Sứ quán Mỹ sau cuộc di tản. |
Họ cho là có thể quân đội Sài Gòn cuối cùng đã gượng lại được. Trong các phi công xuất hiện một tâm trạng lạc quan sai lầm bởi vì thực ra ông đại sứ Mỹ chẳng biết gì hết và quân đội Sài Gòn cũng không gượng lại được.
"Quân giải phóng đã dồn quân đội Sài Gòn vào chân tường và sau Sài Gòn, sẽ chẳng còn nơi nào để binh lính Việt Nam Cộng hòa trốn chạy nữa", Art Kenyon nói. "Tôi đã cho rằng các đơn vị bộ binh của quân đội Sài Gòn có thể gượng dậy và chống cự bởi họ biết rõ rằng họ không thể chạy xa hơn được nữa. Tôi cũng có cảm giác rằng quân giải phóng muốn chiếm được Sài Gòn một cách nguyên vẹn chứ không muốn có trong tay một thành phố đã bị phá hủy. Khi ấy, cũng như những nhận định sai lầm của vô số các sĩ quan tình báo khác, tôi đã tin rằng rồi một liên minh sẽ được tái lập và tôi chẳng hề vội vã chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Nhưng rồi trong hai tuần lễ cuối cùng, tôi mới thấy hóa ra mọi việc chẳng hề giống như tôi đã dự đoán".
Tâm trạng lạc quan cũng có ở ông đại sứ Mỹ, bất chấp sự suy sụp và thất vọng, vẫn hy vọng rằng cuối cùng sẽ có một giải pháp chính trị và vì vậy, ông ta đã hoãn lệnh di tản chậm đến hết mức có thể bởi sợ rằng nó sẽ gây nên tâm lý hoảng loạn. Phương án IV (Option Four), mật danh của cầu hàng không di tản với sự tham gia của một số lượng lớn trực thăng, chỉ được coi là cách bất đắc dĩ sau cùng.
Bị ru ngủ bởi cái cảm giác an toàn lan tràn trong hàng ngũ các quan chức cấp cao, nhiều phi công của Air America đã mất tất cả những gì họ có. "Tôi đã hợp đồng với một công ty vận chuyển khoảng một ngàn pound hàng hóa trị giá gần 2.000 USD, nhưng hợp đồng này đã không bao giờ được thực hiện", Art Kenyon nói.
Anh ta cũng bị mất một ngôi nhà lớn với đồ nội thất đắt tiền, một trang trại trồng cây ăn quả, 2 xe hơi và một chiếc mô tô, giá trị tổng cộng vào khoảng 104.000 USD. Anh ta được Air America bồi thường có 12.000 USD, thêm 9.000 USD nữa bằng tiền mặt do bán đổ bán tháo những đồ vật đã bị hư hại.
Người chỉ huy chiến dịch di tản của Air America đã thông báo cho 34 phi công vẫn còn ở lại Sài Gòn biết về chiến dịch di tản trên các mái nhà trong Phương án IV. Lính thủy đánh bộ đã thảo một kế hoạch sử dụng các xe buýt và một số ít trực thăng gom những hành khách đặc biệt từ một số điểm phân bố rải rác tại thành phố trong "Ngày E", đưa họ tới các địa điểm chờ ở Tân Cảng và phi trường Tân Sơn Nhất. Trên mái bằng của 13 tòa nhà sứ quán trong thành phố, người ta phá bỏ các ống khói cũng như cột ăng ten để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Đề nghị vạch chữ H trên mái bằng của các tòa nhà để các máy bay trực thăng xác định được chính xác kích thước của mái nhà khi hạ cánh đã bị đại sứ Mỹ bác bỏ với lý do chúng có thể khiến cho những người giúp việc và lao công hoảng sợ khi họ leo lên mái để lau dọn. Cuối cùng thì người ta thay ký hiệu đường thẳng bằng những dấu chấm. Người chỉ huy chiến dịch nói rằng bất cứ phi công nào của Air America cảm thấy chiến dịch này quá nguy hiểm đều có thể từ chối không tham gia. Có ba phi công đã làm như vậy.
Ngày lại ngày, sự căng thẳng bên trong thành phố cứ tăng dần lên. Đại úy phi công Fred Fine (tên trong khi tác chiến của "Big" Fred Walker) bắt đầu ghi nhật ký từ giữa tháng 4/1975. Đó là một biểu đồ hàng ngày mô tả cuộc sống bấp bênh, đầy rẫy những tin đồn và nguy hiểm ngày càng tăng lên trong thành phố.
"Ngày 15/4: 10 giờ 30 phút đêm. Một tiếng nổ cực lớn làm rung chuyển tòa nhà chúng tôi đang ở. Kho đạn ở Biên Hòa bị nổ rồi. Sau đó là những tiếng nổ lớn khác nữa. Hôm nay, nghe đồn rằng tàu bè di tản ở Vũng Tàu đã rời đi Philippines. Sẽ di tản tất cả những người Mỹ hoạt động công khai trong vòng 7 đến 10 ngày".
4 ngày tiếp theo đó trong cuốn nhật ký kể về việc quân giải phóng tiến về từ khắp mọi hướng, nhiều sư đoàn áp sát thành phố ở phía bắc, tây và tây nam, Phnom Penh sụp đổ và những sự phân công nhiệm vụ trong tình huống di tản khẩn cấp.
Sáng 16/4, một nhân viên bán quân sự của CIA có biệt danh Lew James đã bị quân giải phóng bắt giữ khi họ tràn vào thành phố biển Phan Rang. Thoạt tiên, có tin ở Sài Gòn rằng James hoặc đã trốn thoát hoặc đã bị giết chết và vụ bắt giữ anh ta đã không được loan báo trên đài. Khi thông tin về việc biến mất của James tới tai những đồng nghiệp của anh ta, Air America đã sử dụng các máy bay và trực thăng tiến hành một chiến dịch tìm cứu mạo hiểm trong hai ngày sau đó.
Các máy bay của Air America đã chà xát những tuyến đường dọc theo vùng bờ biển, nơi các đơn vị quân giải phóng đang nhộn nhịp di chuyển. Khi một chiếc máy bay Volpar sà xuống quá thấp trên một khu vực có quân đội đối phương, cánh máy bay đã dính một số phát đạn AK-47 từ dưới bắn lên. Viên phi công đã buộc phải cố gắng hạ cánh xuống một bãi biển cách nơi trúng đạn vài dặm và đội bay cùng với các nhân viên CIA trên máy bay sau đó đã được một máy bay Huey khác của Air America tới cứu thoát. Không có thương vong nhưng sau đấy, chiến dịch tìm cứu đã bị ngừng lại ngay ngay lập tức.
Lew James được đưa ra Hà Nội, nơi anh ta bị thẩm vấn và xác định rõ là nhân viên của CIA. Hơn sáu tháng sau ngày 30/4, anh ta được trả tự do.
(Theo Thanh Niên)