Các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) được siết chặt hơn từ giữa năm ngoái, sau nhiều vụ cháy lớn. Đồng thời, việc các thông tư hướng dẫn cho Nghị định 136 (có hiệu lực từ đầu năm 2021) rải rác được ban hành trong nửa đầu năm 2022 cũng khiến việc thẩm định PCCC ở các doanh nghiệp bị đình trệ.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM (JCCH), 18 dự án tổng trị giá gần 3.100 tỷ đồng năm ngoái đã bị ảnh hưởng vì những tiêu chuẩn mới của Nghị định 136.
Với quy định mới của Nghị định này, danh mục dự án công trình phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC cùng nhiều tiêu chuẩn cho nhà xưởng của doanh nghiệp tăng hơn trước. Một số yêu cầu về PCCC được cho là khắt khe hơn, thậm chí "cứng nhắc" do bị siết đột ngột.
Trên thực tế, các doanh nghiệp cho biết hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Lý do là có nhiều điểm doanh nghiệp và các cơ quan chức năng chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo quan điểm của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, thông tư mới nhất của Bộ Xây dựng ban hành tháng 6/2022, tiêu chuẩn mới không những không cao, không cứng nhắc mà còn "có những điểm có lợi cho doanh nghiệp".
Đại diện cơ quan này dẫn chứng, quy định mới đã giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa với màng ngăn cháy, vách kính, cửa kính, bậc chịu lửa với nhà xưởng. Tiêu chuẩn về sơn chống cháy - điểm nghẽn lớn được các doanh nghiệp phản ánh - cũng không cao, không mới, các nước trên thế giới, trong khu vực đều áp dụng như vậy.
Mặt khác, theo ông, trong quy định cũng không bắt buộc phải dùng sơn chống cháy, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để thay thế như phun, trát vữa, dùng thạch cao chống cháy hoặc sử dụng các giải pháp kỹ thuật làm mát bằng nước, dung dịch chống cháy. Đơn vị nào xây cột bê tông bằng cốt thép thì không phải sơn mà được nghiệm thu ngay. Việc khó thẩm định sau thi công, một phần do doanh nghiệp đã đi thuê đơn vị tư vấn thiết kế bên ngoài, không theo chuẩn.
"Doanh nghiệp toàn sơn bừa, thi công dự án trước khi có kết quả đốt, chưa có thiết kế tính toán chịu lửa. Từ đó khiến sơn không đạt nên không thể nghiệm thu", đại diện Cục PCCC giải thích.
Cũng theo vị đại diện này, không thể cắt giảm quy định được mà buộc doanh nghiệp phải đáp ứng. "Chúng tôi không thể vừa nghiên cứu, vừa hoàn thiện mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm đáp ứng các quy chuẩn. Nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để khắc phục dần, nhỡ chưa hoàn thiện thì xảy ra hoả hoạn ai chịu trách nhiệm", ông nói.
Ở góc nhìn của mình, các doanh nghiệp cho rằng những quy định được giảm này thực tế không phải mấu chốt trong điểm nghẽn hiện nay. Thay vào đó, quy định mới đã làm phát sinh một số yêu cầu không phù hợp với thực tiễn.
Đại diện một số hiệp hội sản xuất tại TP HCM cho biết các biện pháp thay thế như phun, trát vữa có giá thành rẻ hơn sơn chống cháy đôi chút nhưng nhìn chung vẫn cao, trong khi độ hữu ích, tính thẩm mỹ lại không bằng. Bên cạnh đó, việc thẩm định sơn chống cháy như thế nào là đạt tiêu chuẩn cũng rất khó khăn với nhà sản xuất.
"Quy định đúng, nhưng cần thẩm định nhanh hơn cho các nhà sản xuất vì họ cũng kêu rất khó trong việc kiểm định. Họ có nhiều sản phẩm khác nhau nên không nhất thiết phải làm sơn chống cháy, dẫn đến thị trường khan hiếm, chi phí tăng lên", người này chia sẻ.
Một yêu cầu khác khiến doanh nghiệp sản xuất gặp vướng mắc nhiều là nhà kho, xưởng phải lắp đặt thiết bị hút khói, cung cấp khí tươi nhằm giải quyết bài toán có người bị kẹt lại khi có hoả hoạn.
