Trên con đường phía trước tòa nhà trụ sở USAID có một đám đông hàng ngàn người, được trang bị vũ khí và trong tâm trạng tuyệt vọng cùng cực, cố gắng đột nhập vào bên trong tòa nhà.
Trưởng trạm CIA Sài Gòn Thomas Polgar rất lo lắng về việc di tản một nhóm khoảng ba chục người Việt Nam, bao gồm bạn bè và những người mà ông ta đã hứa sẽ giúp đỡ. Polgar đã dặn nhóm người này, gồm các chính trị gia, cảnh sát và một số bạn bè tới tập trung tại nhà riêng của ông ta vào lúc 11 giờ trưa ngày 29/4. Polgar dự tính sẽ tự bố trí cho nhóm người này di tản, thế nhưng, khi thời gian ngày càng trở nên gấp gáp, ông ta lại bị mắc kẹt ở sứ quán Mỹ.
Trực thăng Mỹ trong chiến dịch di tản ngày 29/4/1975. |
Polgar từng làm việc với những người đó nên cảm thấy hết sức thất vọng bởi vì không tìm ra cách nào để cứu giúp họ cả. Tình trạng hỗn loạn khi đó, với những tay súng bắn tỉa có mặt ở khắp nơi khiến cho việc đưa đám người bị kẹt ra khỏi khu vực đó là điều gần như không thể được. Một đồng nghiệp của Polgar gợi ý rằng có lẽ nên liên lạc với đám người đó, bảo họ leo lên sân thượng một tòa nhà cao tầng gần đấy rồi đưa trực thăng tới đón. Thành bại của chiến dịch giải cứu này, viên chỉ huy trạm CIA Sài Gòn đều trông chờ vào một viên phi công dày dạn kinh nghiệm của Air American có biệt danh là T.D.Latz.
Latz là một cựu phi công lái máy bay U-2, chân đi cà nhắc, chột một mắt và rất can đảm. Polgar dùng máy vô tuyến gọi anh ta và sau 20 phút, Latz đã đậu chiếc máy bay của mình xuống nóc sứ quán Mỹ. Anh ta vừa đi vào buồng khách của viên trưởng trạm CIA, vừa lầu bầu gì đó về chuyện nhiên liệu của máy bay.
"Này, tôi muốn anh tới số 6 Quảng Trường Chiến Sĩ và đón ba chục người của tôi ở đó”, Polgar nói. "Được chứ?" Polgar vừa hỏi, vừa nắm chặt tay viên phi công.
Viên phi công biết rằng đậu máy bay xuống nóc nhà ở đó rất nguy hiểm vì diện tích của nó rất nhỏ, đồng thời rất có thể dính đạn từ dưới đất bắn lên. "Được thôi, ông Polgar", Latz đáp. "Nhưng tôi phải mang theo vũ khí cá nhân để đảm bảo an toàn".
Latz leo lên máy bay, bay lòng vòng phía trên khu vực rồi đáp xuống nóc nhà.
Thế nhưng ba chục người Việt đó không thể nào tới được bởi đám đông xung quanh sẵn sàng phá tan ngôi nhà nếu như cổng của nó mở ra. Latz ở lại đó khoảng một giờ đồng hồ, nhưng những người mà anh ta muốn đón vẫn bị kẹt trong đám đông và anh ta buộc phải quay về sứ quán mà không có họ.
"Không có cách nào để đưa được ba chục người này ra", Latz nói với viên chỉ huy trạm CIA Sài Gòn vẻ có lỗi. "Đám lính người Nùng canh gác khóa chặt cổng trước, không chịu mở ra ngay cả khi tôi chĩa cái này vào họ". Latz chỉ khẩu súng anh ta mang theo. "Mà cũng không trách họ được. Có tới 500 người ở bên ngoài đang tìm mọi cách xông vào bên trong. Họ sẽ bị giẫm bẹp ngay trước khi có thể rút được lên sân thượng".
Một nhân viên CIA có mặt hỏi có tiếng súng bộ binh ở đấy không. "Lác đác thôi", Latz trả lời. "Nhưng hầu hết những người Việt đang cố sống cố chết thoát khỏi cái thành phố này sẽ không cho phép chúng ta làm được cái gì hết".
Polgar cố gắng làm giảm căng thẳng bằng một ngụm lớn rượu cognac rồi tiếp tục vạch ra một kế hoạch giải cứu mới. Ba chục người Việt Nam đó sẽ được chỉ dẫn tới một khoảnh sân thượng nhỏ trên nóc một tòa nhà khác gần đó. "Chỗ đấy không đủ rộng để dễ dàng hạ máy bay xuống được đâu, nhưng nếu khéo léo thì có thể đủ để đón Út (tài xế riêng của Polgar) và nhóm của anh ta", một phi công giải thích.
Latz quay lại máy bay của anh ta và bay đến điểm hẹn mới. Sau đấy, anh ta quay lại sứ quán với cánh tay phải đầy máu: "Mẹ kiếp cái bọn di tản", anh ta lầm bầm chửi rủa. "Bọn chúng ép tôi ở trên cái sân thượng đằng đó. Tôi đã phải đấm vào mặt mấy người để buộc họ xếp hàng có trật tự. Đông khủng khiếp. Một số bị trượt chân ngã cả xuống dưới. Tôi thậm chí còn suýt nữa không chui được vào trong máy bay. Nó đậu chênh vênh trên cái mảnh sân bé xíu".
Trong khi Latz thực hiện phi vụ này, một phóng viên đã chụp được ảnh Latz cùng với chiếc máy bay của anh ta đậu chênh vênh trên nóc nhà trong khi hàng người đi di tản đang nối đuôi nhau leo lên sân thượng để tìm cách lên chiếc máy bay cứu tinh. Bức ảnh này đã được đăng trên báo chí khắp thế giới và trở thành một hình ảnh đáng nhớ về những ngày cuối cùng đầy lo âu về sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Trong lúc bối rối, Latz cũng không dám chắc là đã đón đúng được những thành viên thuộc nhóm người mà Polgar muốn hay không.
"Không thấy những người phiên dịch đâu cả", một nhân viên CIA nói. "Có lẽ chúng ta lại phải cố gắng thực hiện một chiến dịch đón người nữa mất".
Polgar không nói gì.
"Tôi không thể nào quay lại đó một lần nữa", Latz nói. "Ngay cả vào ban ngày cũng không dễ hạ cánh xuống một cái sân thượng lạ. Còn khi đêm xuống rồi thì đó là hành động tự sát".
Phần 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11
(Theo Thanh Niên)