Marco Casamonti, bậc thầy thiết kế người Italy
và ekip đạo diễn đứng sau lễ khai mạc World Cup 1998 – ECA2,
sẽ hợp lực cùng Sun Group xây những công trình biểu tượng du lịch mới
tại Nam Phú Quốc.
Cầu Vàng
công trình khởi đầu của
biểu tượng du lịch Việt Nam
Mùa hè năm 2018, ngành du lịch Việt Nam chứng kiến một hiện tượng chưa từng có: một cây cầu dài khoảng 150 m, ngay sau khi được khai trương, bỗng được nhắc đến trên các mặt báo khắp thế giới.
Cầu Vàng do tập đoàn Sun Group xây tại Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) được hàng trăm tờ báo, từ Reuters, CNN đến National Geographic nhắc đến như một “lý do mới để bạn chọn tới Việt Nam”. Trên độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển, cây cầu cong phủ màu vàng kim, được đỡ bởi hai cánh tay rêu phong khổng lồ vươn ra từ vách đá nhanh chóng lọt vào hàng loạt bảng xếp hạng “cầu đẹp nhất thế giới”. Trên Instagram, một bức ảnh Cầu Vàng thu được hơn 3 triệu lượt thả tim. Trong quý 1/2019, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018 - khi Cầu Vàng chưa được khánh thành.
Trong số các biểu tượng du lịch Việt Nam được nhận diện trên tầm thế giới, Cầu Vàng là trường hợp hiếm hoi khai sinh trong thế kỷ 21. Các biểu tượng khác, từ vịnh Hạ Long cho đến Đại nội Huế, đều là món quà của tự nhiên hoặc di sản văn hóa nhiều thế kỷ.
Sự xuất hiện và nổi tiếng của Cầu Vàng bỗng đặt cho ngành du lịch nói chung, hay bản thân riêng Sun Group một nan đề: Làm thế nào để tạo ra thêm những biểu tượng du lịch mới cho Việt Nam?
Và lời giải cho đề bài trên đã được Sun Group giao cho ECA2 – những người đã đạo diễn Lễ khai mạc World Cup 1998 – và Marco Casamonti, người được Italy chọn là “Đại sứ kiến trúc” của họ.
Cách tạo dựng
biểu tượng du lịch
Trong chương trình lớp 12 của Nam Phi, có môn Du lịch. Và sách dạy môn Du lịch của họ có một câu hỏi: “Điểm khác nhau giữa một địa điểm du lịch (tourism attraction) và một biểu tượng du lịch (tourism icon) là gì?”.
Nam Phi là quốc gia có doanh thu từ du lịch khoảng 9 tỷ USD mỗi năm. Hơn 10% dân số của nước này hoạt động trong ngành kinh tế không khói. Dễ hiểu tại sao học sinh Nam Phi trước khi tốt nghiệp phổ thông đều phải trả lời được câu hỏi liên quan đến bộ môn Du lịch: Điểm khác nhau giữa một địa điểm du lịch và biểu tượng du lịch là gì?
Đó cũng là nan đề trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang gặp nhiều thách thức vì Covid-19. Sau mở cửa, sẽ là cuộc cạnh tranh của tất cả các quốc gia trong nỗ lực thu hút khách và phục hồi.
Theo sách giáo khoa của Nam Phi, có bảy lý do để một “địa điểm du lịch” trở thành một “biểu tượng”, gồm Kiến trúc độc nhất vô nhị; Phong cảnh thiên nhiên độc nhất; Giá trị tôn giáo đặc biệt; Sự kỳ vĩ và quy mô siêu lớn; Thành tựu phi thường của con người; Có cảm quan linh thiêng và huyền bí và Thu hút một lượng khách nhất định hàng năm.
Trong số các yếu tố này, có những thứ không thể được tạo ra bằng ý chí con người. Một số biểu tượng khác được tạo ra bởi ý chí con người, nhưng đơn giản là không thể tái hiện trong kỷ nguyên hiện đại, như Vạn lý Trường Thành hay Kim tự tháp Giza.
