![Tầm nhìn trong hang Tham Luang rất hạn chế, trong khi nước khá lạnh. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/07/05/9934358-3x2-700x467-8573-1530760891.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rnJGOJJFdLA55o0VOjD1-Q)
Tầm nhìn trong hang Tham Luang rất hạn chế, trong khi nước khá lạnh. Ảnh: AP.
Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan hôm qua thông báo 12 thành viên đội bóng nhí của nước này bị mắc kẹt cùng huấn luyện viên trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai gần hai tuần qua đang được học bơi và lặn.
Giới chuyên gia nhận định việc dạy cho các thiếu niên những kỹ năng trên để đội ngũ thợ lặn đưa đội bóng ra khỏi hang là lựa chọn thực tế, song nó cũng tồn tại những rủi ro nhất định.
Hành trình nguy hiểm
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anupong Paojinda đã chính xác khi nói lặn trong hang "khác biệt hoàn toàn với lặn trong bể bơi" và quãng đường lặn trở ra của đội bóng thiếu niên Thái là một hành trình dài, tiềm ẩn không ít nguy hiểm, theo ABC News.
Kỹ sư kiêm thợ lặn hang động người Australia Ron Allum nhận xét ngay cả với một thợ lặn giàu kinh nghiệm, hành trình này cũng "khá đáng sợ". "Kể cả có đèn đi chăng nữa, tất cả những gì họ nhìn thấy chỉ là một màn nâu mờ ảo phía trước mặt. Họ không có tầm nhìn", ông cho hay.
Theo các thợ lặn tham gia nỗ lực tìm kiếm cứu nạn suốt 12 ngày qua, nước bên trong hang đục ngầu vì bùn và khá lạnh.
Việc không ai trong 12 thành viên đội bóng nhí biết bơi cũng là một trở ngại lớn. Để dạy bơi cho các em tốn khá nhiều thời gian nhưng hơn thế, nếu có tình huống khẩn cấp, bất ngờ xảy ra trong lúc lặn, với kinh nghiệm ít ỏi và kỹ năng còn non nớt, lũ trẻ khó có thể phản ứng hợp lý.
Những thợ lặn từ Hội đồng Giải cứu Hang động Anh tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn ước tính hệ thống hang Tham Luang, nơi động bóng nhí mắc kẹt, dài khoảng 10 km.
"Chúng tôi khá chắc chắn rằng lũ trẻ đang ở sâu trong hang khoảng hai km, mà cứ mỗi một km lại gặp những đoạn ngập nước... Nước có khi chạm cả trần hang", Phó chủ tịch Hội đồng Giải cứu Hang động Anh Gary Mitchell cho biết.
Đường thoát khỏi hang của đội bóng nhí Thái Lan.
Theo Mitchell, với những thợ lặn chuyên nghiệp, để ra khỏi hang, họ cần mất tới ba giờ khi phải liên tục dừng lại giữa chừng, thay bình dưỡng khí. "Đó là một quá trình chậm chạp", ông nhấn mạnh.
Anmar Mirza, điều phối viên Ủy ban Giải cứu Hang động Quốc gia Mỹ, nhận định việc đảm bảo an toàn 100% cho quãng đường lặn khỏi hang của đội bóng nhí dường như là bất khả thi.
"Rất khó để lên kế hoạch và chuẩn bị phương án dự phòng cho mọi tình huống phát sinh", Mirza nói. "Vấn đề là mỗi tình huống phát sinh đều nguy hiểm chết người: Hoảng loạn, đánh rơi mặt nạ dưỡng khí hay gặp rắc rối với thiết bị".
Ông Allum cho rằng khi mà những thành viên đội bóng nhí mới chỉ từ 11 đến 16 tuổi, việc các em rơi vào hoảng loạn trong lúc lặn là điều dễ xảy ra. Nếu gặp một dòng nước mạnh ngược chiều, lũ trẻ hoàn toàn có thể mất kiểm soát.
"Đối mặt với tình huống như vậy, các em sẽ vô cùng bối rối", Allum nói.
Theo Pat Moret, chuyên gia cố vấn các cuộc giải cứu, trong hành trình trở ra, các em sẽ phải đương đầu với tình cảnh "ngặt nghèo khủng khiếp". "Hy vọng lũ trẻ đủ quyết tâm để nghiến chặt răng và vượt qua tất cả trở ngại", ông cho hay.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anupong Paojinda từng nói nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong lúc đội bóng lặn khỏi hang, chúng đều là tình huống "đe dọa tới tính mạng".
Đội bóng nhí Thái Lan cười lạc quan khi chờ được giải cứu.
Lựa chọn cuối cùng
Dự báo thời tiết cho biết nhiều khả năng mưa to sẽ trút xuống trong những ngày tới, khiến hang Tham Luang bị ngập thêm. Điều này có nghĩa chờ đợi giờ đây không còn là một lựa chọn khả dĩ. Đội bóng nhiều khả năng buộc phải lặn khỏi hang nếu muốn sống sót.
Trong trường hợp ấy, theo Allum, bước đầu tiên đội cứu hộ cần làm là đưa các em tới hồ phía cuối hang nơi động bóng mắc kẹt để thử sức. "Nếu các em có thể chịu đựng được trong ngần ấy thời gian, hãy xem cách lũ trẻ xử lý trước khi đưa chúng tới môi trường khắc nghiệt và mạo hiểm hơn", ông nhấn mạnh.
Allum cũng thêm rằng chỉ nên đưa một người ra trong một lần bởi những lối đi rất hẹp và các em phải được "kết nối chặt chẽ" với thợ lặn.
Theo Phó chủ tịch Hội đồng Giải cứu Hang động Anh Bill Whitehouse, cách an toàn nhất là giữ chặt từng đứa trẻ trong lúc đưa các em rời khỏi hang. "Nếu các em được gắn máy thở thì ta nên giữ chặt từng em và kéo chúng ra, đúng theo nghĩa đen", ông nói.
![Hành trình tới nơi đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. Đồ họa: Tạ Lư.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/07/05/5-3689-1530758237-2082-1530760891.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m-9d_w5sKmXLf9nRQYjQIA)
Hành trình tới nơi đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. Đồ họa: Tạ Lư.