"Điều này hoàn toàn hợp lý với những công trình có mật độ người sử dụng đông, không gian kín như trung tâm thương mại, cao ốc. Nhưng nhà xưởng rộng, cầu thang nhiều, không có chuyện cháy mà mắc kẹt trong phòng. Nhà kho thì còn không cần thiết hơn vì đấy là nơi lưu trữ hàng hoá", đại diện một doanh nghiệp nói.
Hay với việc bọc bảo vệ kết cấu chịu lực, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nói, trước đó (quy chuẩn 06/2021), dầm, cột có thể bọc bằng cách phun vữa, hoặc thạch cao chịu lực và không cần kiểm định. Nhưng quy định mới nhất (quy chuẩn 06/2022) không đề cập đến những điều này, doanh nghiệp áp dụng biện pháp nào phải chứng minh, thẩm định khả năng chịu lực của phương án đó. Điều này khiến họ gặp khó về kỹ thuật, chi phí phát sinh đội lên cao trong khi cần nhất quán về thẩm định theo quy chuẩn cũ hay hiện hành mới tháo gỡ được vướng mắc.
Doanh nghiệp cũng lo ngại có cách hiểu khác nhau trong khi thực thi các quy định PCCC mới. Như quy chuẩn liên quan đến mái tôn, xà gồ đang có nhiều hơn một cách hiểu khiến hàng nghìn công trình bị tắc, không thẩm duyệt được. Đại diện một doanh nghiệp lấy dẫn chứng: "Với tôn, thế giới không cần đốt để kiểm định, nhưng Việt Nam lại yêu cầu trong khi không có tiêu chuẩn cho việc này, phải đợi cơ quan chức năng xây dựng tiêu chuẩn, quy trình mới thẩm định được tôn công trình".
Việc xác định về chuyên môn liên quan tới "đốt thẩm định" tôn và xà gồ cũng đang có nhiều tranh luận giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng. Vì cách hiểu, giải thích chưa nhất quán nên việc áp dụng mỗi nơi mỗi khác, tạo điểm nghẽn lớn lên nhiều hạng mục công trình.
Quy định mới cho phép bên tư vấn thiết kế có quyền, trách nhiệm chỉ ra hạng mục nào chịu lực khi cháy, hạng mục nào không để tiến hành các biện pháp thẩm định. Tuy nhiên, theo phản ánh, doanh nghiệp nộp hồ sơ thiết kế cho địa phương thì cơ quan chức năng thường không duyệt.
"Họ đề nghị phải có ý kiến một cơ quan chuyên môn xác nhận tính đúng đắn của phương án thiết kế", doanh nghiệp nói và cho rằng, yêu cầu này một mặt không đúng với quy định đã đưa ra, mặt khác, làm khó họ khi không có cơ quan chuyên môn nào được giao quyền cho ý kiến như địa phương yêu cầu.
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ nguyện vọng có quy định thống nhất, rõ ràng trên toàn quốc, thay vì hướng dẫn bằng công văn cá biệt để thuận lợi thực thi.
Trước những vướng mắc trên, nói với VnExpress, đại diện Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (C07 Bộ Công an) khẳng định "sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp đến cùng để tháo gỡ, sớm đưa công trình đi vào hoạt động trở lại".
Trên thực tế, sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 6/4, Công an TP HCM hôm 11/4 đã cho phép nghiệm thu từng phần; công trình đã duyệt theo quy chuẩn cũ chưa phải áp dụng tiêu chuẩn mới.
Công an TP Hà Nội cũng đề xuất 6 giải pháp gỡ khó cụ thể liên quan đến thang bộ, hành lang thoát nạn; kích thước bãi quay, tránh xe; yêu cầu trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy. Tại Đồng Nai, tỉnh có khu công nghiệp thuộc nhóm top đầu cả nước, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cũng gặp trực tiếp hàng chục doanh nghiệp trong nước và FDI để giải đáp vấn đề.
Một doanh nghiệp làm về PCCC cho khu công nghiệp đánh giá, tinh thần tháo gỡ từ các cơ quan chức năng là có, nhưng việc thực thi ở mỗi tỉnh lại khác. "Ở những thành phố lớn, trọng điểm, có thể được gỡ nhanh hơn, còn tại các địa phương họ còn phải nghe ngóng cụ thể, khó giải quyết nhanh được", người này nói.
Phương Ánh - Phạm Dự