Chỉ còn hai cách để tạo dựng một biểu tượng du lịch mới: tạo nên những kiến trúc độc nhất vô nhị, và các hoạt động để thu hút một lượng khách du lịch lớn hàng năm bằng các lễ hội, các công viên chủ đề.
ECA2 - kiến tạo biểu tượng bằng
trí tưởng tượng
Ngày 10/6/1998, bốn tỷ người trên khắp hành tinh đã theo dõi Lễ khai mạc World Cup tại Paris qua truyền hình, một trong những lễ khai mạc World Cup ấn tượng nhất trong kỷ nguyên hiện đại. Không chỉ là một tác phẩm quy mô, với những đóa hoa và khí cầu khổng lồ, buổi lễ còn là tác phẩm của công nghệ. Ở màn cuối cùng, trong bóng tối, các nghệ sĩ trình diễn khiêu vũ với một dàn pháo bông cháy rực trên lưng, tạo ra một vũ điệu của ánh sáng trên sân Stade de France.
Hai năm sau đó, người Pháp làm nên lịch sử cùng pháo hoa. Tại lễ đón chào Thiên niên kỷ mới của Paris, lần đầu tiên một lượng pháo bông lên tới 20.000 quả được lắp đặt trực tiếp lên tháp Effiel và phóng trực tiếp từ đó, biến Tháp Effiel thành “một cây nến Roman khổng lồ”, theo lời của tác giả, nhà thiết kế nghệ thuật Yves Pepin.
Những sự kiện đó có chung một nhà tổ chức: công ty ECA2 của Yves Papin. Thành lập từ năm 1974, ECA2 trở thành một nhà thiết kế các biểu tượng du lịch cho toàn cầu. Và họ sẽ có mặt tại Việt Nam – với một show diễn thường kỳ độc đáo chưa từng có tại Nam Phú Quốc.
Ngay từ khi thành lập ECA2 ở thập kỷ 70, Yves Pepin đã tâm niệm rằng một sự kiện không phải là thứ để phô diễn những hình ảnh “trên trời”. Sự kiện trình diễn là để kết nối người thưởng ngoạn với vùng đất.
Trong suốt nửa thế kỷ phát triển, ECA2 đứng đằng sau nhiều sự kiện tầm vóc thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà chính phủ Trung Quốc chọn Yves Pepin là nhà tư vấn cho Lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008 bên cạnh Trương Nghệ Mưu – sự kiện trình diễn mà cho đến nay vẫn được xem là lớn nhất trong lịch sử quốc gia này.
ECA2 đã làm nghệ thuật với một sự sáng tạo không ngừng. Và họ còn là những nhà phát minh quan trọng của ngành trình diễn thế giới.
Năm 1989, tại Lễ kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp, ECA2 là những người đầu tiên trên thế giới trình chiếu hình ảnh trên một màn chiếu tạo thành từ các tia nước. Công nghệ này đã phổ biến ngày nay, nhưng Yves Pepin là nhà tiên phong ở thập kỷ đó. Cũng trong thập kỷ 90, họ là những nhà tiên phong trong việc sử dụng máy vi tính để lập trình việc bắn pháo hoa (công nghệ đã tạo ra Lễ đón Thiên niên kỷ tại tháp Effiel).
Các công nghệ trình chiếu trên nước do ECA2 sáng tạo sau này được sử dụng bởi các hãng lớn như Disney và Paramount. Và Yves Pepin, nhờ vào trí tưởng tượng phi thường của một nhà phát minh, tạo ra những biểu tượng du lịch mới. Họ đặt nền móng cho Puy du Fou, công viên chủ đề ăn khách thứ 2 tại Pháp sau Disneyland. Cũng chính ông và cộng sự kiến tạo nên show “Song of the Sea” ở công viên Sentosa, Singapore với hơn một triệu khách dự khán mỗi năm.
