Những phi vụ cuối cùng của biệt đội bay CIA ở VN (5)
Một máy bay của không lực Mỹ chở khoảng 300 trẻ em mồ côi sang Mỹ để các gia đình nhận làm con nuôi đã lao xuống đất, cách sân bay Tân Sơn Nhất gần một dặm. Chỉ 120 em nhỏ sống sót.
Cánh cửa khoang chở hàng bị bung ra khi chiếc máy bay này cất cánh, trong khi dây dẫn điều khiển bị kẹt khiến cho viên trưởng cơ không thể nào nghiêng được cánh trong khi bay trừ khi thay đổi công suất. Khoảng năm chục người lớn và trẻ em ở trong khoang dưới đã chết vì thiếu dưỡng khí ngay khi giảm áp, trong khi những người khác bị hút ra phía cánh cửa khoang chứa hàng mở toang. Phi công cố gắng đưa chiếc máy bay quay lại sân bay, nhưng không thể nào nghiêng sang trái để thực hiện điều đó, chiếc phi cơ mất độ cao. Viên phi công cố gắng giảm công suất để hạ cánh, suýt chút nữa thì đâm thẳng xuống một con kênh.
Khi chiếc trực thăng tiếp đất, một số bộ phận của nó văng tứ tung, trong đó có cả vỏ động cơ và bánh. Nó chồm qua con kênh, đáp xuống một bãi lầy với tốc độ thấp nhất có thể. Hai bên cánh máy bay bị gãy và nó dừng lại được trong khi nước bắt đầu tràn vào trong khoang. Mũi trực thăng văng ra giết chết viên phi công phụ, nhưng phần thân vẫn còn nguyên và bộ phận cửa cấp cứu có thể mở ra được.
Khi vụ tai nạn xảy ra, một chiếc trực thăng của Air America đang bay ở gần đó và nó ngay lập tức bay tới hiện trường. Những chiếc khác theo sau và Art Kenyon, khi đó không ở trong phiên trực, đang ra bên ngoài sân bay để nhận thư, đã tình nguyện đảm nhiệm vai trò của viên phi công phụ. Khi kể lại sự kiện này, anh ta vẫn không giấu nổi nỗi xúc động.
"Khi tôi tới nơi thì những người bên trong máy bay đã mở được cửa cấp cứu khẩn cấp. Một thanh niên đang đứng, trên tay bồng một đứa nhỏ. Trực thăng không thể nào hạ cánh xuống được đầm lầy; nó chỉ có thể treo là là, cố giữ khoảng cách đủ để không bị đầm lầy nuốt lấy. Cũng thật khó khăn khi phải đi bên dưới một chiếc trực thăng đang treo trên không như vậy; bạn sẽ di chuyển rất khó khăn trong khi cả một cơn lốc xoáy do những cánh quạt máy bay tạo ra ập vào người bạn. Tôi nhảy ra khỏi chiếc trực thăng của mình, bùn ngập tới đầu gối và bắt đầu cố gắng di chuyển về phía chiếc phi cơ gặp nạn.
Một lính Mỹ với khuôn mặt đầy máu, tôi nghĩ có lẽ anh ta là thượng sĩ, chuyền hai đứa trẻ cho tôi. Tôi bế mỗi đứa bằng một tay và cố gắng quay trở lại chiếc trực thăng vẫn đang treo lơ lửng trên đầm lầy, thế nhưng sức nặng của bản thân cộng thêm 2 đứa bé khiến chân tôi dần dần bị hút chặt xuống bùn. Bùn dâng dần lên tới nách, tôi bắt đầu chới với. Cuối cùng thì một ai đó đã tới và đỡ giúp tôi một đứa bé, tôi bế đứa còn lại và cố gắng trồi lên, thoát ra khỏi chỗ bùn lầy.
