Họ gần đây có ra nước ngoài không? Họ có liên quan đến một trong 5 cụm dịch tại thành phố không? Họ có ho khi đi tiếp xúc với ai không? Bạn bè, gia đình, đối tác của họ là ai?
Singapore, Hong Kong và Đài Loan là những nơi bị Covid-19 tấn công sớm vì mối quan hệ kinh tế và xã hội chặt chẽ với Trung Quốc đại lục. Họ đã kiềm chế dịch hiệu quả với các phản ứng nhanh mạnh.
Singapore đã dành nhiều năm xây dựng một hệ thống y tế công cộng bao gồm các phòng khám chuyên về bệnh truyền nhiễm và hệ thống nhắn tin kêu gọi công chúng rửa tay hay dùng khăn giấy che miệng mũi khi hắt hơi trong mùa cúm. Luật về bệnh truyền nhiễm giúp chính quyền có thẩm quyền để ưu tiên lợi ích chung hơn mối lo ngại về quyền riêng tư.
"Từ khi chưa có khủng hoảng nổ ra, chúng tôi đã lên kế hoạch cho những dịch như thế này", Lalitha Kurupatham, quan chức phụ trách phòng chống dịch bệnh ở Singapore, cho biết.
Là người đứng đầu chương trình theo dõi lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân, bà đã làm việc 16 giờ mỗi ngày trong hai tháng. Khi dịch mới bùng phát, Singapore nhanh chóng bị ảnh hưởng vì nhiều người Trung Quốc đại lục đến đây trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hàng chục ca nhiễm được xác định tại Singapore vào tháng một, nhờ họ đã triển khai xét nghiệm quy mô lớn. Nếu không, họ có thể để sót những trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ, Singapore đã "chạy nước rút" để ngăn lây lan cộng đồng.
"Cho đến khi các ổ dịch ở Italy, Hàn Quốc và Iran xuất hiện, Singapore là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục", Linfa Wang, từ trường y thuộc liên kết của Đại học Duke tại Mỹ và Đại học Quốc gia Singapore, nói. "Nhưng lúc đó chúng tôi không cảm thấy như vậy. Bởi vì chính phủ rất minh bạch và vì con số ca nhiễm cao có nghĩa là chúng tôi đã thực hiện hiệu quả việc xác định người từng tiếp xúc với người nhiễm và cách ly mọi trường hợp".
Singapore ghi nhận hơn 260 ca nhiễm, hơn 110 người bình phục và không có ai tử vong. Khi tin đồn về một loại virus đường hô hấp bí ẩn tại Trung Quốc xuất hiện hồi đầu năm, Singapore đã nhanh chóng hành động. Họ là một trong những quốc gia đầu tiên cấm tất cả người đi từ Trung Quốc đại lục, bắt đầu từ cuối tháng một, và đo thân nhiệt của tất cả người nhập cảnh.
Là quốc gia 5,7 triệu dân, Singapore nhanh chóng phát triển khả năng xét nghiệm hơn 2.000 người mỗi ngày. Tại bang Washington, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ, các phòng thí nghiệm công cộng đang cố gắng xét nghiệm được 400 mẫu mỗi ngày.
Người bản xứ được xét nghiệm và điều trị miễn phí. Singapore có 140 công cụ theo dõi lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân, cảnh sát và các cơ quan an ninh cũng tham gia nhiệm vụ. Sau vài tuần điều tra, giới chức y tế xác định được hai cụm dịch ở hai nhà thờ có liên quan một bữa tiệc 33 người tham dự trong Tết Nguyên đán. Những người này không có triệu chứng nặng.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân bắt buộc phải cách ly. Những người không tuân thủ quy định có thể đối mặt cáo buộc hình sự. Gần 5.000 đã bị cách ly.
Tất cả bệnh nhân viêm phổi và mắc bệnh nặng ở Singapore đều được xét nghiệm nCoV. Các ca dương tính được xác định tại sân bay, phòng khám của chính phủ và chủ yếu qua theo dõi lịch sử tiếp xúc.
Singapore đã rút kinh nghiệm từ SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003, khi nước này ghi nhận 238 ca nhiễm, 33 người chết. Giống như Hong Kong, các ca tử vong đa phần là nhân viên y tế.
"Chúng tôi muốn đi trước virus một bước", Vernon Lee, giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Singapore nói. "Nếu bạn đuổi theo virus, bạn sẽ luôn tụt lại phía sau".
