Ấn phẩm ra mắt dịp 36 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh (29/8/1988-29/8/2024). Tác giả Lưu Tuấn Anh viết những dòng đầu tiên vào mùa thu năm 2004, chín năm sau mới hoàn thiện bản thảo. Anh nói: ''Những câu chuyện trong cuốn sách này là tập hợp các mảng ký ức mà tôi mất nhiều năm hồi tưởng, sắp xếp lại''.
Tác giả từng cho biết thời trẻ mải chạy theo những thú vui riêng, gần như không đọc thơ của mẹ và dượng. Khi họ qua đời, ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, anh giở các tác phẩm, vừa đọc vừa khóc bởi ký ức ùa về. Lúc ấy, anh mới muốn được hiểu mẹ và dượng mình, hối hận vì bản thân vô tâm. Với tác phẩm Những ô cửa gió lộng, anh bộc bạch: "Đây là lời tri ân dẫu muộn màng dành cho những người thân yêu của tôi. Nó cũng là tự sự từ đáy lòng mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc, những người yêu mến mẹ và dượng tôi''.
Sách gồm sáu phần, là những kỷ niệm của tác giả với ''mẹ Quỳnh'', ''dượng Vũ'', bố ruột, Lưu Minh Vũ - con riêng của Lưu Quang Vũ, Lưu Quỳnh Thơ - con trai chung của nhà viết kịch và Xuân Quỳnh.
Nhớ về mẹ, Lưu Tuấn Anh biết ơn di sản lớn nhất mà bà để lại là tình yêu con người, Tổ quốc. Trong ký ức của tác giả, nhà thơ Xuân Quỳnh là người thảo tính, không ưa thói ích kỷ. Bà không phải người hướng ngoại nhưng hay đùa tếu, đi đến đâu cũng mang tiếng cười. Tính hài hước của nhà thơ khiến mọi thành viên trong gia đình đều thấy thoải mái, tuy nhiên sâu trong con người bà là nội tâm âu lo, cả nghĩ. Mãi sau này khi nhà thơ qua đời, tác giả mới biết được những chuyện buồn của mẹ. ''Mỗi lần nhớ tới các câu chuyện cười năm xưa, lòng tôi lại nhói đau'', Lưu Tuấn Anh nói.
Theo lời tác giả, mẹ anh là người trọng tri thức. Nhận thức tầm quan trọng của tiếng Anh, bà quyết tâm đốc thúc con học, định hướng tác giả thi vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Suốt quãng đời học hành của hai anh em đều có mẹ lo toan, dẫn dắt, bởi bà không muốn các con thiệt thòi như mình ngày xưa.
Khi Xuân Quỳnh đến với Lưu Quang Vũ, thời gian đầu, Tuấn Anh chưa quen việc mẹ có chồng mới. Ngày bé, nghe những lời bàn tán của mọi người về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, dù chưa hiểu ngọn ngành, tác giả thấy hoang mang, buồn cho mẹ và chính mình. Tuy nhiên sau khi bà sinh con trai Lưu Quỳnh Thơ (bé Mí), Tuấn Anh mới nhận thấy dượng là người dễ mến, tử tế với vợ con nên ngày càng gần ông. Trong mắt Tuấn Anh, dượng có ''dáng người tầm thước, khuôn mặt phong trần, râu ria không mấy khi cạo nhẵn'', khác biệt với bố ruột anh trên mọi phương diện, từ trang phục, sở thích đến tính cách.
Thành công của vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 giúp Lưu Quang Vũ trở nên ''đắt show'', được nhiều đoàn nghệ thuật đến tận nhà để đặt kịch bản, chấm dứt những ngày tháng thiếu thốn, bị mọi người hoài nghi trước đó. Mỗi khi ra mắt vở mới, Lưu Quang Vũ đều dẫn cả nhà đi xem. Cảnh khán giả vỗ tay không ngớt, nán lại dù vở diễn đã kết thúc khiến tác giả không thể nào quên. Trong lời kể, Lưu Tuấn Anh chưa bao giờ nghĩ dượng có tài như vậy và sẽ đến một ngày được công chúng yêu mến nồng nhiệt. Từ đó anh nhận ra nếu chỉ dựa vào phán xét của đám đông để hiểu một người, sẽ chẳng có cái nhìn nào của riêng mình. Anh cũng thầm khâm phục mẹ bởi sự tinh tế, kiên nhẫn, tin vào bản thân cũng như Lưu Quang Vũ.
Tuấn Anh dành một phần viết về bố - nghệ sĩ violin Lưu Tuấn - người ít được nhắc đến trên sách, báo. Theo tác giả, bố có gương mặt sáng sủa với nét lịch lãm của con trai Hà thành, là người thật thà, thiện tâm, chu đáo với mọi điều nhỏ nhất, không dùng thuốc lá, rượu bia. Sau này học cấp ba, Tuấn Anh mới được biết sự khác biệt khiến bố mẹ không còn sống chung, khi Xuân Quỳnh yêu thơ văn thì nghệ sĩ Lưu Tuấn lại ít quan tâm lĩnh vực này, hay bà quan niệm sống phải có say mê còn ông chẳng có ước mơ.
Sau này, ông Lưu Tuấn dành sự yêu mến đặc biệt cho bé Mí - con trai Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Ông rạng rỡ mỗi khi nghe Mí gọi ''bác Tuấn'', đáp ứng mọi yêu cầu của cháu. Ngày bé qua đời vì tai nạn, khi nhận dạng người thân trở về, Tuấn Anh bắt gặp bố ôm mặt khóc nấc thành tiếng và liên tục gọi: ''Ôi Mí ơi!".
Tác giả từng ước có một người bố giỏi hơn, có thể làm những việc to lớn ngoài xã hội nhưng giờ đây, anh biết ơn số phận vì được làm con của ông. Về hưu, nghệ sĩ Lưu Tuấn trở nên khó tính hơn, song một điều không thay đổi là ông luôn chiều con, coi tác giả như cậu bé thiếu niên ngày nào, chăm sóc từng bữa ăn đến đôi giày.
Xuân Quỳnh sinh năm 1942, nổi tiếng với bài Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa, tập thơ Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita... Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000, còn Xuân Quỳnh được truy tặng năm 2017.
Phương Linh