Xe tăng quân giải phóng tiền vào Dinh Độc lập. |
"Có thể thấy sân bay Tân Sơn Nhất đang phải chịu những đợt pháo kích nặng nề bởi đại bác 130 mm, hỏa tiễn 120 mm và súng cối. Cuộc pháo kích kéo dài tới 8h30 rồi giảm dần", Fred Fine viết trong nhật ký. "Khu vực cất cánh của Air America bị trúng đạn nặng nề, ba chiếc hỏng nặng và hai chiếc khác hư hại nhẹ. Sau khi vụ pháo kích bắt đầu, rất nhiều máy bay của không quân Nam Việt Nam đã cất cánh mặc dù nhiệm vụ của chúng là để tấn công quân giải phóng từ trên không nhưng chẳng nghi ngờ gì nữa là chúng sẽ lảng dần rồi chuồn sang căn cứ U-Tapao bên Thái Lan..."
"Đến 10h45 thì tôi cũng được báo tín hiệu cất cánh. Nhìn qua cửa kính máy bay, một trong những hình ảnh cuối cùng là đám đông người di tản đang leo lên bức tường xi măng bao quanh khu để máy bay. Tất cả chúng tôi đều trang bị vũ khí và một vài nhân viên hành quân đang đứng canh chừng không để cho một số binh sĩ Nam Việt Nam có vũ trang leo lên những chiếc máy bay của chúng tôi".
"Cảnh tượng hỗn loạn khủng khiếp trên đường băng xung quanh. Những chiếc máy bay bị trúng đạn nằm khắp nơi, một số trực thăng vẫn còn đang cháy, mảnh văng tứ tung. Tôi phát hiện ra một phần đường băng đã bị một chiếc C-130 khổng lồ cháy trụi chắn ngang. Chỉ có một khe hẹp có thể lách qua ở phía đuôi con quái vật khổng lồ đã bị tử thương này. Tôi vòng qua và ơn Chúa, máy bay không hề gì cho tới khi dễ dàng nhấc mình lên không trung".
"Chúng tôi biết rằng máy bay chỉ mang theo 500 galons xăng, có nghĩa là không thể đủ nhiên liệu để bay tới địa điểm có trong kế hoạch là Brunei, cách khoảng 700 dặm về phía đông nam. Chúng tôi cũng không thể tới một đường băng dự trữ cách Sài Gòn khoảng 125 dặm về phía nam để tiếp thêm nhiên liệu cất giấu tại đó trong những tình huống khẩn cấp. Khả năng duy nhất có thể lựa chọn là bay sang Thái Lan, mặc dù chúng tôi biết chắc chắn rằng người Thái chẳng muốn bất cứ một chiếc máy bay nào của Sài Gòn hạ cánh xuống lãnh thổ của họ".
"Khi tôi cất cánh rời khỏi Sài Gòn có 2 chiếc C-46 và một chiếc Volpar bay về hướng lãnh thổ Thái Lan cùng với 4 chiếc C-47 nữa. Những cuộc pháo kích trong đêm 28 đã ngăn cản toàn bộ kế hoạch tiếp nhiên liệu và hầu hết số máy bay của chúng tôi chỉ có thể mang theo rất ít. Chỉ có chiếc C-47 mang số hiệu 083 là có đầy và nó bay đi Brunei".
"Chúng tôi bay dọc theo bờ biển và do phải tiết kiệm nhiên liệu, chúng tôi nín thở bay ở độ cao 8.500 bộ (khoảng hơn 2.700 m) qua vùng châu thổ quân giải phóng đang kiểm soát và hướng ra biển xa khoảng 80 dặm, bay song song cách bờ biển phía tây nam Campuchia khoảng 15 dặm, sau đấy ngoặt vào bờ biển phía tây Campuchia để vào đất Thái Lan, tới U-Tapao. Không gặp bất cứ một rắc rối nào".
"Hạ cánh xuống U-Tapao và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của các nhân viên không lực Mỹ tại đây. Quả thật dễ chịu khi gặp được người quen", Fred Fine kể.
Chiếc C-47 mà Fine kể trong nhật ký là có đầy nhiên liệu và bay đi Brunei chính là chiếc mà Art Kenyon cầm lái. Nhưng đó không phải là một chuyến đi bình an vô sự. Kenyon được một trực thăng đón từ nóc trụ sở cơ quan USAID đưa tới phi trường, trong tay khư khư cái mà anh ta gọi là "bộ đồ chạy trốn", bao gồm một khẩu tiểu liên, một cái cặp tài liệu và một va ly nhỏ, được lèn kỹ càng tiền nong và bộ quần áo.
