Được chính Chủ tịch Tập Cận Bình giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ chống Covid-19 ở Vũ Hán, quân đội Trung Quốc (PLA) đã gánh vác một trong những trách nhiệm nặng nề nhất ở vào thời điểm khủng hoảng của đất nước, các chuyên gia quân sự nhận định.
Chủ tịch Tập tuần trước đã chọn trung tâm chỉ huy tại bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn do quân đội điều hành làm điểm dừng chân đầu tiên khi tới tâm dịch Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc. Ông tái khẳng định vai trò dẫn dắt của quân đội trong cuộc chiến đẩy lùi nCoV.
Bên trong tòa nhà ba tầng cách khu cách ly nơi điều trị các bệnh nhân nặng khoảng 500 m, qua đường truyền video, Chủ tịch Tập tuyên bố với các thành viên đội ngũ y bác sĩ quân y Trung Quốc rằng virus cơ bản đã được kiềm chế ở Vũ Hán và các thành phố lân cận.
Kể từ thời điểm Bắc Kinh ban bố tình trạng y tế khẩn cấp tại Hồ Bắc ngày 25/1, Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) đã huy động hơn 10.000 quân nhân tới khu vực, chủ yếu là lực lượng quân y. PLA cũng được trao nhiều quyền hành hơn các chính quyền địa phương trong việc kiểm soát vật tư y tế. Đây là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm ngăn chặn virus lây lan của chính quyền trung ương Trung Quốc.
1.400 quân nhân đầu tiên được cử tới bệnh viện Hỏa Thần Sơn vào ngày 4/2, hai ngày sau khi cơ sở này hoàn thành. Bệnh viện rộng 25.000 m2 được xây trong vòng 10 ngày và cung cấp 1.000 giường chăm sóc đặc biệt.
"Quân đội Trung Quốc đã được huấn luyện rất tốt để phản ứng nhanh chóng trước bất kỳ tình huống nghiêm trọng nào", chuyên gia quân sự Chu Thần Minh ở Bắc Kinh nhận xét. "Tất cả các sĩ quan và binh sĩ chống nCoV đều được triển khai tham gia một nhiệm vụ quân sự phi truyền thống, nơi họ có thể thể hiện khả năng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ của mình".
Khi số ca nhiễm vượt 60.000 vào giữa tháng hai, Chủ tịch Tập ra lệnh điều động thêm 2.600 nhân viên quân y đến hai bệnh viện ở Vũ Hán nhằm giúp điều trị cho 1.600 bệnh nhân. Mệnh lệnh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.
Chính quyền trung ương đã huy động hơn 60.000 nhân viên y tế cả dân sự và quân sự để chống Covid-19. Đến nay, hơn 3.000 nhân viên y tế đã bị nhiễm nCoV, nhưng không có người nào từ đội ngũ quân y, Trần Cảnh Nguyên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc, cho hay.
Khi dịch SARS bùng phát hồi năm 2002-2003, CMC đã gửi một đội ngũ y tế gồm 1.200 người đến bệnh viện dã chiến Tiểu Thang Sơn ở Bắc Kinh, giúp điều trị cho 680 bệnh nhân.
"PLA có rất nhiều chuyên gia dịch tễ học và vi khuẩn học có kinh nghiệm, bởi quân đội đã có lịch sử lâu dài nghiên cứu về chiến tranh sinh hóa", Chu Thần Minh nói.
PLA thành lập Học viện Khoa học Quân y (AMMS) từ năm 1951. Nhiệm vụ trọng tâm của học viện là nghiên cứu về chiến tranh hạt nhân, sinh hóa và hóa học, tương tự căn cứ Fort Detrick ở Maryland, trung tâm nghiên cứu các chương trình vũ khí sinh học của Mỹ từ năm 1943 đến 1969, và Porton Down, cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học của Anh.
Thiếu tướng Trần Vi, một nhà khoa học của AMMS, đã lãnh đạo đội ngũ chuyên gia chống Covid-19 tại Vũ Hán từ tháng một. Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết bà Trần và các cộng sự đã chia ca làm việc suốt ngày đêm để phát triển vaccine nCoV. Bà từng được vinh danh vì vai trò trong các nỗ lực cứu trợ trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 và phát triển vaccine trong đại dịch Ebola ở Tây Phi từ năm 2014 đến 2016.
Thiếu tướng Trần, 54 tuổi, cũng được ghi nhận rộng rãi vì góp công phát triển một loại thuốc xịt mũi giúp 10.000 nhân viên y tế chống dịch SARS không bị nhiễm virus.
Cục trưởng Cục Quân y Trần Cảnh Nguyên cho hay loại thuốc xịt mũi trên chưa được sản xuất hàng loạt, nhưng các nhân viên quân y ở Vũ Hán đều sử dụng chúng và không ai bị nhiễm nCoV.
Tháng 9/2016, CMC đã thành lập Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Liên quân ở Vũ Hán, sau chiến dịch tái cấu trúc quân đội của Chủ tịch Tập.
"Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần ở Vũ Hán đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối nguồn lực y tế và nhu yếu phẩm cho những nhân viên quân y chiến đấu ở tiền tuyến", Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự ở Hong Kong, đánh giá. "Đó là lý do đội ngũ y tế của PLA có thể hoạt động hiệu quả như vậy".
Tại tâm dịch Vũ Hán, khi các nhân viên y tế dân sự phàn nàn về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, các sĩ quan hậu cầu PLA đã đứng ra nhận trách nhiệm phân phối vật tư y tế và những nhu yếu phẩm hàng ngày khác, theo một nguồn tin quân sự.
"Khi lực lượng hậu cần PLA đảm nhận việc phân phối, vấn đề đã được giải quyết bởi hệ thống chỉ huy, điều hành của quân đội hiệu quả hơn so với các bệnh viện địa phương", nguồn tin cho hay.
Theo báo PLA Daily, lực lượng hậu cần đồn trú ở Vũ Hán còn chịu trách nhiệm thu mua và vận chuyển nhu yếu phẩm cho 11 triệu người dân bị cách ly tại đây.
"Lý do PLA tiếp quản các nguồn cung thiết yếu tại Vũ Hán là vì các lãnh đạo quân sự đã nhìn ra những bất hợp lý liên quan đến lợi ích cục bộ địa phương, vốn có thể kéo lùi cuộc chiến chống Covid-19", nguồn tin nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)