Tôi vẫn còn nhớ một hình ảnh kinh hoàng sẽ còn ám ảnh tôi mãi mãi. Một bé gái, chừng 4 tuổi, hai chân đều đã bị cắt đứt, bị kẹt giữa thân máy bay, máu tuôn xối xả. Tôi cứ nhìn cái phần còn lại của cơ thể đứa bé ấy đang chết dần... Thật khủng khiếp".
Những người tới tiếp cứu cố gắng đưa một người Mỹ mặc đồ dân sự, toàn thân đầy máu, ra khỏi chiếc máy bay bị nạn. Cứ mỗi lần nhích ra được một chút, anh ta lại thét lên vì đau đớn. Một ai đó đã kê một chiếc gối bên dưới đầu để anh ta khỏi bị chìm xuống bùn. Lúc ấy, họ cũng đưa ra khỏi máy bay xác một nữ y tá đi theo chăm sóc cho bọn trẻ đã chết trong tai nạn. Trong tiếng gầm đinh tai nhức óc của cánh quạt trực thăng, người đàn ông bắt đầu rống lên. - Anh đang làm cái quái gì vậy? - Người y tá kia kìa, cô ta chết rồi. - Đừng để ý đến cô ta làm gì nữa. Còn cả đống người sống ở đây này. Hãy cố gắng đưa những người còn sống ra khỏi máy bay đã.
Trong tổng số 300 trẻ em trên chuyến bay này chỉ có khoảng 120 em được cứu sống, mặc dù hầu hết đều bị thương. "Có một phần của chiếc máy bay bị vỡ ra và những em ngồi tại khu vực đó đã sống sót", Kenyon giải thích. "Một số bị xây xát trên mặt, miệng mũi đầy máu, nhưng tôi thấy không có em nào bị thương nặng cả".
Điều lạ lùng là không một đứa trẻ nào ngay cả những đứa bé sơ sinh bật khóc. "Thật kỳ quặc. Bọn trẻ hoàn toàn yên lặng", Kenyon nói. "Không một đứa nào thút thít hay rên rỉ. Hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động. Cứ như có ma vậy".
Bọn trẻ được máy bay đưa về lại sân bay Tân Sơn Nhất. Một nhân viên CIA có mặt tại đó kể lại: "Khi bọn trẻ được đưa ra khỏi trực thăng vào trong các xe cứu thương, không một ai biết chắc rằng bọn chúng còn sống hay đã chết. Hầu hết bọn chúng đều bê bết bùn từ đầu tới chân và chỉ sau khi chúng được đưa ra khỏi xe cứu thương, chúng tôi mới bắt đầu xác định tình trạng của bọn chúng. Các y tá chỉ việc đưa chúng xuống dưới vòi nước để gột rửa hết bùn đi rồi khi ấy mới nói: Đứa này còn sống; đứa này đã chết.
Sau một lát, tôi cùng với mấy người Mỹ khác bắt đầu dồn những đứa trẻ không bị thương lên xe Jeep và xe ca để đưa chúng trở lại nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Nhiều đứa vẫn còn sợ đến nỗi chúng không thể khóc được. Trên tay chúng tôi, nom chúng như những miếng giẻ bé xíu và mệt lả.
Không một đứa nào có biển tên mà chỉ có những vòng cổ tay ghi những cái tên đơn giản như New York, New Jersey, đại loại như vậy. Đấy là tên những bang của nước Mỹ nơi chúng đáng lẽ sẽ tới để được nhận làm con nuôi. Vấn đề khó khăn lớn đối với chúng tôi khi đó là xác định chính xác xem những đứa trẻ sống sót có tên là gì. Trong suốt cả buổi chiều hôm ấy, tôi phải đối chiếu những chữ ghi trên vòng đeo tay của bọn trẻ với tên có trong danh sách, sau đấy thảo những bức thư để thông báo cho các gia đình ở Mỹ biết rằng những đứa trẻ mà họ định nhận làm con nuôi đã chết".