Những người trên máy bay di tản cùng Kenyon khi đó chủ yếu là những nhân viên mặt đất của Air America. Lúc 11 giờ trưa, họ đưa chiếc máy bay lăn ra đường băng, ngang qua chỗ chiếc C-130 đã cháy trụi. Sau hai giờ rưỡi bay trên Biển Đông, hệ thống dẫn dầu bị bung ra. "Có một tiếng nổ lớn và đường ống dẫn nối vào thùng dầu - nằm ngay phía sau ghế của phi công phụ - bị vỡ", Kenyon kể. "Do áp suất lớn nên dầu lỏng rất nóng, dẫn tới nguy cơ có thể gây cháy trong buồng lái. Khi ấy, trong khoang lái đầy dầu bắn tung tóe, quang cảnh giống như trong một bộ phim về thế chiến thứ nhất mà bạn đã từng xem, khi mặt viên phi công bị phủ đầy dầu".
Đoàn người di tản được hướng dẫn có thể bay tới đâu họ muốn song tốt nhất là hạ cánh xuống Đài Loan nhưng Kenyon đã quyết định sẽ tới Thái Lan. "Sau 5 tiếng rưỡi bay khỏi Sài Gòn, chúng tôi quay lại U-Tapao và cố gắng hạ càng để máy bay có thể hạ cánh khi hệ thống dẫn dầu không hoạt động. Nhưng tín hiệu đèn đỏ báo hiệu không an toàn vẫn sáng. Vậy là nếu hạ cánh chúng tôi sẽ phải chấp nhận nguy hiểm và có thể sẽ không hạ được. Tôi bèn điều chỉnh van xăng đề phòng khả năng khi hạ cánh sẽ bị nguy hiểm.
Đèn hiển thị trong buồng lái báo cho chúng tôi biết rằng một bánh máy bay không bật ra được và giữ ở vị trí cố định, nhưng không rõ đó là bánh nào. Nhìn qua cửa sổ buồng lái có thể thấy một phần của cái bánh, thế nhưng không thể xác định được là nó an toàn hay không. Cả tôi lẫn phi công phụ đều không chắc chắn điều gì đã xảy ra".
Kenyon gọi cho đài kiểm soát và thông báo chuẩn bị hạ cánh khẩn cấp. Như một điềm gở, một chiếc C-47 khác đã bị trượt ra bên ngoài đường băng chạy theo hướng nam và nằm cách vài trăm bộ về phía bên trái. Nếu như bánh bên trái chiếc máy bay của Kenyon không được cố định vào vị trí và bộ phận hãm bị gãy khi hạ cánh thì rất có thể nó sẽ trượt sang phía trái đường băng và đâm vào chiếc C-47 ở đó. Để tránh nguy hiểm, Kenyon lựa chọn phương án hạ cánh xuống sát chiếc C-47 bị nạn, bớt mất một khoảng cách chừng ba ngàn bộ trên đường băng dài mười ngàn bộ.
Nhưng càng máy bay vẫn hạ được và họ đáp xuống an toàn, trong khi đèn đỏ vẫn báo hiệu nguy hiểm. Chiếc máy bay nhanh chóng ngốn hết quãng đường bảy ngàn bộ còn lại trong khi vẫn ở tốc độ cao. Gió không đủ mạnh để cản chiếc máy bay lại trong khi phía cuối đường băng theo hướng nam là vịnh Thái Lan!
Họ cố gắng hãm động cơ, đồng thời quay mũi máy bay. "Khi quay mũi ở đó, máy bay chúng tôi lao ngang qua một bãi thải và ngay khi quay đúng 180 độ, chúng tôi nhìn thấy đường băng chạy theo hướng bắc ở rất gần máy bay. Đúng vào thời điểm ấy thì chúng tôi mới nhận ra rằng không thể hãm cố định bánh sau của máy bay được".
"Chúng tôi tăng công suất của một động cơ và máy bay chạy sang bên phải; tăng công suất động cơ bên kia để bù lại thì máy bay lại chạy sang trái. Tôi ngồi đấy, điều chỉnh hết cái van này đến cái van khác, trong khi máy bay cứ lao ngày càng gần tới đường băng phía trước. Cả hai chúng tôi đều biết rõ là khó có thể làm gì khác để thay đổi tình thế".
"Cuối cùng chúng tôi quyết định tắt động cơ và để cho máy bay chạy tới đâu thì chạy. Lúc ấy, đường băng nằm cách chúng tôi một bãi cỏ rộng, có khả năng sẽ hãm được máy bay. Ngay lúc ấy, một chiếc B-52 cũng đang cất cánh ở phía đối diện với chúng tôi. Nếu như bãi cỏ không hãm được máy bay của chúng tôi thì rất có thể chiếc B-52 sẽ đâm vào chúng tôi từ phía phải. Rồi chúng tôi quyết định khóa tất cả các van và công tắc, mặc kệ ra thế nào thì ra. Trong điều kiện gió thổi giật khá mạnh giúp cho máy bay hướng về cái rãnh và đâm xuống đấy".
Cả Kenyon và viên phi công phụ cắm mặt xuống, nhìn thấy cỏ ngay trước mặt, máy bay chổng ngược lên, lắc lư một lúc rồi lại hạ đuôi xuống, lấy lại vị trí thăng bằng. Cuối cùng thì họ cũng đã tới nơi!
Phần 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9
(Theo Thanh Niên)