Tại Nam Phú Quốc, trong một quần thể sân khấu độc đáo bên bờ biển, ECA2 cùng tập đoàn Sun Group sẽ làm nên biểu tượng mới cho du lịch Việt Nam. Đó sẽ là một trải nghiệm chưa từng có: 5.000 khán giả đi xuyên qua dải ngân hà, theo chân cuộc phiêu lưu của Luigi, một chàng thanh niên trẻ và những người bạn của mình chiến đấu chống lại những mối đe dọa từ vũ trụ. Họ vượt qua thử thách bằng tình cảm gia đình, tình bè bạn, và tìm thấy tình yêu đôi lứa. Bằng các công nghệ trình diễn ánh sáng tối tân, ECA2 và Sun Group muốn kể một câu chuyện không có biên giới về chủ nghĩa nhân văn. Điều đó cũng thể hiện tinh thần của Nam Phú Quốc, với mục tiêu trở thành một điểm đến toàn cầu.
Phép màu
của những đường cong độc bản
Khi Luigi tìm thấy nụ hôn đầu đời giữa dải ngân hà, thì phía bên kia sân khấu, nhiều đôi lứa trao nhau khoảnh khắc lãng mạn trong đời thực, hay tìm thấy sự bình yên trong chính mình trước đại dương mênh mông. Đó là ý tưởng của chủ đầu tư Sun Group khi xây dựng Cầu Hôn (Kiss Bridge), một vòng cung không khép kín như dải lụa vắt qua đại dương.
Đó không hẳn là một cây cầu, mà là một đài vọng cảnh được thiết kế như một con đường đi bộ nằm lơ lửng giữa khung cảnh hùng vĩ của tự nhiên, để các du khách hòa làm một với thiên nhiên. Và hơn cả, đó sẽ là một “icon” mới cho du lịch Nam Phú Quốc.
Archea Assocati (Marco Casamonti & Partners) và những đường cong phóng khoáng của họ đã tạo nên vô số những biểu tượng kiến trúc từ Âu sang Á. Tại Italy, nhà nấu rượu Antinori được thiết kế như một đợt sóng đang tràn trên những sườn đồi trồng nho của vùng Tuscany, không có ranh giới giữa vườn nho và hầm nho. Tại Bắc Kinh, họ đánh bại hàng loạt nhà thầu cho công trình Nhà triển lãm rượu Diên Khánh, bằng hai khối nhà cong nối liền xây bằng gạch xám Trung Hoa, tạo cảm quan về một vòng tuần hoàn vô cực. Sân vận động quốc gia Albania lại là vô số những tấm vật liệu cong màu đỏ - màu của quốc kỳ Albania.
Và họ sẽ cùng Sun Group làm nên một đường cong độc bản.
Tại Nam Phú Quốc, những đường cong của Cầu Hôn sẽ hòa với sóng và bãi cát, tạo ra một hành trình giữa biển khơi. Điều đặc biệt là cây cầu này sẽ không khép kín. Nếu hai người đi từ hai đầu cầu, họ sẽ gặp nhau ở giữa cầu, chạm được vào nhau, trao nhau một nụ hôn, nhưng không bước qua bên kia. Nó trở thành một biểu tượng cho sự kết nối. Và sẽ trở thành một biểu tượng mới đưa Nam Phú Quốc vượt qua biên giới lãnh thổ Việt Nam.
Kiến trúc sư trưởng của Archea Assocati, giáo sư Marco Casamonti chia sẻ quan điểm thiết kế của mình với 3 từ: Tradizione - truyền thống, tức là luôn cần phải biết về lịch sử, về văn hóa, truyền thống; Traduzione - diễn dịch, cần phải truyền tải, diễn dịch những giá trị ấy sang cuộc sống hiện tại; và Tradimento - phản bội, ý chỉ không ngừng cải tiến. “Nếu không chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong hoài niệm”, ông nói.
Dễ nhận ra ECA2 và Archea Assocati có điểm chung: họ đều tôn trọng giá trị của vùng đất, nhưng đều tìm cách sử dụng công nghệ và sự sáng tạo vô biên để đẩy giá trị đó vượt xa ra khỏi quá khứ. Và cùng với nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam, chủ sở hữu của hàng loạt công trình đình đám thế giới – Sun Group, họ sẽ tạo nên thành những biểu tượng mới cho cả một vùng đất.
Nội dung: Thảo Miên
Thiết kế: Đức Việt
Kỹ thuật: Quốc Tuấn