ còn các máy bay của lính thuỷ đánh bộ và không quân Mỹ tiếp tục thực hiện những đợt di tản cuối cùng. Những hoạt động này được thực hiện tốt hơn nhờ các phi công của Air America đã tạo lập và sơn sẵn các tín hiệu hạ cánh, hầu hết là trên các nóc nhà khi cần thiết. Những người này được đưa tới các điểm hạ cánh của lực lượng lính thuỷ đánh bộ và không quân, nơi các máy bay lớn hơn sẽ đưa họ đi tiếp.
Chỉ trong vòng một tuần, tỷ lệ đổi tiền đã từ 200 đồng/USD tăng lên thành 4.500 đồng/USD. Các nhân viên có kinh nghiệm của Air America, những người đã trải qua những hoàn cảnh tương tự, mang tiền USD của họ đổi lấy tiền đồng Nam Việt Nam, sau đó tới khu buôn bán của thành phố mua vàng hoặc nữ trang. Công việc mua bán trong thành phố vẫn diễn ra như thường lệ.
Nhưng đó lại là thời kỳ khó khăn đối với gái làm tiền. Các đơn vị lính Mỹ rút đi đã để lại một số lượng lớn gái mại dâm. Một phi công của Air America có thể đi chơi đêm và với tỷ giá đổi tiền trên thị trường chợ đen như vậy, anh ta có được một cô gái đẹp chỉ với 66 cent nếu như đi “tàu nhanh” và 1,11 USD nếu qua đêm. “Chỉ với 10 USD, anh ta có thể chết trong hoan lạc!”
Các phi công của Air America có tiếng đến nỗi họ được coi như có hẳn một được dây để đưa người thoát ra khỏi Việt Nam. “Ngày nào cũng có người tới nhà, hầu hết đều là những người lạ hoắc, nhờ vả đưa họ ra đi”, một phi công kể lại. Một số người Mỹ đã tìm ra cách đưa những người Việt Nam vào diện di tản và một vài viên phi công của Air America đã kiếm bộn tiền.
Khi ấy, có rất nhiều người Việt Nam giàu có muốn trả những khoản tiền lớn chỉ để ra đi ngay.
“Một số phi công của Air America đã đăng ký cho ba chục, bốn chục thậm chí năm chục người ra đi chủ yếu vì tiền”, Mel Cooper, một phi công lái trực thăng cho Air America nói. “Để đảm bảo như vậy, các phi công phải ký vào một bản cam đoan chịu trách nhiệm về mặt phúc lợi xã hội cho những người này ở Mỹ và rằng những người này sẽ không tìm kiếm khoản trợ cấp khi họ đến Mỹ. Các phi công đã ký vào những bản cam đoan để kiếm tiền bởi họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm về chuyện đó. Tôi cho rằng những bản cam đoan đó được giữ lại ở sứ quán Mỹ và không bao giờ ra khỏi Việt Nam.
(Theo Thanh Niên)