"Tôi đã bỏ hơn 2 tỷ đồng để mua dàn máy và ổ cứng về 'farm' tiền Chia. Nhưng đến nay trong ví chỉ có vài đồng và khó thu hồi vốn nếu tiếp tục", Văn Nguyên, một người khai thác tiền Chia, cho biết. "Tôi không nghĩ nó lại khó khai thác như vậy", Nguyên nói.
Tương tự anh Nguyên, Vũ Đăng cũng đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho hệ thống đào tiền Chia - tiền số được ví là "Bitcoin xanh" do có cách thức khai thác bằng cách sử dụng ổ cứng thay vì card đồ họa (GPU), thân thiện với môi trường hơn. Anh Đăng cho biết anh nhận được 3 đồng Chia sau hơn một tháng khai thác.
Khi cơn sốt tiền Chia xuất hiện ở Trung Quốc và Việt Nam hồi cuối tháng 3, những người như anh Nguyên, anh Đăng bắt đầu săn lùng ổ cứng dung lượng lớn, chủ yếu là loại từ 6 đến 10 TB, bất chấp lúc này giá sản phẩm đang tăng mạnh. Để xây dựng hệ thống của mình, ngoài việc dùng hết số tiền tiết kiệm, anh Nguyên phải đi vay bạn bè và người thân.
Hệ thống đào Chia của anh Nguyên vận hành trơn tru từ đầu tháng 4, nhưng gần nửa tháng sau, đồng tiền đầu tiên mới về ví. Sau hai tháng, hệ thống kiếm được gần 5 đồng. Nếu tính giá mỗi đồng gần 700 USD như hiện nay, anh Nguyên mới kiếm được chưa tới 3.500 USD, tức là khoảng 80 triệu đồng, chưa bằng 1/25 số vốn bỏ ra, chưa tính đến tiền điện tiêu thụ.
Đồng tiền đầu tiên anh Đăng khai thác được đến sau gần một ngày cày "farm" khiến anh hứng khởi. Nhưng suốt vài tuần sau đó, không có thêm đồng nào xuất hiện trong ví, sau đó, anh nhận "nhỏ giọt" hai đồng. Hiện anh mới thu được số tiền trị giá 2.100 USD (48 triệu đồng) và vẫn gánh khoản lỗ gần một tỷ đồng.
Trên các hội nhóm khai thác Chia trên Facebook, nhiều người đang trong tình cảnh giống Nguyên và Đăng. Họ thừa nhận đã không tìm hiểu kỹ về cách khai thác Chia mà đã mua ào ạt với tâm lý "sợ bỏ lỡ cơ hội làm giàu". Giờ đây, họ đang tiến thoái lưỡng nan bởi sẽ khó kiếm lời nếu tiếp tục khai thác Chia, nhưng bán dàn máy đi lại lỗ lớn.
Cách 'chơi' khác biệt
Hoàng Nam, một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đào tiền số, cho biết, khai thác Chia không giống khai thác các loại tiền điện tử khác, như Bitcoin, Ethereum. "Hầu hết cách khai thác tiền số hiện nay có thể 'nhận' các thuật toán về để giải mã và được 'trả công' bằng số tiền nhất định. Việc khai thác Chia lại phụ thuộc vào may rủi. Nó giống chơi xổ số", anh Nam nói.
Về nguyên lý, việc khai thác Chia cần một lượng lớn ổ cứng với dung lượng càng cao càng tốt. Sau đó, người khai thác sẽ cài đặt phần mềm, tạo ví và khai thác. Việc khai thác Chia được gọi là "làm nông trại" (farm) thay vì "đào" (mining) như các loại tiền số khác. Ban đầu, máy tính tạo ra các file plot (dung lượng khoảng 101 GB mỗi plot) và lưu vào ổ cứng. Mỗi plot sẽ tương đương một "vé số". "Ổ cứng càng lớn, người 'farm' càng có cơ hội được nhiều 'vé', từ đó càng có cơ hội nhận thưởng cao", anh Nam giải thích.
Theo anh Nam, hầu hết hệ thống farm hiện nay tại Việt Nam đều có quy mô khoảng 200 đến 500 TB trở lại, chỉ một số trên 1 PiB (1 PiB = 1.125 TB). "Với vài trăm đến vài nghìn plot, những người khai thác Chia tại Việt Nam khó có thể đọ với các hệ thống 'khủng' với dung lượng hàng nghìn PiB của Trung Quốc", anh Nam nhận xét. "Các hệ thống tại Việt Nam rất khó kiếm được nhiều tiền Chia", anh nói.
Gần đây, Chia Network bổ sung tính năng mới là Pool Protocol cho các "thợ farm", cho phép nhiều người đang sở hữu hệ thống nhỏ có thể tham gia cùng và chia đều số Chia khai thác được. Tuy vậy, một số người khai thác Chia tại Việt Nam cho biết cách thức này thu được rất ít, tốn thời gian, khả năng thu hồi vốn thậm chí còn khó khăn hơn.
Do tính chất "xổ số", những người đầu tư hệ thống dung lượng lớn chưa chắc đã khai thác được Chia nhiều hơn, nhưng ngược lại đã có những người "trúng" tiền số này. "Mình có người bạn đầu tư 1,2 tỷ đồng, có hệ thống hơn 3.000 plot mà 3 tuần chạy chưa được đồng Chia nào. Nhưng một người anh khác bỏ 200 triệu cho hệ thống có hơn 700 plot, trong một tuần thu về 4 đồng", một người đào Chia chia sẻ trên Facebook.
Do không thể duy trì hệ thống theo cách "hên xui" như vậy, anh Nguyên cho biết đã rao bán hệ thống "trâu cày" của mình, nhưng chưa có ai mua. Trong khi đó, anh Đăng cho biết sẽ tiếp tục "farm", nhưng thừa nhận "không biết khi nào mới có thể thu hồi vốn".
Nhiều người khác cũng đành ngậm ngùi bán lại số ổ cứng với giá chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng nửa giá lúc mua để "cắt lỗ". Trên mạng xã hội, chủ đề về bán dàn "trâu cày" Chia hoặc ổ cứng dung lượng lớn riêng lẻ cũng xuất hiện ngày một nhiều.
Dù vậy, theo một chuyên gia về máy tính, những mẫu ổ cứng này sẽ rất khó bán cho người dùng phổ thông. Nguyên nhân là do các ổ cứng đã được sử dụng để đào Chia sẽ bị rút ngắn tuổi thọ so với thông thường nên không ai dám mua, dù giá rẻ hơn thị trường.
Chia được thành lập bởi Bram Cohen - người tạo ra BitTorrent - giao thức chia sẻ tài nguyên trên mạng ngang hàng, cho phép tải về những dữ liệu lớn mà không tốn chi phí máy chủ và băng thông mạng. Tiền số này đã bắt đầu quá trình xác thực và cho phép đào từ 19/3. Hôm 4/5, Chia cũng đã lên sàn giao dịch bắt đầu với giá 1.700 USD. Tuy nhiên, chỉ sau vài giây, tiền ảo này chứng kiến đà bán tháo. Hiện tại, mức dao động của đồng tiền số này chỉ đạt 600 - 700 USD mỗi đồng.
Bảo Lâm