![]() |
Francis Arinze. |
John Paul, gốc Ba Lan, là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Italy trong 455 năm. Ông đã đem lại một sức sống mới cho Nhà thờ Công giáo. Vì thế một quan điểm được đưa ra là những người bầu chọn giáo hoàng nên tiếp tục tinh thần này bằng cách công nhận các trung tâm Công giáo khác bên ngoài châu Âu ở Mỹ Latin và châu Phi. Còn quan điểm kia là vị trí lãnh đạo Vatican nên được trả lại cho người Italy sau 26 năm triều đại John Paul II.
Hiện không có nhân vật nào chiếm ưu thế rõ ràng, khi 117 hồng y chuẩn bị cuộc họp kín trong tháng này.
Một loạt cái tên được coi là có nhiều tiềm năng. Trong đó phải kể đến hồng y Francis Arinze, người Nigeria, và hồng y Claudio Hummes, người Brazil.
Hồng y Francis Arinze, 72 tuổi, trong suốt 20 năm qua là nhân vật then chốt của Vatican phụ trách quan hệ với Hồi giáo. Các hồng y chọn vị giáo hoàng tiếp theo có thể cân nhắc đến yếu tố quan trọng này, bởi Arinze đến từ một quốc gia quy tụ cả Hồi giáo và Thiên chúa giáo.
Điều này dẫn tới suy đoán rằng ông có thể trở thành giáo hoàng châu Phi đầu tiên trong hơn 1.500 năm. Là một người rất sùng đạo, ông thường đi về phía văn phòng của mình gần Vatican với chuỗi tràng hạt trên tay trong khi cầu nguyện và luôn mỉm cười.
Arinze sinh ra trong một gia đình theo thuyết duy linh ở làng Eziowelle. Lên 9 tuổi, ông mới được rửa tội để chuyển sang Công giáo. Ông có những quan điểm bảo thủ giống như John Paul về việc nạo thai và các vấn đề gia đình.
![]() |
Claudio Hummes. |
Còn Hummes, 70 tuổi, là tổng giám mục Sao Paulo, Brazil, thường kêu gọi chú ý tới việc chống nghèo đói và ảnh hưởng của toàn cầu hoá tới các nền kinh tế. Những người ủng hộ ông cho rằng vai trò của Brazil là một cường quốc kinh tế và chính trị ở Mỹ Latin có thể giúp Vatican đối phó với sự mới nổi lên của các nhà thờ phái Phúc âm tại khu vực.
Hồng y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga (người Honduras), 62 tuổi, tổng giám mục vùng Tegucigalpa, cũng được coi là có hy vọng. Nhưng việc lựa chọn ông sẽ là một bước đột phá quá mức đối với những nhân vật bảo thủ ở Vatican. Ông từng nghiên cứu tâm lý học lâm sàng, phong cách rất năng động và thẳng thắn.
Trong số những người Italy, hồng y Dionigi Tettamanzi, tổng giám mục Milan, theo tư tưởng ôn hoà, có khả năng điều hành thiên bẩm, phong thái thu hút giới trẻ. Nhưng Tettamanzi, 71 tuổi, lại không phải là một người hay công du và một số người chỉ trích cho rằng ông có thể gây ấn tượng Italy quá đậm nét.
Hai nhân vật Italy khác được nhắc đến còn có: hồng y Angelo Scola của Venice, 63 tuổi, khá trẻ trung, cùng Giovanni Battista Re, 71 tuổi, giữ chức chủ tịch uỷ ban Vatican cho khu vực Mỹ Latin từ năm 2001.
Tại châu Âu cũng có một số ngôi sao đang nổi lên. Đó là hồng y Christoph Schoenbon, tổng giám mục 69 tuổi của Vienna, Áo, có tài ngoại giao và thông thạo nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, Hồng y Godfried Danneels, 71 tuổi, người Bỉ, nổi tiếng trong giới chính trị và ngoại giao. Hồng y Joseph Radzinger, vị tổng trưởng người Đức phụ trách Bộ Giáo lý Đức tín hùng mạnh, 78 tuổi, cũng là một tên tuổi hàng đầu. Ông là một người thân tín của John Paul II và được những người muốn duy trì các quan điểm bảo thủ của vị giáo hoàng quá cố ủng hộ.
Trong số hội đồng bầu giáo hoàng gồm 117 hồng y dưới 80 tuổi, châu Âu có đông số phiếu bầu nhất với 58 vị, riêng Italy đã có 20. Mỹ Latin góp 21 và châu Phi có 11. Nước Mỹ cũng có tới 11 hồng y và có thể làm đổi chiều lá phiếu nếu họ hợp sức với nhau. Tuy nhiên, một vị hồng y người Mỹ là một điều không tưởng, vì Vatican sẽ tránh một sự liên hệ phức tạp như vậy với siêu cường duy nhất của thế giới.
Tuy nhiên, mọi dự đoán bây giờ đều khó chính xác. Chỉ cần nhớ lại rằng sau 2 ngày và 8 vòng bỏ phiếu 26 năm trước, các hồng y mới chọn ra được Karol Wojtyla (tên thật của John Paul II), người chưa bao giờ được coi là một ứng cử viên nghiêm túc. Nhiều người khi đó đã không thể tin ở tai mình.
M.C. (theo AP)