Tại sao chúng ta không phân tích hiện tượng xe "rùa bò" để cho xã hội tiến bộ hơn, không ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác và lợi ích của xả hội khi thời gian là vàng bạc.
Ai cũng biết mỗi phương tiện giao khi xuất xưởng đều có thiết kế rõ ràng về sức kéo của động cơ và tải trọng để đảm bảo phương tiện giao thông đáp ứng được nhu cầu di chuyển và chuyên chở với tốc độ quy định bởi luật giao thông đường bộ. Chính vì các nhu cầu đó chúng ta mới có xe con, xe bán tải, xe tải...
Hiện tượng xe "rùa bò" là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam và nếu nhìn kỹ, sẽ thấy đa phần là xe tải. Người Việt chúng ta có thói quen "độ" xe có nghĩa là thay đổi thiết kế về tải trọng của xe để kiếm thêm chút đỉnh tiền vận chuyển.
Khi "độ" xe họ chỉ chăm chú vào việc thay đổi dàn nhún (giảm xóc), cấu trúc chịu lực của xe mà không quan tâm tới các yếu tố an toàn khác. Hệ lụy của việc độ xe tùy tiện dẩn tới việc động cơ không đáp ứng nổi tải trọng khi leo dốc và bắt buộc phải "rùa bò", thế là tốc độ của xe bị ảnh hưởng.
Họ không mấy nghĩ tới việc hao mòn động cơ và các bộ phận phụ thuộc như hộp số và thắng, trục bánh... Ngoài bệnh "rùa bò" nguy cơ bể thắng, bể hộp số, bể lốp... khi đang di chuyển và đặc biệt là khi xuống dốc luôn đặt ra mối nguy hiểm tiềm tàng cho người vận hành phương tiện và những người tham gia giao thông trên cùng một tuyến đường.
Tôi nghĩ, để xã hội tiến bộ hơn và an toàn hơn, hiện tượng xe "rùa bò" phải được các cơ quan có thẩm quyền can thiệp và kiểm tra chặn đứng. Các phương tiện không đủ điều kiện giao thông phải bị cấm lưu thông để duy trì tốc độ giao thông theo luật đường bộ và đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông và con người.
Hòa Lê