Trong sách Những ô cửa gió lộng, tác giả Lưu Tuấn Anh, 58 tuổi, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh, kể kỷ niệm về mẹ, cha dượng - nhà thơ Lưu Quang Vũ hay bố ruột - nghệ sĩ violin Lưu Tuấn. VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần do tòa soạn đặt.
Bản tính của dượng tôi rộng rãi và thích chiều vợ chiều con, và điều này không phụ thuộc vào việc ông có nhiều tiền hay ít. Tôi rất thích tính cách này của ông. Từ những ngày còn nghèo túng, khi có được một khoản nhuận bút nhỏ thôi là ông kéo cả nhà đi ăn phở và khoái trá ngắm vợ con vui. Có khi chỉ một bữa như vậy là nhuận bút của ông hết sạch, nhưng ông cũng không hề đắn đo. Thấy các con thèm được đi chơi mà không có điều kiện đi xa, ông cùng mẹ tôi đạp xe đèo cả ba đứa xuống cảng Phà Đen (giờ là cảng Hà Nội) để các con được ngồi chơi bên sông Hồng, vừa ngắm tàu bè qua lại vừa ăn bánh mì mang theo.
Với các con, ông là người bố hiền lành và dễ tính, thậm chí là quá dễ tính. Cũng giống như mẹ tôi, ông không bao giờ đánh con và nếu phải mắng thì cũng ít khi nói to và dùng những lời gay gắt. Dượng cũng giống hệt mẹ tôi ở điểm rất ghét bạo lực và những gì liên quan tới bạo lực, nhất là chiến tranh. Tôi nghĩ đó là lý do khiến cả ông và mẹ tôi không dùng roi vọt để dạy con. Thấy tôi ham mê tập võ khi lên 18 tuổi, đấm đá huỳnh huỵch, ông tỏ vẻ thất vọng ra mặt nhưng không dám ngăn. Tuy nhiên, ông cũng nói với tôi rằng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là một lựa chọn không thông minh và dễ để lại hậu quả xấu.
Khi chuyển sang viết kịch, công việc triền miên nên dượng tôi ít khi làm việc nhà. Tuy nhiên, ông vẫn dành thời gian giúp mẹ tôi làm một số việc. Và cái việc ông thường làm nhất khi rảnh là xách nước từ tầng một lên nhà. Có những lúc tôi bắt gặp dượng tôi chờ hứng nước bên cạnh mấy cái xô với cái vẻ mơ màng kiểu người ở đây nhưng hồn ở đâu đó. Ông vẫn đang nghĩ ngợi mông lung điều gì đó mà không để tâm vào việc hứng nước. Chắc ông chỉ mong xách nước nhanh cho xong để quay lại với những trang kịch bản.
Cả khu tập thể nhà tôi hồi đó chỉ có một vòi nước duy nhất có nước dưới tầng một và xếp hàng chờ hứng nước là việc rất tốn thời gian. Những người hàng xóm thường chờ cả tiếng để tới lượt mình. Khi có ai đó chen ngang hoặc ăn trộm nước thì chắc chắn sẽ có chuyện không lành xảy ra. Nhẹ thì cãi chửi nhau om xòm, văng đủ các thứ tục tĩu trên đời ra để hạ nhục nhau, còn nặng thì đánh nhau, thậm chí đổ máu nhập viện.
Không giống bất cứ ai trong số họ, dượng tôi khi nhìn thấy hàng xô chậu quá dài là ông lẳng lặng cầm xô đi về. Ông không bao giờ tranh cãi với ai về bất cứ cái gì và cũng đứng ngoài mọi cuộc tán chuyện gẫu trong khu tập thể. Ông chẳng mâu thuẫn cũng chẳng thân với ai trong số các cư dân trong khu nhà.
Khi không hứng được nước ban ngày vì quá đông người xếp hàng hoặc không có nước, ông sẽ chờ tới đêm khuya để lấy nước cho vắng. Nhưng khốn nỗi, có lúc nửa đêm rồi mà hàng xô chậu vẫn dài dàng dặc trong khi vòi nước thì chảy ri rỉ. Thế là trong bộ quần dài và áo may ô ba lỗ, ông cầm hai cái xô sang phố Trần Nhân Tông để hứng nước.
Hồi đó, đối diện với Viện Mắt Trung ương gần ngã tư cắt với Bà Triệu có một vòi nước công cộng thường có nước cả ngày và chảy khá mạnh. Nhưng nó cách khu tập thể 96 phố Huế của chúng tôi tới 250 mét nên xách nước từ đó về tới khu tập thể thì quá mỏi mệt rồi. Ấy là chưa kể phải leo lên vài tầng gác nữa để về tới nhà mình. Vì lý do đó mà cư dân khu tập thể của tôi hy hữu mới ra tận đó lấy nước.
Rồi một đêm hè, mà thực ra là đã hơn 1h rồi, dượng tôi lại quần đùi, áo may ô xách hai xô ra cái máy nước ở phố Trần Nhân Tông. Vừa hứng đầy hai xô định đi về thì ông nghe thấy người ta hô hoán:
''Cháy nhà! Cháy nhà!".
Cách máy nước chỉ tầm hơn 10 mét, một ngôi nhà ngay mặt đường bốc lửa ngùn ngụt. Dượng tôi không chần chừ tạt luôn hai xô nước của mình vào đám cháy và rồi lại chạy về máy hứng nước để tạt tiếp. Một số người đi hứng nước cũng nhảy vào tạt nước cứu cháy cùng dượng tôi và cứ thế họ vật lộn hồi lâu với đám cháy.
Tới gần 4h, dượng mới về nhà cùng hai xô nước với vẻ bơ phờ, buồn bã và thất vọng. Ông kể cho mẹ tôi rằng ông và những người tham gia chữa cháy đã không dập được lửa và toàn bộ những người trong nhà ấy đã chết không còn một ai.
Dượng đi rồi tôi mới nhận ra tôi đã quá quen với sự hiện diện của ông. Tiếng guốc mộc lộc cộc và tiếng nói của ông vẫn văng vẳng đâu đây. Nhiều tháng liền sau cái tai nạn khủng khiếp ấy, tôi vẫn giật mình khi nghe thấy tiếng rít thuốc lào vọng lên từ tầng ba.
"Ôi dượng đã về rồi chăng? Hay là tôi ngủ mê?".
Và cũng không biết bao nhiêu lần tôi chạy ra lan can tầng bốn nhìn qua giếng trời xuống căn phòng của mẹ và dượng. Đôi guốc mộc của ông vẫn để đó bên cửa, còn cái ống điếu thì không thấy. Thì ra thằng Kít đã mang cái điếu của ông vào trong nhà và đang ngồi hút thuốc lào ở đó. Tôi nghĩ nó hút không phải vì thích mà chỉ để làm khuây khỏa nỗi nhớ ông. Và mỗi lần như thế, tôi lại đứng đó hồi lâu nhìn đôi guốc chăm chăm với hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ lại thấy ông đưa mẹ và em Mí tôi về nhà.
Phần 1. Còn tiếp.
Xuân Quỳnh (1942-1988) nổi tiếng với bài Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, tập thơ Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may.
Lưu Quang Vũ (1948-1988) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu nổi tiếng như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita...Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000, còn Xuân Quỳnh được truy tặng năm 2017.
(Trích sách Những ô cửa gió lộng, NXB Kim Đồng)