Hong Kong từng chịu ảnh hưởng nặng nề trong SARS với gần 300 người chết. "Bóng ma" SARS đã khiến cư dân tại đây nâng cao cảnh giác ngay từ đầu. Gần như tất cả mọi người đều chú ý rửa tay. Trung tâm thương mại và văn phòng đo thân nhiệt của người ra vào.
"Điều quan trọng nhất là người Hong Kong có những ký ức ám ảnh về SARS", Kwok Ka-ki, nhà lập pháp ở Hong Kong, nói. "Mỗi người dân đều có ý thức, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, như tránh những nơi đông người".
Chính quyền đặc khu thắt chặt kiểm soát cửa khẩu với Trung Quốc đại lục. Công chức được yêu cầu làm việc tại nhà, khiến các công ty cũng đưa ra biện pháp tương tự. Trường học đóng cửa vào tháng một cho đến sớm nhất là cuối tháng 4. Hong Kong ghi nhận hơn 160 người nhiễm nCoV, 4 ca tử vong và hơn 80 người bình phục.
Đài Loan thậm chí còn hành động nhanh hơn. Giống như Hong Kong và Singapore, Đài Loan có đường bay thẳng với Vũ Hán. Trung tâm chỉ huy y tế của đảo, được thành lập sau SARS, đã yêu cầu sàng lọc hành khách từ Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019, ngay cả trước khi Bắc Kinh thừa nhận nCoV lây từ người sang người.
Cuối tháng một, Đài Loan đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, mặc dù WHO khi đó khuyến cáo không nên làm vậy. Giới chức tích hợp cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế với thông tin nhập cảnh và hải quan để theo dõi những người có thể mang mầm bệnh, theo Jason Wang, giám đốc Trung tâm Chính sách, Kết quả và Phòng ngừa tại Đại học Stanford.
Khi các ca nhiễm nCoV trên du thuyền Diamond Princess được phát hiện sau khi tàu dừng ở Đài Loan, cư dân đảo nhận được tin nhắn liệt kê từng nhà hàng và địa điểm hành khách trên tàu đã ghé thăm.
Đài Loan ghi nhận hơn 70 ca nhiễm nCoV, 20 người bình phục và một người tử vong, nhưng một số người lo ngại Đài Loan chưa thực hiện xét nghiệm quy mô lớn. Học sinh đã trở lại trường vào cuối tháng hai.
Mấu chốt chống dịch của Singapore, Đài Loan và Hong Kong là can thiệp sớm, tìm hiểu lịch sử tiếp xúc, cách ly người nhiễm cùng người nghi nhiễm và cách ly xã hội. Tất cả được điều phối nhanh chóng và minh bạch.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ liệu các quốc gia châu Âu có thể học theo mô hình này, vì người dân châu Âu có thể phản đối việc khai thác dữ liệu camera an ninh hoặc hồ sơ nhập cảnh với lo ngại về xâm phạm quyền tự do cá nhân. Trong khi đó, tại những nơi như Singapore, nước từng cấm nhai kẹo cao su, người dân sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của chính phủ.
"Có lẽ vì bối cảnh châu Á của chúng tôi, cộng đồng sẵn sàng chấp nhận các biện pháp hơn", Kurupatham nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, vì biện pháp cách ly có hiệu quả".
Tuy nhiên, Singapore, Đài Loan và Hong Kong đang đối mặt thách thức mới khi các trường hợp nhiễm nCoV tăng vọt ở châu Âu và Trung Đông, những người đi từ các khu vực này có thể làm bùng lên đợt dịch mới.
Để đối phó trong giai đoạn hai, từ cuối tuần này Hong Kong yêu cầu tất cả người đến từ nước ngoài cách ly 14 ngày. Đài Loan yêu cầu những người đến từ 20 quốc gia và ba bang của Mỹ cách ly.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo tuần trước rằng số ca tại nước này có thể tăng mạnh. Singapore ghi nhận 23 ca nhiễm mới ngày 17/3, mức tăng cao nhất trong một ngày, với 17 trường hợp "ngoại nhập". Họ đã ra quy định yêu cầu người đến từ Đông Nam Á và một phần của châu Âu phải tự cách ly 14 ngày.
"Virus này rất khó lường", Paul Anantharajah Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Lây nhiễm châu Á - Thái Bình Dương nói. "Không có nơi nào an toàn cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới đều an toàn".
Phương Vũ (Theo NYTimes/WSJ)